pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện hậu trường xúc động của "Trường Sơn: Một thời con gái"
Những nữ chiến sĩ Trường Sơn vẫn nở nụ cười giữa muôn vàn gian khó - Ảnh tư liệu
Buổi tọa đàm mang tên Trường Sơn: Một thời con gái - Chuyện bây giờ mới kể do Báo PNVN tổ chức mới đây có sự tham gia của 2 vị khách mời đặc biệt: Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Bà Hoàng Thị Ái Nhiên là người góp phần quan trọng vào sự thành công của bộ phim tài liệu đầu tiên về các lực lượng nữ ở Trường Sơn mang tên Trường Sơn: Một thời con gái. Dù phim đã khép lại được một thời gian, song dư âm của những câu chuyện lịch sử vừa hào hùng tráng lệ, vừa đau đáu bi thương qua lời kể của những nhân chứng sống - những huyền thoại Trường Sơn một thời vẫn đeo đẳng trong lòng khán giả.
Cơ duyên đưa bà Hoàng Thị Ái Nhiên đến với bộ phim rất đặc biệt. Sinh ra và lớn lên ở miền Tây Quảng Bình, nơi có con đường 12 - con đường độc đạo để vận chuyển hàng hóa và quân lính vào chiến trường, tuổi thơ của bà Ái Nhiên chứng kiến rất nhiều câu chuyện về các chú bộ đội, các o thanh niên xung phong. "Có người hy sinh ngay trong vườn nhà tôi khi đang quan sát một trận bom, có cô thanh niên xung phong sinh con trong nhà tôi được 27 ngày thì ra đi vì bom đạn. Mỗi lần về quê, đi đến nghĩa trang liệt sĩ xã, nhìn những tấm bia có ảnh các chàng trai trẻ, tôi lại nhớ hồi 5-6 tuổi vẫn chạy theo các anh mà giờ trở về các anh đã thành những ngôi mộ, điều đó cứ ám ảnh tôi mãi…", bà Hoàng Thị Ái Nhiên chia sẻ.
Năm 2009, tại một hội thảo kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Ái Nhiên đã viết một bài tham luận rất kỳ công về lực lượng nữ trên tuyến đường Trường Sơn. Bài tham luận này gây ấn tượng mạnh mẽ với các đại biểu dự hội thảo và sau đó được đăng tải đầy đủ trên báo Quân đội Nhân dân. Quá trình tìm hiểu tư liệu để viết bài tham luận một lần nữa dấy lên trong lòng bà những tâm tư đau đáu, rằng phải làm thế nào để thế hệ lớn lên sau chiến tranh có thể hiểu một phần lịch sử bi tráng đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ, phần lịch sử mà ngay cả thế hệ của bà - thế hệ gạch nối - cũng không nhiều người thấu tỏ.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên chia sẻ, bà suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện những người con gái ra trận. Bà thường tự đặt mình vào hoàn cảnh gia đình một vùng nông thôn miền Bắc có con gái vào Trường Sơn, trăn trở với những câu hỏi lớn nhỏ khác nhau và chiêm nghiệm về hai chữ hy sinh. "Chiến tranh thì đàn ông thanh niên phải ra trận nhưng ở Việt Nam, phụ nữ cũng ra trận. Những người bố, người mẹ có muốn con gái của họ phải ra trận hay không? Lẽ đương nhiên là không. Những người anh trai ở mặt trận hẳn cũng không muốn em gái mình vào nơi gian khổ ác liệt như thế.
Nhưng tất cả đã nén lại những niềm riêng để đồng lòng vì đất nước. Bởi thế, Việt Nam không thắng Mỹ mới là lạ. Sự hy sinh bằng xương bằng thịt của những nữ chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong là điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng bên cạnh đó, sự hy sinh của những người cha, người mẹ để những đứa con của mình ra trận cũng vô cùng lớn lao".
Năm 2013, bà Hoàng Thị Ái Nhiên và đạo diễn Trần Tuấn Hiệp quen biết nhau qua một dự án phim tài liệu. Suy nghĩ phải làm một bộ phim tài liệu riêng về những người con gái Trường Sơn được bà chia sẻ với vị đạo diễn tài năng và nhận được sự đồng cảm, đồng tình rất lớn. Tuy nhiên, đến tận năm 2018, ý tưởng đó mới được hiện thực hóa. Bà Hoàng Thị Ái Nhiên tham gia bộ phim với vai trò khai thác tư liệu và là người dẫn chuyện, đưa khán giả đi qua 8 tập phim dưới góc nhìn vừa toàn diện, sâu sắc của một người học lịch sử, vừa nhân văn và đầy nữ tính của Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam.
Nhiều câu chuyện hậu trường xúc động không có trên phim được bà Hoàng Thị Ái Nhiên chia sẻ trong buổi tọa đàm. Như chuyện về việc tình cờ tìm được nhà của liệt sĩ Hoàng Thị Minh Thú, nữ thanh niên xung phong hy sinh năm 1968. Chị Minh Thú có người yêu là liệt sĩ Bùi Thế Cương, hy sinh năm 1969. 40 năm sau, em trai của liệt sĩ Bùi Thế Cương lần theo lá thư trong ba lô của anh để đi tìm chị Minh Thú với niềm hy vọng sẽ có "giọt máu" của anh Cương để lại. Niềm hy vọng không đạt được, người em để lại ảnh anh trai mình trên bàn thờ của người con gái mà anh Cương đã yêu thương, cùng chiến đấu và cùng hy sinh.
