pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia tài chính chỉ cách khắc phục vấn đề "lương thưởng cao vẫn thiếu trước hụt sau vì sắm Tết"
Thiếu trước hụt sau vì sắm Tết
Ngọc Thủy (32 tuổi, hiện đang sống cùng chồng và 2 con gái ở Lạng Sơn) chia sẻ rằng, bản thân cô thường mắc phải sai lầm khi sắm Tết là mua quá nhiều đồ ăn, từ các loại bánh kẹo mời khách cho tới thực phẩm dùng trong những ngày Tết.
"Những ngày Tết, vì số lượng họ hàng, bạn bè đông, chưa kể hai gia đình nội ngoại cách xa nhau nên mình phải tranh thủ đi mới hết được. Trước Tết thì lo đồ biếu, trong Tết lại lo đi chúc tụng. Vì thế mà hầu hết cả gia đình mình gần như không ăn ở nhà nên đồ ăn còn thừa nguyên. Vài năm trước, cứ đến sau Tết mấy hôm là đồ ăn hỏng hết, mình lại phải lần lượt đổ đi" - Ngọc Thủy nói.
Tính tình xởi lởi kèm tâm lý lúc nào cũng sợ thiếu, nhìn gì cũng muốn mua nên Ngọc Thủy của 7 năm trước gần như không tính toán hay lên kế hoạch chi tiêu, ngân sách cụ thể để dành cho việc sắm Tết.
"Lấy chồng được 7 năm, nhưng chỉ đến khi có cô con gái thứ 2, các khoản chi phát sinh chồng chéo lên nhau dẫn đến tình cảnh thiếu trước hụt sau sau Tết mình mới thấy rõ, bản thân sắm Tết phung phí thế nào.
Lương thưởng tháng 13 của mình những năm đầu khi mới về nhà chồng không ít, khoảng 40-50 triệu. Cộng với tiền lương tháng 13 của chồng, mỗi năm đến Tết nhà mình có khoảng 100 triệu. Sau khi trừ đi một số khoản nợ kinh doanh và tiền lãi ngân hàng dùng để mua nhà hàng tháng, vị chi mình còn khoảng 60 triệu để chi tiêu cho cả cái Tết.
Nhưng hồi đó, mình gần như không bao giờ lên kế hoạch hết, nên để tính rõ ra thì giờ cũng khó mà ước tính được số tiền đã chi tiêu phung phí cho dịp Tết là bao nhiêu. Mình chỉ nhớ, 2 vợ chồng lì xì cho gia đình nội ngoại là 15 triệu mỗi nhà cùng một chút quà biếu Tết. Ngoài ra có chi thêm khoảng 10 triệu nữa để lì xì cho các cháu trong nhà và con của bạn bè thân thiết. Như vậy, mình sẽ còn khoảng 10 triệu để sắm Tết nhưng khoảng 3 năm đầu, năm nào sau Tết mình cũng phải bù tiền lương của mình vài tháng mới đủ" - Ngọc Thủy chia sẻ thêm.
Gia đình Ngọc Thủy thời điểm đó chưa có con cái, chỉ áp lực khoản tiền trả góp mua nhà 10 triệu/tháng. Trên thực tế, với mức thu nhập đó cả hai hoàn toàn có thể chi tiêu xông xênh mỗi dịp Tết đến xuân về. Nhưng Thủy cho biết, chuyện thiếu hụt sau Tết xảy ra là điều bình thường với gia đình cô.
"Những tháng sau Tết, không còn lương thưởng nữa nhưng phải gồng gánh cho các khoản chi thiếu trong tháng Tết khiến mình khốn khổ xoay xở trong vài tháng tiếp đó. Mình còn thích trang hoàng nhà cửa nên chi phí bị đội lên rất nhiều. Chưa kể, trong Tết còn hay đi du xuân. Thế là đồ ăn đã mua sẵn ở nhà cũng không ăn được mấy mà tiền trang hoàng nhà cửa cũng chẳng đem lại tác dụng quá nhiều vì sau Tết là không còn hợp nữa. Những bộ bát đĩa, lọ hoa đồng bộ sắc màu Tết hay decal dán cửa, đồ trang trí khác... sau Tết cũng phải gỡ bỏ chứ đâu có dùng được tiếp" - Ngọc Thủy nói thêm.
Cùng mắc phải lỗi này, Minh Thư (29 tuổi, độc thân, hiện đang sống ở TP HCM) cũng cho biết, vì thích trang hoàng nhà cửa nhưng luôn phải là đồ mới lạ, không "đụng hàng" nên chi phí cho khoản này mỗi dịp Tết thường rất tốn kém.
"Có năm, mình chi tới gần 20 triệu đồng cho khoản trang trí nhà cửa sắm Tết. Lúc đó, chi tiền cảm giác chẳng thấy tiếc đâu. Cảm giác có lương thưởng nữa nên lúc nào cũng thấy mình dư dả. Nhưng những tháng sau Tết mới là vấn đề" - Minh Thư nói.
Không chỉ thế, trước mỗi dịp Tết, Minh Thư cũng mua sắm rất nhiều quần áo, giày dép, túi xách để chuẩn bị đón Tết. Hầu hết những bộ đồ này đều có giá rất cao nhưng tâm lý đã chụp hình xong là không mấy khi muốn mặc lại nên chúng thường bị bỏ xó ngay sau dịp Tết.
"Từ dịp cuối năm cho đến Tết, những bữa tiệc liên miên mà gần như không bỏ được nên mình phải đi hết. Quần áo mới vì thế cũng nhiều dần lên, trong khi mỗi bộ đồ để đi ăn tiệc như vậy hầu hết mình mua đều có giá 1 triệu trở lên.
Chưa kể năm hết Tết đến, đồ trang điểm, nước hoa gần hết là mình cũng phải tranh thủ mua ngay chỉ vì sợ trong Tết khó mua mà dịp cuối năm thường hay sale nhiều. Lúc đầu mình còn nghĩ săn sale sẽ tiết kiệm nọ kia, sau tổng kết lại mới thấy tốn thêm biết bao nhiêu tiền vì cứ ham rẻ lại mua thêm. Tốn lắm!" - Minh Thư nhấn mạnh.
Chuyên gia chia sẻ cách lên kế hoạch chi tiêu dịp Tết để không mắc nợ sau Tết
Theo chị Mina Chung - sáng lập nền tảng Money With Mina, đây là tâm lý tiêu dùng thường thấy, song cũng chính điều này đã dẫn đến nhiều sai lầm nếu không có sự chuẩn bị và quản lý chặt chẽ.
Dưới đây là một số lời khuyên nhằm giúp các bạn khéo léo hơn trước khi tiêu pha trước khi bắt đầu năm mới.
Trước khi chia sẻ rõ hơn về lời khuyên lên kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết, chị Mina Chung cho biết, theo nguyên tắc của chị, mọi loại chi tiêu đều quy về 2 kiểu:
- Chi phí cần: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống. Ví dụ: tiền điện, nước, xăng, xe, các loại phí liên quan nhà ở…
- Chi phí muốn: Những thứ phục vụ xu hướng giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích của từng cá nhân như xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch… Mua sắm Tết sẽ thuộc kiểu chi phí này.
1. Đừng tiêu xài theo ý thích, mà tiêu xài theo kỷ luật
Thông thường, vào dịp cuối năm, các chi phí muốn có xu hướng tăng cao vì bạn có thể là người chưa lên kế hoạch, hoặc suy nghĩ thưởng bản thân vào cuối năm là việc cần thiết. Tần suất tiệc tùng tất niên, tân niên cũng dày đặc hơn, thế nên đây là những khoản tiêu không thể tránh khỏi trong giai đoạn này cho các bạn trẻ.
Ngoài ra, việc "vung tay quá trán" xảy ra đặc biệt khi cá nhân được nhận lương tháng 13 cùng các khoản thưởng lớn. Lúc này, bạn có thể muốn dùng tiền phóng khoáng hơn sau một năm dài nỗ lực làm việc.
Tuy nhiên, theo ý kiến của chị Mina Chung, chỉ những cá nhân thực sự lên kế hoạch tài chính và thực hiện nó một cách nghiêm túc mới nên nghĩ đến chuyện thưởng cuối năm cho bản thân. Bởi họ biết giữ mọi khoản tiêu trong chừng mực, đã có riêng quỹ dự phòng bất trắc và biết đảm bảo duy trì mục tiêu kinh tế lâu dài.
2. Vậy thì, chúng ta nên phân chia các khoản chi như thế nào?
Dưới đây là gợi ý của chị Mina Chung cho việc phân chia chi tiêu trong tương lai cho toàn năm:
- Mỗi khi nhận lương, bạn nên chuyển ngay 20%, hoặc ít nhất 10%, vào tài khoản tiết kiệm độc lập. Mọi quyết định tiêu pha gói ghém trong tài khoản có 80% còn lại. Trong đó, hãy dành 50% cho chi tiêu cần, phần còn lại mới đưa vào các chi tiêu muốn. Lưu ý, cá nhân cần cố gắng gia giảm phần tiền phục vụ giải trí, sở thích hết mức có thể, nếu bạn là cá nhân đã chia sẻ luôn "thiếu trước hụt sau".
- Nếu đều đặn dành dụm mỗi tháng, đến cuối năm, bạn được phép chi tiêu "tùy ý trong khuôn khổ" % tổng số tiền mình định ra từ ban đầu, mà không ảnh hưởng lớn đến số tiền trong tài khoản tiết kiệm độc lập. Vì tài khoản này, đừng quên là bạn đang tích lũy cho mục tiêu lâu dài.
Tôi lấy ví dụ, bạn đã dành dụm mỗi tháng 10% sau 12 tháng được 120%. Bạn có thể trích 10% vào quỹ mua sắm thưởng Tết bản thân. Số tiền còn lại tôi hi vọng bạn đã đem tích lũy đầu tư sinh lời ở các kênh tương đối ổn định trong toàn năm, để lãi kép có thể giúp tiền của bạn tăng trưởng một cách đáng kể.