pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia lý giải về biến chủng Omicron "tàng hình"
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, chủng Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, dần thay thế chủng Delta. Chỉ riêng tại Hà Nội, Omicron đã xuất hiện ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, biến chủng BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện Omicron. BA.2 lây nhanh hơn 1,5 lần biến chủng gốc BA.1.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, thông thường, để xác định các biến chủng, cần làm xét nghiệm giải trình tự gene khá phức tạp. Với chủng BA.1, do đột biến thiếu một số gene, có thể nhận biết bằng xét nghiệm rRT-PCR, không cần giải trình tự gene.
Chủng BA.2 có tên gọi là biến chủng "tàng hình" do thiếu các đột biến này. Do đó, xét nghiệm rRT-PCR chỉ xác định bệnh nhân đang nhiễm SARS-Cov-2. Nó không xác định ngay được Omicron.
Theo bác sĩ Cấp, trước đây, các chủng khác thường lấy mẫu qua ngoáy mũi (lấy dịch tỵ hầu) cho kết quả nhạy cao. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy với Omicron, việc lấy mẫu qua đường họng (phết amigdal) cho kết quả nhạy hơn đường mũi.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy với biến chủng Omicron, trong đó có BA.2, độ nhạy của test nhanh suy giảm một phần so với các biến chủng gốc.
Cũng theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân nhiễm chủng Delta có tỷ lệ chuyển nặng cao hơn Omicron. Nhiều giả thuyết đang được làm sáng tỏ về nguyên nhân khiến người nhiễm Omicron hiện nay mắc bệnh nhẹ, ít chuyển nặng hơn giai đoạn lưu hành các biến chủng trước.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh (BV Nhi đồng 1), hiện một số kit test nhanh chưa theo kịp biến chủng mới nên không xác định được SARS-CoV-2.
Nhằm chủ động bảo vệ bản thân trước Omicron tàng hình, chuyên gia này khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng hộ. Theo đó, khi trong gia đình có F0, mỗi người nên tự coi mình cũng nhiễm nCoV và thường xuyên theo dõi sức khỏe. Nếu tiếp xúc F0, họ cần cách ly để tránh lây cho người khác.