Hay câu chuyện về hai liệt sĩ Ngô Thị Tâm ở Yên Thành, Nghệ An và Cao Ngọc Hòa ở Diễn Châu, Nghệ An: Ngày 10/9 âm lịch năm 1968, anh chị được tổ chức cho phép về nhà để chuẩn bị làm lễ ăn hỏi, nhưng chỉ đúng 1 tiếng trước giờ làm lễ, hai bên gia đình được tin anh chị đã hy sinh.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên cũng rất xúc động khi kể về cuộc gặp mặt với mẹ Lê Thị Ngoạn - mẹ của liệt sĩ Lê Thị Lương, một trong những liệt sĩ hy sinh tại hang Tám Cô. “Mẹ năm nay đã trên 90 tuổi rồi. Gặp mẹ xúc động lắm, tôi không biết nói gì, cũng không biết làm gì để thể hiện sự biết ơn, lòng trân trọng, tri ân, tình cảm của mình với những người mẹ như thế”, bà Hoàng Thị Ái Nhiên chia sẻ.
Nhiều tháng theo đoàn phim rong ruổi suốt tuyến đường Trường Sơn, gặp gỡ hàng trăm nhân vật lịch sử, những nhân chứng sống của con đường huyền thoại, bà Hoàng Thị Ái Nhiên mang theo những ám ảnh khó dứt bỏ về cuộc sống đời thường. Sau khi bộ phim phát sóng và nhận được sự ủng hộ của khán giả, bà lại có thêm những trăn trở, muốn làm thêm những bộ phim khác về những thân phận "hậu Trường Sơn", như chuyện những người phụ nữ đã tìm đến các trại thương binh nặng để lấy các anh làm chồng, dành cả cuộc đời chăm sóc và vun đắp gia đình với họ.
Trong buổi tọa đàm Trường Sơn: Một thời con gái - Chuyện bây giờ mới kể, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh Việt Nam - cũng thể hiện sự xúc động mạnh mẽ về bộ phim Trường Sơn một thời con gái.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho hay: "Khi chị Ái Nhiên và đạo diễn Tuấn Hiệp đặt vấn đề sản xuất bộ phim này, chúng tôi rất phấn khởi. Phim về Trường Sơn rất nhiều nhưng chưa có bộ phim nào về người con gái Trường Sơn. Xem xong phim, tôi rất xúc động. Cảm ơn những chị em còn sống đã nói lên những sự thật mà lịch sử tưởng đã lãng quên. Cảm ơn những người làm phim và cả những người đã ủng hộ cho bộ phim".
Cũng là một người lính có mặt ở tuyến lửa Trường Sơn từ những ngày đầu tiên, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn mang nhiều tâm tư về người con gái Trường Sơn dọc dài theo năm tháng chiến tranh. Theo lời kể của ông, ngay từ những năm 1962, 1963, những nữ giao liên, nữ chiến sĩ đã bắt đầu xuất hiện ở Trường Sơn. Đến năm 1965, lực lượng nữ tại Trường Sơn từ Bắc vào ngày càng đông.
"Không thể phủ nhận, nhìn thấy chị em vào chiến trường, tinh thần chiến đấu của chúng tôi lên cao. Đi vào tiền tuyến mà hậu phương cũng đi theo thì sức mạnh tăng thêm nhiều lắm. Chúng tôi gặp lại không ít bạn học thời xưa. Trường Sơn bừng lên niềm phấn khởi. Chị em làm mở đường, làm giao liên, thông tin, quân y…, ngành gì cũng có chị em nữ. Nhưng, chiến tranh ngày càng ác liệt hơn. Nam giới hy sinh, bị thương, vất vả 5 phần thì nữ giới còn đau thương 10 phần.
Không chỉ là chuyện bom đạn, chỉ riêng trời mưa thôi cũng là gian khổ của chị em. Quần áo chỉ có hai bộ, mưa làm gì có đồ thay, chị em phơi trong gian bếp khói um lên. Ngày giải phóng, nhiều chị nhiều em không còn nữa, nằm đâu đó ở Trường Sơn", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn xúc động kể.
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, những người lính Trường Sơn một thời như Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn cùng các đồng đội của mình tổ chức nhiều hoạt động để tri ân những người nằm lại nơi cánh rừng năm xưa và động viên nhau trong muôn vàn cảnh ngộ ở thời bình. Biết bao người con gái hiến dâng trọn vẹn tuổi xuân rực rỡ ở chiến trường và trở về đời thường bằng những nỗi niềm, thiệt thòi khó ai thấu hiểu.
Ngoài ra, một trong những trăn trở của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn là nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh cả con trai lẫn con gái cho Tổ quốc, tuy đã có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn sống nhiều khó khăn.
Cũng vì lẽ đó, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn bày tỏ sự trân trọng đối với các hoạt động tuyên truyền về hình ảnh người nữ chiến sĩ Trường Sơn của Hội LHPN Việt Nam. Trong đó, bộ phim Trường Sơn: Một thời con gái là một món quà tri ân đẹp đẽ và đầy ý nghĩa mà Hội LHPN Việt Nam đã góp phần kết nối, xây dựng và lan truyền tới thế hệ sau.