Chuyện bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu ở Anh quốc

Kim Ngọc
21/01/2025 - 09:17
Chuyện bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu ở Anh quốc

Ảnh minh họa

Hơn một nửa số ông bà ở Anh quốc chăm cháu để giúp các con tiết kiệm chi phí nhưng điều này đôi khi lại dẫn đến những căng thẳng không mong muốn trong gia đình.

Sau một ngày dài làm việc ở văn phòng, Maria trở về nhà và thấy đứa con nhỏ đang nằm trên giường, còn đứa con lớn đã mặc đồ ngủ và đang đọc truyện. Trong thời gian Maria và chồng bận rộn làm việc, bà Jane, mẹ chồng cô, đã đón hai cháu từ nhà trẻ và trường học về, nấu bữa tối, chơi với bọn trẻ và chuẩn bị cho chúng đi ngủ. 

Thế nhưng, cảm giác đầu tiên của Maria khi bước vào ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng không phải là lòng biết ơn mà là sự khó chịu. Bà Jane đã tự ý sắp xếp lại căn bếp của gia đình. 

"Mẹ chồng tôi nói rằng máy nướng bánh mì và ấm đun nước chắn tủ nên bà chuyển chúng đi nơi khác", Maria kể lại. "Mẹ cũng xếp lại toàn bộ chảo, vứt đi những gói thức ăn dùng một nửa mà bà cho là đã để lâu ngày, thậm chí sắp xếp lại cả sách dạy nấu ăn của tôi".

Sự can thiệp của mẹ chồng khiến Maria không khỏi bực bội. Cô nói: "Dường như mẹ chồng không nhận ra đây là nhà của vợ chồng tôi, chứ không phải nhà của bà". Nhưng khi nghĩ đến việc mẹ chồng đã đỡ đần chuyện chăm sóc các con, Maria lại cảm thấy khó xử. "Tôi chỉ muốn nhắm mắt làm ngơ và giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn", cô thừa nhận.

Tại Anh, căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu từ lâu là đề tài cho những câu chuyện hài hước và tranh cãi. Mối quan hệ này vốn đã đầy thử thách, và trong nhiều thập kỷ trước, đặc biệt vào những năm 1970, nó đã bị cường điệu hóa thành những trò đùa. 

Những năm gần đây, khi cấu trúc gia đình thay đổi, mối quan hệ này lại càng phức tạp hơn, phản ánh những vấn đề sâu sắc và thực tế trong đời sống gia đình.

Ranh giới bị xóa nhòa

Nếu một thập kỷ trước, tại Anh, con dâu có thể chỉ gặp mẹ chồng vài lần mỗi tuần, thì giờ đây, tần suất này đã tăng lên đáng kể. Với chi phí chăm trẻ tại Anh trung bình là 14.030 bảng/năm cho trẻ dưới 2 tuổi, gần 2/3 tổng số ông bà thường xuyên trông cháu để giúp con cái tiết kiệm chi phí. 

Nhiều người sẵn sàng ngủ lại qua đêm nhà con cái, đôi khi trong hoàn cảnh không mấy thoải mái như ngủ trên sofa, để có thể giúp đỡ các con chuyện chăm cháu. Nhờ sự hỗ trợ của ông bà, ước tính, các bậc cha mẹ đi làm ở Anh tiết kiệm được khoảng 6,8 tỷ bảng mỗi năm. 

Đối với ông bà, việc chăm sóc cháu mang lại niềm vui khi được gắn bó với bọn trẻ nhiều hơn, đặc biệt sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc này cũng vô tình biến mối quan hệ gia đình thành mối quan hệ mang tính "giao dịch", theo nhà trị liệu tâm lý Susie Masterson. 

Điều này tạo ra những tình huống dễ gây căng thẳng, khi ranh giới về hành vi có thể chấp nhận bị xóa nhòa từ cả hai phía.

Nhiều phụ nữ đang giao phó con cái cho mẹ chồng và cảm thấy bản thân mắc một món nợ ân tình. Nhưng giống như Maria, họ có thể khó chịu khi thấy mẹ chồng không tôn trọng vai trò làm mẹ hay các quy tắc họ đặt ra cho con cái - những điều thường khác xa so với thời của mẹ chồng do thay đổi văn hóa. 

