Từ ngày có con dâu, ông Thành thấy bữa cơm nào cũng khá nhiều món ăn. Canh có 2 loại, xào 2 loại, món kho cũng 2 loại. Ngoài ra còn đĩa tôm sú to bự. Vốn là người vô tư, xuề xòa, ông Thành thấy nhiều món ăn thì khoái nên đùa tếu táo: “Bốn người mà bữa nào cũng như tiệc tự chọn, thích nhỉ?”. Bà Hiên, vợ ông, không cười, cũng chẳng nói gì. Chỉ có bà là hiểu rõ tại sao gần tháng nay gia đình bà ăn uống phải cầu kỳ thế này.
Bữa cơm nhà chồng hôm nào cũng đầy món ngon mà không hợp khẩu vị với Thu (Minh họa: Diên Vỹ)
Khi Thu mới về làm dâu nhà bà được mấy ngày, thấy con dâu vào mâm chẳng gắp món gì, bưng bát cơm ăn thì uể oải, bà Hiên mừng thầm. Tối, bà gọi riêng thằng Công - con trai bà - ra hỏi: “Có phải vợ con mang thai rồi không?”. Công ngơ ngác: “Không ạ. Làm sao mà nhanh thế?”. Bà Hiên thì thầm: “Mẹ thấy nó chán ăn như người ốm nghén?”. Công phá lên cười: “À mẹ ơi, vợ con vốn được chiều từ nhỏ. Ăn uống rất khảnh. Phải ngon, phải sạch, phải hợp khẩu vị. Nếu không thà nhịn đói còn hơn”. Nghe Công nói, bà Hiên ngớ người. “Thôi chết. Nhà mình xưa nay dân dã, ăn uống đơn giản. Bữa cơm thường chỉ một bát canh và một đĩa thịt hoặc cá kho mặn. Bữa nào có cỗ hoặc ăn tươi thì làm thêm đĩa xào và món đặc sản. Thảo nào cái Thu không muốn ăn”, nghĩ đến đó, bà Hiên chép miệng nói với con trai: “Khổ thân nó. Về làm dâu cả tuần nay luôn bị đói vì không hợp khẩu vị mà mày không nhắc mẹ”. Nhưng Công bảo: “Kệ vợ con. Rồi sẽ quen. Chiều theo cô ấy mệt lắm. Nào là chỉ ăn canh rau ngót thịt nạc băm, nào là đậu rán phải nhồi thịt. Nào là chỉ ăn thịt lợn thăn hoặc bò thăn. Tôm rang nhạt nhưng phải là tôm to. Không ăn cá biển…”. Bà Hiên nghe đến đó thở dài thườn thượt, không nói gì thêm.
Chiều hôm sau, đợi vợ chồng Công đi làm về, bà Hiên bưng mâm cơm ra. Mâm có canh rau ngót nấu thịt nạc, có tôm sú rang. Bà lặng lẽ quan sát, thấy con dâu ăn hai bát cơm đầy, bát nào cũng chan canh rau ngót rồi cầm tôm bóc ăn ngon lành. Bữa ấy, bà Hiên công nhận con trai nói đúng về vợ nó.
Đêm, bà Hiên nằm nghĩ mãi về việc ăn uống của con dâu. Chiều theo nó thì không phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Không chiều thì Thu sẽ không ăn được. Cho ăn riêng thì không nên vì Công là con trai trưởng, đứa em gái đã lấy chồng ở riêng rồi.
May sao, hôm sau Công nói riêng với mẹ: “Con sẽ nộp gấp đôi tiền ăn để mẹ mua thêm thức ăn cho vợ con, kẻo Thu không ăn uống được như nếp nhà mình”. Từ hôm ấy, bữa trưa vắng vợ chồng Công, hai ông bà chỉ có bát canh cua và đĩa cá kho. Nhưng bữa chiều ngoài các món như bình thường, còn có thêm canh rau ngót nấu thịt, đậu nhồi thịt, tôm to hoặc thịt bò hầm khoai tây.
Nhưng rồi cũng chỉ được gần tháng, Thu lại chê nhà chồng. Nào là rửa rau không sạch, canh như có sạn, nào là bát đĩa không đồng bộ, cái to cái nhỏ, cái sứt cái mẻ, nào là dùng nguồn nước trực tiếp từ vòi không sạch… Lời chê được Công kể với mẹ khiến bà Hiên buồn lắm.
Thế rồi một ngày kia, vợ chồng đứa con gái sang nhờ 2 ông bà: “Bố mẹ sang ở, giúp chúng con vài tháng vì chồng con đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài, con thì vừa lên chức phó giám đốc nên bận quá”. Bà Hiên bàn với chồng sang ở với nhà con gái ngay. Từ hôm đó, vợ chồng Công thành son rỗi, thành tự do, thành chủ nhà. Nhưng điều quan trọng là chiều nào Công cũng phải nấu ăn phục vụ vợ.
Một buổi tối, sau khi bưng mâm cơm lên, Công bảo vợ: “Em ăn đi, anh mệt lắm, không thể ăn triền miên ngày nào cũng rau ngót nấu thịt nạc như gái đẻ của em được”. Lúc đó, Thu liền ôm chầm lấy chồng mà nói rất thật lòng: “Có lẽ em được chiều quá nên chỉ nghĩ đến mình. Từ mai em sẽ cố gắng bỏ các thói quen của mình, ăn uống bình thường cùng anh và bố mẹ. Em xin lỗi!”.