pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển động mới về tín dụng chính sách ở Bạc Liêu
NHCSXH tỉnh Bạc Liêu tổ chức giao dịch giao dịch tại các Điểm giao dịch xã
So với các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ, Bạc Liêu vẫn còn là một tỉnh nghèo với nền kinh tế chậm phát triển, tăng trưởng thiếu bền vững; cùng đó là rủi ro về xâm nhập mặn, dịch bệnh COVID-19. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang hợp lực, góp phần vào việc giảm nghèo, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế địa phương. Người dân đã biết sử dụng đồng vốn ưu đãi để thâm canh ruộng lúa, cải tạo bãi biển sình lầy thành ao đầm nuôi tôm sú, cá bống tượng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Gia đình bà Lâm Thị Lê, dân tộc Khmer ở ấp Phước Thạnh, xã Long Thạnh có khá nhiều đất nhưng thiếu vốn, chưa biết làm ăn nên đất bị bỏ hoang. Được sự động viên của cán bộ Hội Phụ nữ xã cùng sự hỗ trợ vốn vay của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Lợi, bà Lê đã mạnh dạn đào ao vuông vức, xây cống rãnh thoát nước thải để nuôi cá giống. Loại cá được bà chọn nuôi là cá rô phi Đài Loan, thu lợi nhanh, đẻ dày, ít bệnh tật. Hiện nay, gia đình bà Lê có 3 ao rộng rãi, bán được 1 mẻ cá giống/tháng và 2 vụ đánh bắt cá lớn trong năm được trên 2 tấn sản phẩm, thu lời 20 -30 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, bà còn tận dụng vườn tược để trồng cây ăn trái, góp phần tăng thu nhập.
Ở khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, chị Lê Hồng Gương là một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của địa phương, cách đây 3 năm được bình xét vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi đã đầu tư vào ghe cào công suất 6CV, để đủ sức đánh bắt xa bờ, thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Thấu hiểu những tiềm năng từ biển khơi mang lại, chị mạnh dạn vay tiếp vốn ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo cộng số vốn tích lũy để nâng cấp công suất máy móc, vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ giữa mùa dịch COVID-19. Chị Gương chia sẻ: "Muốn thoát cảnh nghèo túng thì phải quyết tâm và chịu khó nhất là tìm ra cách sử dụng đồng vốn vay dành cho hộ nghèo sao cho hiệu quả, không nên trông chờ hay ỉ lại quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước".
Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi Nhan Đình Dũng cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình bớt đi cảnh thiếu thốn, cải thiện cuộc sống, góp sức để địa phương về đích nông thôn mới trước thời gian.
Nguồn vốn ưu đãi giúp người nghèo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu mở rộng sản xuất
Không riêng ở xã vùng sâu Long Thạnh, những năm qua, nguồn vốn chính sách trở thành nguồn lực quan trọng giúp toàn bộ 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bạc Liêu thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 30.855 hộ nghèo thì đến nay, chỉ còn 1.061 hộ, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 3,02%/năm; có 7 xã đặc biệt khó khăn ở vùng bãi ngang ven biển và 8 xã chương trình 135, chương trình 30a được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để có được kết quả trên, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu Trần Quang Sơn cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tích cực trong suốt quá trình đầu tư vốn đến công đoạn thu hồi nợ. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cả hệ thống chính trị cùng các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Bạc Liêu quan tâm tạo điều kiện cho NHCSXH huy động được nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ tỉnh đến huyện, hàng năm đều trích ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương đạt hơn 110 tỉ đồng, tăng 97,2 tỉ đồng so với trước khi có Chỉ thị. Từ đó, nâng tổng doanh số cho vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đến 30.9.2021 đạt 476,4 nghìn tỉ đồng với 17.483 lượt khách hàng vay vốn, tăng 123 tỉ đồng so với đầu năm trên, đạt 98% kế hoạch/năm.
Cùng với khơi thông dòng vốn ưu đãi, việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng được chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu và các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng thực hiện thông qua Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách với các chỉ tiêu đề ra đều xuất phát từ thực tế đến đặc thù của địa phương. Đặc biệt, mạnh dạn củng cố, sắp xếp lại toàn bộ mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đang theo hướng liền canh, liền cư, đảm bảo 3 tiêu chí: đủ số thành viên, đủ vốn hoạt động, tổ trưởng có đủ trình độ quản lý kinh tế, quản lý tín dụng. Toàn tỉnh có gần 2.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 64 Điểm giao dịch xã hoạt động định kỳ. Chất lượng hoạt động của 4 tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn, nợ xấu ở Bạc Liêu bước đầu được cải thiện, các chỉ tiêu thu nợ, thu lãi cũng tăng 3,31% so với năm 2020.
Giám đốc Trần Quang Sơn cho biết: Việc nâng cao chất lượng tín dụng tuy đạt được bước chuyển động mới nhưng vẫn còn những hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng tín dụng chính sách như: nhận thức của một số chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tín dụng chính sách chưa đầy đủ, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở một số địa phương chưa chặt chẽ, thiếu sự đồng bộ.
Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Cụ thể, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đối với hoạt động của NHCSXH. Hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo ý thức của người vay trong việc sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư áp dụng kiến thức và tiến bộ của KHKT vào SXKD để phát huy hiệu quả hơn nguồn vốn tín dụng chính sách, phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.