Từ đầu năm 2019, nền nhiệt trên cả nước đều có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự gia tăng nhiệt độ đang đã và diễn ra, nó cũng làm cho các cực trị nhiệt độ xảy ra trong tháng 4 ở các tỉnh miền Trung.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia - khu vực Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-40 độ; tại Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,4 độ - đây là nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay quan trắc được ở Việt Nam; tại Tuyên Hóa (Quảng Bình) là 43,0 độ.
Trong tháng 5 vừa qua phải kể đến đợt nắng nóng gay gắt từ ngày 15 đến 18 ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ cao từ 37-40 độ. Nhiệt độ đo được tại Trạm khí tượng Láng (phường Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) là 41,3 độ - mức nhiệt cao nhất trong tháng 5 từ năm 1981 tới giờ, thấp sau mức nhiệt 41,8 độ ngày 4/6/2017 và 42,8 độ tháng 5/1926; ngoài ra, tại Mường Tè (Lai Châu), nhiệt độ đo được là 41,4 độ, vượt mức kỷ lục 40.9 độ ngày 3/5/1980.
Theo dự báo mới nhất của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại các tỉnh Bắc Bộ từ tháng 6 đến tháng 11/2019, nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn so với cùng kỳ từ 0,5-1,0 độ C. Khu vực Trung Bộ nhiệt độ tháng 6-7/2019 cao hơn từ 0,5-1,0 độ C, các tháng khác phổ biến xấp xỉ so với so với cùng thời kỳ. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 6 đến tháng 11/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với cùng thời kỳ. Khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 7 tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 đợt nắng nóng diện rộng, khu vực Tây Bắc và vùng núi Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt.
Như vậy, có thể nói rằng thông tin tháng 6 này nóng nhất trong lịch sử mà người dân lo ngại là chưa hoàn toàn chính xác, vì nếu so với các năm nóng kỷ lục là 2016 và 2017 thì vẫn còn thấp hơn. Tuy nhiên trong thập niên này, nhiều số liệu về nhiệt độ quan sát được đang cho thấy, càng ngày nhiệt độ trung bình toàn cầu càng có xu hướng gia tăng.
Có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, bên cạnh nắng nóng gay gắt, nền nhiệt có xu hướng cao hơn thì mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm, có khả năng xuất hiện khoảng 10 đến 12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4 đến 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng 6 đến tháng 8, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông thấp hơn so với trung bình nhiều năm nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Trên phạm vi toàn quốc, tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá.
Từ tháng 6 đến tháng 8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức báo động 1, báo động 2, các sông suối nhỏ trên báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.
Nguồn nước khu vực Tây Bắc và Việt Bắc ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; khu vực Đông Bắc phổ biến thiếu hụt từ 20-30%; khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10-30%. Trong mùa lũ 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy từ thượng lưu. Ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nguy cơ xuất hiện nước dâng do bão chủ yếu tập trung tại ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 8-11/2019. Sóng lớn chủ yếu xuất hiện trong khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và do hoạt động của gió mùa Tây Nam ở khu vực Nam Biển Đông.
Người dân cập nhật thông tin thời tiết ở các bản tin ngắn
Như ông Hưởng đã phân tích và nhận định từ đầu, nhiệt độ trung bình toàn cầu 5 tháng đầu năm 2019 là cao nhưng vẫn đứng sau năm 2016 và năm 2017. Theo dự báo, nhiệt độ các tháng còn lại của năm 2019 cũng vẫn có xu hướng cao hơn trung bình, nhưng mức độ không quá cao vì El Nino năm nay được nhận định có cường độ yếu và khoảng cuối năm 2019 sẽ dần trở về trạng thái trung tính. Năm 2019 có thể sẽ là một trong số 3-4 năm nóng nhất từ trước đến nay trên phạm vi toàn cầu.
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, vì thế để hạn chế ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, ông Hưởng khuyến cáo người dân cần có các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản; cần cập nhật thường tin các thông tin dự báo thời tiết từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Hiện nay đang có các bản tin dự báo cảnh báo hạn cực ngắn 30 phút đến 3 tiếng, bản dự báo báo 1 ngày, 3 ngày, 10 ngày, bản tin dự báo tháng, mùa để bà con có thể tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc truy cập vào trang web http://www.nchmf.gov.vn
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã chọn Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam là Trung tâm hỗ trợ dự báo khu vực Đông Nam Á về các loại hình thời tiết nguy hiểm như mưa lớn, gió mạnh. Hiện tại, WMO đang tiếp tục chọn Việt Nam làm Trung tâm dự báo hỗ trợ lũ, lũ quét cho khu vực Đông Nam Á. |