Ở chiều ngược lại, mẹ chồng đôi khi cảm thấy công sức mình bỏ ra không được con dâu ghi nhận đúng mức.

Nhà trị liệu tâm lý Susie Masterson chỉ ra rằng, đằng sau những xung đột này là động lực phức tạp ở những thế hệ phụ nữ khác nhau. Nỗi lo mất đi vị trí quan trọng trong cuộc sống của con trai có thể khiến mẹ chồng vô thức trở nên kiểm soát. 

Chuyện bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu ở Anh- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, nàng dâu lại dễ có cảm giác phòng thủ, cho rằng bản thân không đủ tốt trong vai trò làm mẹ. Những cảm xúc này thường dẫn đến việc hai bên phán xét lẫn nhau. Ví dụ, con dâu có thể chỉ trích chất lượng bữa ăn mẹ chồng nấu cho cháu, trong khi mẹ chồng có thể trở nên áp đặt để khẳng định vị thế của mình. 

"Đó chính là nguồn cơn gây ra căng thẳng âm thầm, đòi hỏi sự ứng xử khéo léo và tôn trọng từ cả hai bên để tránh ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình", Masterson kết luận.

Rạn nứt tình cảm gia đình

Maria cho biết, mối quan hệ của cô với mẹ chồng trở nên căng thẳng hơn từ khi cô sinh con thứ hai vào năm 2021. Cô nhận thấy mẹ chồng thay đổi nhiều sau đại dịch Covid-19. 

"Bà ấy sống một mình kể từ khi chồng mất và phong tỏa là quãng thời gian khó khăn. Chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện để bà gần gũi với gia đình nhưng bà ngày càng cứng nhắc và cố chấp hơn", Maria kể.

Dù biết ơn sự giúp đỡ của mẹ chồng, Maria cảm thấy thất vọng khi mẹ chồng không tôn trọng các yêu cầu của cô hoặc phản ứng một cách phòng thủ, đặc biệt là về cách nuôi dạy và chăm sóc bọn trẻ. 

Cô chia sẻ: "Tôi rất biết ơn những gì mẹ chồng đã làm cho gia đình nhỏ của tôi, nhất là khi mẹ ruột tôi sống ở nước ngoài. Nhưng mỗi khi tôi đề nghị bà làm một số việc theo cách nhất định, chẳng hạn như tuân thủ thời gian ngủ trưa của bọn trẻ, bà thường cáu kỉnh, đôi khi phớt lờ yêu cầu của tôi".

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi mẹ chồng cho đứa con nhỏ của Maria ăn sô-cô-la, mặc dù biết bé bị dị ứng sữa bò. Sự cố khiến đứa trẻ bị đau bụng và tiêu chảy, mẹ chồng của Maria thậm chí yêu cầu cháu giấu chuyện này với mẹ. 

Maria rất tức giận, không chỉ vì Jane cho con cô ăn sô-cô-la dẫn đến việc bị tiêu chảy mà còn vì bà đã xem nhẹ tình trạng dị ứng của con mình và cho rằng cô đang phóng đại mọi chuyện. Khi cả hai đối chất, mẹ chồng Maria rất buồn nhưng không xin lỗi, còn chồng Maria thì bênh vực mẹ mình. Cuối cùng chính cô là người phải xin lỗi.

"Khi tôi kể việc mẹ chồng sắp xếp lại nhà bếp, anh ấy bảo tôi vô lý, nói rằng mẹ chỉ đang giúp. Điều đó không chỉ làm tổn hại mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng mà còn cả với chồng mình. Tệ thật, tôi bắt đầu không muốn mẹ chồng xuất hiện trong nhà mình", Maria thừa nhận.

Từ phía các bà mẹ chồng, Sandra, một người bà chăm 4 đứa cháu, cũng chia sẻ những khó khăn tương tự. Sandra giúp trông cháu tại nhà con trai và con dâu nhưng thường tự hỏi liệu mình có thực sự được chào đón không. 

Bà cố gắng làm theo yêu cầu của con dâu nhưng lại bị cô đối xử rất lạnh nhạt. "Con dâu quát tháo, ra lệnh cho tôi theo cách mà tôi thấy rất thô lỗ", bà nói.

Những kinh nghiệm nuôi dạy con nhỏ của Sandra, như dùng núm vú giả để giúp em bé chữa chứng trào ngược dạ dày hay thỉnh thoảng cho bé dùng một chút đường, đều bị coi là lạc hậu. "Con dâu mắng tôi thậm tệ và thuyết giảng cho tôi về việc mọi thứ bây giờ đã khác, như thể tôi đã 105 tuổi vậy", Sandra kể.

Trước đây, mối quan hệ của Sandra và con dâu khá hòa hợp. "Chúng tôi thường cùng nhau đến rạp để xem những bộ phim mà con trai tôi không muốn xem, đôi khi chúng tôi đi mua sắm", Sandra chia sẻ. "Con dâu tôi là người khá nghiêm túc nhưng tôi có thể khiến con bé cười. Mọi thứ thay đổi khi tôi bắt đầu chăm sóc cháu trai mình".

Sandra cho rằng, ghen tuông đã làm tổn hại mối quan hệ của họ. "Tôi nghĩ con dâu không thích việc tôi ở nhà chăm cháu trong khi con bé phải đi làm. Tôi có thể hiểu điều đó khó khăn như thế nào và con dâu đau đớn ra sao khi thấy cháu trai yêu thương tôi nhiều đến thế", bà tâm sự.

Dù đồng cảm với những khó khăn của con dâu, Sandra cảm thấy cô có thái độ như vậy là không đúng và điều đó khiến bà kiệt quệ về mặt cảm xúc.

 "Phụ nữ hiện nay khó khăn hơn thời tôi, nhưng điều đó không có nghĩa là con dâu có quyền trút giận lên tôi. Tôi thường về nhà khóc sau khi gặp con dâu. Chồng và con gái tôi đều bảo tôi nên dừng đến đó vì con dâu không xứng đáng được tôi giúp đỡ. Khía cạnh cảm xúc khiến tôi kiệt sức, còn hơn cả việc chăm trẻ", bà nói thêm.

Cần thiết lập một "hợp đồng gia đình"

Masterson giải thích rằng, mặc dù có vẻ khó khăn nhưng các gia đình trong tình huống này cần phải thiết lập một "hợp đồng gia đình". "Không nhất thiết phải viết ra nhưng cơ bản là cần cùng nhau thảo luận và thống nhất cách tương tác để mọi người thấu hiểu nhau", Masterson lưu ý.

Đặc biệt, một phần trong đó là việc làm rõ phong cách nuôi dạy con cái, với mục đích thiết lập ranh giới cũng như thỏa hiệp khi có thể. Mọi thành viên trong gia đình không nhất thiết phải đồng ý về mọi thứ nhưng nếu vai trò của mỗi người được xác định rõ ràng thì dễ tránh gây ra hiểu lầm về sau. Và nếu mọi người cởi mở hơn về cảm xúc của mình, điều đó có thể thúc đẩy sự khoan dung.

Maria và Sandra đều thừa nhận rằng hoàn cảnh của họ có quá nhiều oán giận thầm lặng mà không ai lên tiếng, vì cả hai đều lo sợ rằng một khi đã nói ra, tình cảm gia đình có thể bị rạn nứt đến nỗi không còn cách cứu vãn. 

Sandra đang cân nhắc việc nói với con trai và con dâu rằng bà chỉ có thể chăm cháu một ngày trong tuần, với hy vọng điều này sẽ làm giảm áp lực. Trong khi đó, Maria biết rằng, cô cần phải bắt đầu một cuộc trò chuyện với mẹ chồng. 

Cô nói: "Tôi cần lựa lời để nói chuyện với mẹ chồng mà không làm bà buồn. Tôi cũng cần chồng mình có trách nhiệm trong chuyện này. Tôi rất lo chúng tôi không làm được mọi việc nếu thiếu bà".


Nguồn: Telegraph
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm