pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chung tay bảo tồn rùa biển quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa
Rùa biển quý hiếm tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận
Ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển
Vườn quốc gia Núi Chúa có tổng diện tích 6.198 ha, trải dài từ mũi Đá Vách, xã Vĩnh Hải đến Bắc Hòn Chông, xã Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Khu bảo tồn được chia thành 3 phân khu chức năng chính đặt dưới sự quản lý của Vườn quốc gia Núi Chúa. Trong đó, Khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 667 ha, được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên trên biển.
Theo các nhà khoa học, Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao. Nổi bật nhất là khu hệ sinh thái rạn san hô với sự đa dạng quần xã san hô và quần xã cá rạn, là ví dụ điển hình cho đa dạng sinh học vùng biển ven bờ ở Việt Nam.
Các nghiên cứu và dữ liệu thu thập đã ghi nhận tổng cộng có 310 loài san hô thuộc 60 giống và 15 họ san hô cứng tạo rạn, trong đó có 1 giống mới (Scapophyllia) được ghi nhận cho khu vực phía Tây Biển Đông và 11 loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam; 297 loài cá biển; 33 loài thú biển; 26 loài chim biển; 24 loài bò sát biển; 174 loài rong biển, 4 loài cỏ biển... Nhiều loài trong số này có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN.
Đặc biệt, Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa hiện là một trong những nơi hiếm hoi trên đất liền ở nước ta có quần thể rùa biển gồm: Đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa đến sinh sản hằng năm, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo Quyết định 1176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Vườn quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển.
Theo ông Trần Văn Khang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác.
Đơn vị cũng tập trung xây dựng và duy trì vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập tổ tình nguyện viên là người địa phương cùng hàng trăm tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia bảo vệ rùa biển.
Ngoài ra, Vườn còn tăng cường phối hợp với tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, tình nguyện viên.
Chương trình "Ẵm rùa con ra biển lớn"
Theo các nhà khoa học, trong vòng đời của mình, rùa biển phải đối mặt với nhiều mối đe doạ, bao gồm nguy cơ từ hoạt động đánh bắt thuỷ sản. Nếu hoạt động đánh bắt diễn ra dày đặc, rùa biển có thể bị dính lưới và chết đuối. Dù sống dưới nước nhưng khi bị mắc kẹt trong lưới khoảng 2-6 giờ, rùa biển vẫn sẽ bị mất oxy và chết.
Ô nhiễm môi trường cũng là một yếu tố tác động rất lớn đến rùa biển. Theo các nghiên cứu trên thế giới, 90% rùa con ăn phải rác thải nhựa vì tưởng các mảnh nhựa là phù du hoặc thực vật, dẫn đế bị tắc ruột và chết. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao cứ 1.000 rùa con được nở ra thì chỉ có 1 con sống sót, trưởng thành và sau đó quay lại bãi đẻ.
Trong những năm qua, tại Vườn quốc gia Núi Chúa đã có rất nhiều chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển được triển khai với mục đích nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng vào nỗ lực bảo tồn rùa biển. Một trong những hoạt động ấn tượng và hiệu quả là chương trình thường niên "Ẵm rùa con ra biển lớn" của nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia Núi Chúa tổ chức.
Tham gia chương trình, tất cả tình nguyện viên, các em nhỏ đều được tìm hiểu rất kỹ về rùa biển trước khi tự tay đưa chúng về với biển. Sau khi thả rùa con, các em từ lớp 3 trở lên tham gia lớp học tìm hiểu tập tính của loài rùa biển, vượt qua bài kiểm tra sẽ được Vườn quốc gia Núi Chúa trao chứng nhận hoàn thành khóa học bảo tồn và cứu hộ rùa biển.
Ông Phùng Mỹ Trung, Nhà nghiên cứu sinh vật học, Trưởng nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam, cho biết: "Với 14 chương trình học đa dạng, từ tiến hóa, hóa thạch đến các loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư và rùa biển, chúng tôi mong muốn mang đến một thế giới sinh vật sống động và hấp dẫn cho các em. Mục tiêu của chúng tôi là gieo vào lòng các em tình yêu thiên nhiên sâu sắc và trang bị cho các em kiến thức cần thiết để bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam.
Trong 10 năm qua, có hơn 2.000 gia đình tham gia cùng nhóm và hàng chục ngàn trẻ em đã được học hỏi và trải nghiệm. Khác với các hoạt động du lịch thuần túy, các chương trình của chúng tôi kết hợp giữa trải nghiệm thực tế và kiến thức khoa học, giúp các em trở thành những người nối tiếp bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai".
Đặc điểm của bảo vệ rùa biển diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9, cũng là thời điểm trẻ được nghỉ hè. Để tuyên truyền giáo dục tình yêu thiên nhiên đến trẻ, ông Trung và bạn bè đã xây dựng các chương trình tham gia tình nguyện bảo vệ rùa biển từ tháng 5 đến hết tháng 10 dành cho các bạn học sinh.
Cho đến nay, đã có hàng nghìn tình nguyện viên từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tham gia chương trình "Ẵm rùa con ra biển lớn". Các đợt tình nguyện này đều được đăng ký và tuyển chọn kỹ càng. Mỗi trẻ được kèm theo một phụ huynh.
Từ tháng 5 đến tháng 9 cũng là lúc loài rùa biển lại trở về bãi đẻ sau một hành trình chu du kiếm ăn và tìm kiếm bạn tình trên khắp các đại dương. Nhiều cá thể rùa biển biết yêu và sinh sản lần đầu và chúng đã trải qua hơn 30 năm để quay lại chính bãi biển nơi nó chào đời.
Đây là một hành trình rất xa xôi và đầy khó khăn. Một số cá thể rùa trưởng thành được các nhà bảo tồn gắn thẻ tìm thấy ở Indonesia, Malaysia và thậm chí là Florida đã quay về bãi đẻ ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận.