Chuyện dưới chân núi Pù Lôm - Bài 3: Những "nốt lặng" dưới mái trường nội trú

Minh Châu
17/10/2023 - 09:45
Chuyện dưới chân núi Pù Lôm - Bài 3: Những "nốt lặng" dưới mái trường nội trú

Trường PTDTBT THCS Lượng Minh, nơi có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học

Ma túy "ngự trị" trên xã Lượng Minh khoảng 30 năm khiến bao bản làng trở nên tiêu điều, xơ xác. Chính quyền địa phương xác định, chỉ có cái chữ, mang cái chữ về cho bà con dân bản mới giúp người Thái, người Khơ Mú trên địa bàn xóa đi tăm tối, lạc hậu và không đi vào "vết xe đổ" cha, ông để lại.

Những học sinh "đặc biệt"

4h chiều, mây trắng bắt đầu sà xuống trên các đỉnh núi, tiếng kẻng từ góc sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lượng Minh (PTDTBT THCS), xã Lượng Minh, vang lên, Lô Thị Thu H., học sinh lớp 9, thu dọn đồ dùng học tập, xếp ngay ngắn vào một góc bàn rồi cùng hàng trăm học sinh ùa ta từ nhà bán trú để tập thể thao. Một góc núi rừng bỗng huyên náo bởi tiếng cười đùa của trẻ.

Thầy hiệu trưởng Trần Hưng Thái cho biết, năm học 2023-2024, trường có 354 học sinh, trong đó 317 em ở bán trú tại trường. Học sinh chỉ học buổi sáng, buổi chiều học tại phòng của nhà bán trú, cuối giờ chiều các em tập thể dục thể thao, sau đó trở về nhà ăn để chuẩn bị cho buổi học tối.

"Hầu hết học sinh của trường đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hàng chục em có gia cảnh hết sức éo le. Ma túy ở Lượng Minh đã "hạ nhiệt" nhưng hệ lụy vô cùng khủng khiếp. Tại ngôi trường này, có em bố đi tù, có em mất mẹ vì ma túy, có em mất cả bố mẹ giờ ở với ông bà…", thầy Thái mở đầu câu chuyện bằng ánh mắt buồn rười rượi.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm: (Bài 3) Những "nốt lặng buồn" dưới mái trường nội trú - Ảnh 1.

Từ trái qua: Em Lô Thị Thu H., Lương Thị N. và Cụt Thị C.

Một trong số các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thầy Thái nhắc đến là em Lô Thị Thu H. (bản Minh Thành). H. là con út trong gia đình có 3 chị em. Mẹ H. mất khi em mới được 8 tháng tuổi, bố em hiện tại vẫn đang thụ án tù vì buôn ma túy.

Cả 3 chị em H. đều được ông bà nội cưu mang nhưng cách đây vài năm, ông nội của H. đã mất vì già yếu. Chỉ có H. được đi học lên cấp 2, trong khi anh, chị của em đều phải bỏ học sớm vì "đi học cũng không có ai đưa đón". Sau khi bỏ học, chị của H. vào Bình Dương, anh trai ra Bắc Ninh làm thuê.

Người bạn thân của H. là Cụt Thị C. cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhà C. ở tận bản Cà Moong, bản cách trường 40km và phải đi tới 3 chặng gồm đi bộ, đi thuyền rồi "tăng bo" xe máy ra trường. Cũng vì đi lại quá khó khăn, lại thêm tập tục sinh con tại nhà nên khi mẹ sinh C. đã không may bị băng huyết và tử vong. C. vừa lọt lòng đã không nhìn thấy mặt mẹ. Sau khi mất mẹ, bố bỏ đi rồi lấy vợ mới.

Cháu C. được ông bà nội nuôi dưỡng. Nhà vốn nghèo, ông bà cũng đã cao tuổi, để học lên đến lớp 9 như hiện tại, C. nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường. "Mong muốn của cháu là tiếp tục học lên THPT và sau đó đi học nghề để tìm công việc ổn định", C. chia sẻ.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm: (Bài 3) Những "nốt lặng buồn" dưới mái trường nội trú - Ảnh 2.

Cháu N. có hoàn cảnh vô cùng đáng thương khi bố mất, mẹ bỏ đi, 4 chị em phải nương tựa vào nhau khi chị cả mới 17 tuổi

Theo thầy hiệu trưởng, ở trường, những trường hợp như em C., em H. không phải là ít. "Trường có trên 30 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như em Lương Thị N., Kha Thị Trà M., cả 2 em đều có bố đang đi tù vì ma túy", bấm đầu ngón tay, thầy Thái kể thêm rất nhiều trường hợp rất thương tâm.

Cháu N. hiện là học sinh lớp 6, nhà cháu ở bản Chăm Puông. Bố mẹ cháu N. sinh được 4 người con, N. là thứ 3. Bố cháu đã mất, sau đó mẹ cũng bỏ đi, để lại 4 chị em N. côi cút nương tựa vào nhau. Chị cả của N. là Lương Thị T. mới 17 tuổi đã phải ra Hà Nội đi làm thuê. Ở nhà, chị thứ 2 là Lương Thị C. mới tuổi 14 quán xuyến mọi việc.

"Hai người chị của cháu chỉ học đến tiểu học. Vì mẹ bỏ đi nên em cháu năm nay 9 tuổi vẫn chưa đi học. Mấy năm nay, chị em cháu vào rừng kiếm củi bán để mua gạo. Cháu được một số người giúp đỡ nên may mắn giờ vẫn đi học", cháu N. rơm rớm nước mắt kể.

Không để các em đi vào "vết xe đổ"

Thầy Trần Hưng Thái nói rằng, giáo dục ở vùng núi nghèo vốn đã khó, ở nơi bị ma túy "tàn phá" như Lượng Minh càng khó hơn. Đa số nhận thực của phụ huynh học sinh đều rất thấp, việc tuyên truyền rất khó, riêng sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh gần như không có. 

"Người dân còn nặng về tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, đó là trở ngại của chúng tôi trong công tác tuyên truyền, vận động", thầy Thái nói.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm: (Bài 3) Những "nốt lặng buồn" dưới mái trường nội trú - Ảnh 3.

Một bữa ăn tại trường PTDTBT THCS Lượng Minh

Theo thầy Thái, chỉ có cái chữ, mang cái chữ về cho bà con dân bản mới giúp người Thái, người Khơ Mú trên địa bàn xóa đi tăm tối, lạc hậu và không đi vào "vết xe đổi" cha, ông để lại. Chỉ có giáo dục, định hướng phân luồng cho học sinh, tìm kiếm và giải quyết việc làm cho thế hệ trẻ mới thay đổi được Lượng Minh.

Mặc dù học sinh trường PTDTBT THCS Lượng Minh được Nhà nước đài thọ 100% từ học phí và chế độ hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, gạo hàng tháng, thế nhưng để học sinh có thể trang trải đủ nguồn trợ cấp trong một tháng, các thầy cô phải "đong đếm" rất tỉ mỉ khi sự "hỗ trợ" vật chất từ gia đình là rất ít, thậm chí không có. 

Trường PTDTBT THCS Lượng Minh được thành lập và xây dựng từ năm 2016. Theo thầy Thái, kể từ khi có ngôi trường bán trú này, giáo dục ở Lượng Minh đã "chuyển mình" thật sự. Trước đây, hầu hết học sinh chỉ học đến cấp tiểu học, lên bậc học THCS thì bỏ học giữa chừng.

Hiện tại, các em trong độ tuổi đều đã học lên cấp THCS và nhiều em vào cấp THPT, đặc biệt hiện nay đang có 3 khóa học sinh sau tốt nghiệp THCS và đang theo học chương trình THPT kết hợp với Cao Đẳng nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm: (Bài 3) Những "nốt lặng buồn" dưới mái trường nội trú - Ảnh 4.

Trường tổ chức Tết trung thu cho học sinh

Xác định tầm quan trọng của giáo dục như vậy nên Ban giám hiệu trường PTDTBT THCS Lượng Minh cũng như các cấp, ngành địa phương đang cố gắng hết sức để con em trong bản được đến trường. "Các em như những chồi non, được đến trường, được sự quan tâm chỉ bảo của giáo viên, rồi đây các em sẽ là những cây đời vững chãi", thầy Thái tin tưởng.

"Ở Lượng Minh, để học lên đến cấp THCS là sự cố gắng của học sinh, gia đình và nhà trường. Cũng may, những năm gần đây số học sinh bỏ học rất ít, có năm không có em nào bỏ học. Khi biết một học sinh nào đó gặp khó khăn, thầy cô luôn bên cạnh giúp đỡ các em, để các em được vững tin với con đường học tập", thầy Thái chia sẻ.

Để "giữ chân" các em học sinh ở trường, ở lớp như hôm nay là cả một hành trình dài của các thầy cô giáo. Thầy Thái kể cho chúng tôi nghe về một trường hợp là nữ sinh học giỏi của trường đã bỏ học giữa chừng vào năm 2022. Đã một năm trôi qua nhưng nhắc đến nữ sinh này, thầy Thái vẫn buồn và đầy tiếc nuối.

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm: (Bài 3) Những "nốt lặng buồn" dưới mái trường nội trú - Ảnh 5.

Nhà trường tổ chức tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Theo thầy Thái, nhà trường đã nắm được ý định bỏ học của nữ sinh khi em được một người chị cùng bản đi làm ăn xa rủ bỏ học đi làm với những lời hứa hẹn "có cánh". Biết những lời hứa kia đầy rủi ro nên thầy cô đã phân tích, thuyết phục nhưng cuối cùng, nữ sinh đó vẫn bỏ học.

"Cũng may những trường hợp như trên là rất cá biệt. Mỗi học sinh bỏ học luôn khiến những người làm thấy như tôi day dứt. Vì tương lai của các em, vì tương lai của mảnh đất Lượng Minh, chúng tôi luôn trăn trở và tìm mọi cách để "găm" được cái chữ trên vùng đất khó này", thầy Thái trăn trở.

Thầy Trần Hưng Thái: "Mô hình trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) đã giúp cho nhà trường thực hiện tốt phương châm "3 tập trung" (nhà ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung), "6 hơn ở nhà" (ăn ngon hơn, ở tốt hơn, vui hơn, an toàn hơn, lao động tốt hơn, học tập tốt hơn) và "3 đủ" (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở).

Công tác bán trú đã đem lại lợi ích thiết thực, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường, ăn ở, sinh hoạt tại khu vực nội trú của trường, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương".

Bài sau: Tia sáng từ trên đỉnh núi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm