pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia gợi ý cha mẹ 3 phương pháp đảm bảo an toàn trực tuyến cho trẻ
Phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục trẻ kỹ năng sử dụng internet an toàn
Chuyên gia bộ môn Tin học và STEAM (Science, Technology, Engineering, Arts, Maths) Stephen Labelle, đã chia sẻ một số gợi ý và hướng dẫn cho các bậc phụ huynh hỗ trợ các con, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi 6-11 tuổi, sử dụng mạng internet một cách an toàn nhất.
3 phương pháp đảm bảo an toàn trực tuyến cho trẻ
Thiết lập hạn chế trên các ứng dụng mạng xã hội và tìm kiếm
Các bậc cha me có thể cài đặt các hạn chế trên Youtube bằng Youtube Kids và Chế độ hạn chế ở trên trang. Bằng cách này, phụ huynh có thể giới hạn những gì con có thể truy cập nhằm tránh cho con xem phải những nội dung không lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể tìm hiểu về cách cài đặt 'Tìm kiếm an toàn' (Safe search) trên Google để kiểm soát và theo dõi những gì con đang tìm kiếm.
Đối với các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok, độ tuổi giới hạn để sử dụng là 13 tuổi. Vì vậy trẻ em dưới 13 tuổi không nên được cho phép tạo lập tài khoản và sử dụng các trang mạng xã hội này.
Cài đặt ứng dụng hỗ trợ kiểm soát
Hiện nay có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ kiểm soát hiệu quả với giá thành phải chăng mà các bậc phụ huynh có thể sử dụng. Đây là những công cụ hữu ích giúp phụ huynh bảo vệ con trong môi trường trực tuyến như các phần mềm, ứng dụng giúp kiểm soát toàn diện với các tính năng như bộ lọc web, quản lý thời gian sử dụng thiết bị hay giám sát cuộc gọi và tin nhắn.
Giáo dục trẻ cách sử dụng internet an toàn
Để giúp trẻ được tương tác và sáng tạo trên không gian mạng một cách lành mạnh, phụ huynh cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục trẻ kỹ năng sử dụng internet an toàn. Các em được tự do tìm kiếm những kiến thức bổ ích trên mạng để bổ trợ cho bài học trên lớp, nhưng đồng thời cũng cần hướng dẫn kỹ lưỡng cho các em những cách tìm kiếm thông tin và sử dụng dữ liệu an toàn trên không gian trực tuyến.
Trong đó, cần lưu ý: Chia sẻ thông tin cẩn thận; nhận biết thông tin giả mạo; cài đặt mật khẩu với độ bảo mật cao; tạo dựng "dấu chân kỹ thuật số" tích cực bằng việc đối xử lịch sự trên mạng và báo cáo, chặn những thứ không lành mạnh trên mạng.
Phụ huynh cũng cần nâng cao kiến thức, kỹ năng để biết cách đảm bảo an toàn trực tuyến cho con em mình
Trong buổi hội thảo kết nối phụ huynh về chủ đề "Đảm bảo an toàn trực tuyến cho học sinh", chuyên gia Stephen Labelle chia sẻ: "Dấu chân kỹ thuật số", hay còn gọi là "dấu vết mạng", bao gồm tất cả những thứ trẻ đăng tải lên mạng internet, và sẽ được lưu lại mãi mãi. Do vậy việc các em nhận thức được "dấu chân kỹ thuật số" của mình ra sao rất quan trọng bởi những điều đó phản ánh bản thân các em trên mạng trực truyến.
Trong tương lai, những "dấu vết mạng" của các em có thể bị kiểm tra bởi các trường đại học mà các em ứng tuyển. Và những dấu vết tiêu cực có thể dẫn đến kết quả không mong muốn cho các em.