Chuyên gia cảnh báo sự nguy hiểm của tự chẩn đoán, điều trị với ‘bác sĩ google’

13/06/2019 - 11:05
“Nhiều người Việt vẫn có thói quen tự chẩn đoán và điều trị với “bác sĩ google”, tự mua thuốc về uống, không tuân thủ điều trị của bác sĩ”, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.

Tại diễn đàn Chăm sóc sức khỏe Hô hấp toàn diện từ phòng ngừa đến điều trị, do Hội Y học dự phòng Việt Nam, Viện Pasteur TPHCM và Văn phòng đại diện GSK tại Việt Nam… tổ chức, TS Trần Đắc Phu cho biết: Thời gian qua ngành y tế tích cực tuyên tuyền nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe từ sớm của người dân. Dù vậy phần lớn người Việt vẫn có thói quen tự chẩn đoán và điều trị với “bác sĩ google”, tự mua thuốc về uống, không tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Theo các chuyên gia y tế, google nói riêng và các trang tìm kiếm nói chung có nhiều thông tin hữu ích cho người bệnh. Tuy nhiên nếu người dân sử dụng những thông tin trên mạng để tự ý ra quyết định điều trị cho mình thì rất nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Bởi lẽ, cùng một triệu chứng chưa hẳn đã là một bệnh, cùng một bệnh lý chưa hẳn đã cùng một phương pháp điều trị, cùng một phương pháp điều trị chưa hẳn đã cho kết quả như nhau.

bac_si_google.jpg
Ảnh minh họa

 

Mỗi một bệnh nhân là một cá thể riêng biệt, khác nhau về giới tính, độ tuổi, thể trạng và cơ địa, việc ra quyết định điều trị như thế nào phụ thuộc phần nhiều vào kiến thức và kinh nghiệm của thầy thuốc dựa trên những chứng cứ khoa học sau khi đã thăm khám toàn diện và trao đổi với bệnh nhân. 

Theo TS Phu, bệnh nhân khi tự ý dùng thuốc không biết rằng thuốc mình dùng có thể gây dị ứng, tương tác thuốc hay thậm chí là sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Vì thế, việc tìm hiểu các thông tin về sức khỏe, bệnh lý để nâng cao kiến thức phòng bệnh là tốt nhưng không nên tự ý điều trị dựa trên các thông tin có được từ Internet. Ngoài ra, lên mạng và tự chẩn đoán rồi mua thuốc về sử dụng, đặc biệt là kháng sinh, có thể dẫn đến kháng thuốc.

Tại diễn đàn trên, các chuyên gia cũng đã trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phòng ngừa và điều trị để quản lý toàn diện các bệnh lý, trong đó có bệnh về hô hấp ở cả người lớn và trẻ em; một số dịch bệnh ở trẻ em bùng phát trở lại; tỉ lệ các bệnh mạn tính như hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng tăng cao.

urysb3ix-1510911395854.jpg
Theo TS Trần Đắc Phu, việc tìm hiểu các thông tin về sức khỏe, bệnh lý để nâng cao kiến thức phòng bệnh là tốt nhưng không nên tự ý điều trị dựa trên các thông tin có được từ Internet

 

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh và lối sống ít vận động là những nguyên nhân chính khiến nhiều người Việt mắc bệnh, trong đó đáng kể là các bệnh liên quan đến hô hấp. Người Việt thường mang tâm lý chủ quan và chỉ đến gặp bác sĩ khi bệnh đã nặng và nghiêm trọng, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đa phần bệnh nhân thường không tuân thủ đầy đủ theo điều trị của bác sĩ, ngưng thuốc khi thấy triệu chứng được cải thiện nhưng không biết hệ quả dẫn đến nhờn thuốc sau này, hoặc có thể quay trở lại đợt kịch phát dẫn đến phải nhập viện.

Đối với trẻ em, gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn dưới 2 tuổi là rất nặng nề, phần lớn trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp cấp, hơn nữa hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, khi gặp những vi khuẩn tấn công thường không chống lại được và có thể để lại những di chứng, thậm chí tử vong. Do đó, các bậc cha mẹ cần chú trọng trong bảo vệ sức khỏe cho trẻ như bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, cho con đi tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm