Chuyện như phim của nàng dâu bị cả nhà chồng tệ bạc khi chồng vừa qua đời: Cuộc sống của mẹ con tôi hôm nay đã "trả lời" tất cả

LL
22/07/2020 - 08:22
Chuyện như phim của nàng dâu bị cả nhà chồng tệ bạc khi chồng vừa qua đời: Cuộc sống của mẹ con tôi hôm nay đã "trả lời" tất cả
Cô nhớ mãi những gì họ đối xử với cô. Đến 49 ngày anh Hùng mất, nhà chồng Nhung vẫn còn tâm trí hạch toán rõ ràng từng khoản tiền như: 10 triệu tiền vé máy bay em gái anh Hùng sang đón thi hài anh trai, 6 triệu tiền taxi ông bà đi chợ...

"Nhắn tới anh, người đàn ông của em: Với em, anh là người đàn ông tuy không đảm đang nhất nhưng là người chồng tuyệt vời, ngọt ngào nhất, là điều đẹp đẽ nhất mà em có...".

Đó là câu chuyện lay động lòng người của cô vợ vẫn đau đáu nhớ về chồng khi âm dương cách biệt được chia sẻ cách đây không lâu. Nhung và anh Hùng cưới nhau từ năm 2013. Nhưng trước khi yêu cả 2 đã có 1 giai đoạn quen khá lâu. Có thể nói tình yêu xuất phát từ tình bạn này đã có 1 nền tảng vững chắc cho đến khi 2 người về chung 1 nhà.

Cú sốc lớn nơi đất khách quê người

Tình yêu của vợ chồng Nhung quả thật rất đặc biệt. Một cô gái còn non trẻ chấp nhận kết hôn với người đàn ông 1 đời vợ và đã có con riêng nhưng vẫn bị mẹ chồng không "ưng mắt".

Chồng Nhung bắt đầu làm việc ở Singapore từ đầu năm 2019. Ngày 18/6 mẹ con Nhung sang đoàn tụ với anh Hùng. Cả gia đình cùng nhau đi chơi, mọi sinh hoạt, ăn uống của anh đều bình thường.

a - Ảnh 1.

Gia đình hạnh phúc của vợ chồng Nhung

Nhớ về những kí ức kinh hoàng ấy, Nhung không khỏi xót xa: "Anh từ trước khi cưới tôi đã có thói quen đi ngủ sớm. 21h anh dặn mẹ con tôi anh đi ngủ thì 2 mẹ con thật nhẹ nhàng, mai anh nhiều việc lắm.

Khoảng 30 phút sau con trai vào ngủ với bố, mẹ thì ở phòng khách. Thói quen này diễn ra y hệt ở Việt Nam, luôn là 2 bố con ngủ trước và mẹ ngủ sau.

Khoảng 23h30 con tôi tỉnh giấc khóc, tôi vào phòng dỗ con và bảo: 'Hôm nay chồng ngủ say thế, con khóc cũng không biết', chồng tôi không đáp lại. Tôi vỗ vào vai anh nhưng anh cũng không phản ứng lại.

Ngay lập tức tôi bắt mạch ở cổ, ở tay và hô hấp nhân tạo liên tục. Đầu tôi buốt lạnh và tôi bảo con ra tri hô hàng xóm giúp đỡ. Chưa đầy 10 phút sau thì cấp cứu có mặt, chúng tôi lên xe đưa anh vào bệnh viện gần nhất”.

Những thứ giờ chỉ còn lại trong kí ức

Nhung kể rằng đến 1h17 phút ngày 1/7 thì bác sĩ cấp cứu ra gặp mẹ con cô. Và giây phút kinh hoàng ấy đã đến. Bác sĩ thông báo chồng Nhung đã qua đời. Anh mắc chứng nhồi máu cơ tim cấp và huyết khối động mạch vành trái.

Quá đột ngột nên nỗi đau với cô lúc này là vô cùng, dù sự thật là anh đã nằm đó bất động nhưng Nhung không thể lý giải cho mình lý do gì khiến anh để lại mẹ con cô như thế. “Tôi gào lên rằng chồng tôi khoẻ mạnh lắm, đi khám sức khoẻ bác sĩ luôn nói anh ấy có trái tim khoẻ mạnh cơ mà. Ăn uống thì khoa học và tập luyện thể thao mỗi ngày. Tôi dày vò chính tôi, ngửa mặt lên trời nước mắt ầng ậc, tôi hỏi ông trời vì sao đem anh ấy đi mà không đem tôi đi theo luôn..." - Nhung xót xa nhớ lại.

Những ngày gia đình Nhung đoàn tụ chẳng được bao lâu thì giông bão ập tới. Cái chết của chồng cô quá đột ngột khiến niềm đau càng lớn hơn. Nhưng mọi thứ chưa dừng lại ở đó.

Chồng chất nỗi đau khi thành “kẻ tội đồ” trong mắt nhà chồng

"Tôi đưa anh về Việt Nam. Sau khi chôn cất anh xong, 2 gia đình ngồi lại với nhau mẹ chồng tôi nói trước mặt bố mẹ tôi rằng: 'Có mỗi việc chăm nuôi chồng mà để chồng ốm, chồng chết là không chấp nhận được!'.

a - Ảnh 3.

Cô vợ trẻ phải chịu nỗi đau quá lớn

Tôi đã đau khổ quá rồi, tôi đứng lên và nói: 'Con sẽ trả lại mạng của con cho mẹ!'.

Rồi tôi cắm đầu chạy ra phía bờ ao. Bố tôi và con gái chạy theo. Tôi quá kiệt sức, suốt 1 tuần tôi không ngủ được nên chân tôi mắc vào nhau mà ngã nhào xuống, rách quần rách áo, bầm dập cả người. Bố tôi thì bảo con ơi bình tĩnh, con gái ôm chân tôi bảo: 'Con xin mẹ, mẹ ơi'. Con trai tôi được bà ngoại bế thì gào khóc.

Em gái chồng tôi vả vào mặt tôi vài cái mắng: 'Sao bác ngu thế?'.

Chuyện như phim của nàng dâu bị cả nhà chồng tệ bạc khi chồng vừa mất: Cuộc sống của mẹ con cô hôm nay đã "trả lời" tất cả - Ảnh 4.

Những lời cay nghiệt em chồng dành cho Nhung, dù tài sản phát sinh trong quá trình 2 vợ chồng cô chung sống vẫn bị tính là "của nhà chồng"

Còn những người khác, họ đứng ở sân hoặc chẳng thèm quan tâm. Họ nói: 'Mặc kệ bà ấy, cho bà ấy nhảy, xem có dám nhảy không?'. Tôi mất chồng, con tôi mất cha đã đủ đau đớn chưa? Gán thêm cho tôi tội không chăm lo để chồng chết, tôi chưa quên thì gần đây tôi biết, bà nội của con tôi vẫn nói với mọi người y như hôm nói với tôi", Nhung nghẹn ngào.

Theo những gì cô chia sẻ, lúc chồng còn sống Nhung rất hiếu thuận với cha mẹ chồng. Quê anh ở Thái Nguyên nhưng tuần nào cô cũng về khi mua quà, khi biếu tiền. Đợt mẹ chồng Nhung bị đau đầu ròng rã 2 năm cũng 1 tay cô chăm sóc nhưng họ chẳng bao giờ thấu hiểu cho tấm lòng của nàng dâu.

Mẹ chồng Nhung luôn quan niệm rằng, phụng dưỡng cha mẹ là bổn phận của con cái, bố mẹ không có trách nhiệm đáp lại. "Cuộc chiến" mới thật sự nổ ra khi 3 mẹ con Nhung (1 con trai chung với chồng và 1 con riêng của chồng) bị cô lập trong việc phân chia tài sản.

Cuộc sống hiện tại của Nhung đã bình ổn

Được biết, giá trị tài sản anh Hùng để lại khoảng hơn 4 tỷ. Mẹ chồng Nhung yêu cầu chia 5 và mỗi người sẽ thừa hưởng khoảng 800 triệu. Quan niệm phía nhà chồng Nhung là: Lấy chồng phải theo nhà chồng, anh ấy mất đi rồi thì tài sản phải là của nhà chồng, nhà chồng cho gì thì biết nấy. Là con cái phải chăm sóc bố mẹ chứ bố mẹ không phải hỏi han con cái.

Xót xa hơn khi con trai Nhung thông báo: "Giờ con dùng số điện thoại của bố con, ông bà nhớ con ông bà gọi cho con" nhưng theo Nhung chia sẻ thì kể từ ngày ấy cậu bé vẫn chẳng nhận được 1 lời hỏi han nào của ông bà nội.

Nhung kể: "Anh Hùng có 1 mảnh đất 700m2. Ông bà gọi mẹ con tôi ra quán cafe, kí giấy tờ ở ngoài quán. Cu Bi háo hức vì nghĩ ông bà lên chơi với cháu nhưng không ngờ... Con chui vào 1 góc ngồi khóc trong khi người lớn đang chia chác miếng đất. Mẹ chồng mình nói 'thằng Bi nó còn bé thì cần gì đến tiền'.

Bố mẹ tôi tức quá gọi điện hỏi thông gia: 'Tại sao nó là cháu ông bà mà ông bà không thương. Giờ nó còn bé mới cần yêu thương, nuôi nấng chăm sóc. Mấy nữa nó lớn lên nó biết tự làm nuôi nó thì cần gì đến tiền nữa'. Nhưng đáp lại là 1 câu cụt lủn: 'Thôi nhé, đang xem đá bóng'".

Bố mẹ chồng Nhung không cần biết luật pháp như thế nào chỉ biết bất cứ tài sản nào của con trai cũng chia làm 5 phần nhưng 1 phần trong đó đến giờ mẹ con Nhung cũng không nhận được".

"Rất may sổ đỏ nhà mình đang cầm không chắc mẹ con mình ra đường mất", cô vợ ngao ngán nghĩ đến những người mình đã hết lòng.

Vượt qua loạt cú sốc bằng sự độc lập kiên cường

Nhung đã từng bị nhà chồng áp đặt suy nghĩ cay nghiệt: "1 năm sau người ta te tởn bên người mới ngay". Cô nhớ mãi những gì họ đối xử với cô. Đến 49 ngày anh Hùng mất, nhà chồng Nhung vẫn còn tâm trí hạch toán rõ ràng từng khoản tiền như: 10 triệu tiền vé máy bay em gái anh Hùng sang đón thi hài anh trai, 6 triệu tiền taxi ông bà đi chợ, tiền đưa đón khách 2 chiều Thái Nguyên - Hà Nội...

Thế mới biết vì sao trước kia chồng Nhung từng khuyên cô bớt về quê vì anh hiểu rõ bố mẹ mình gây khó dễ cho vợ như nào.

Các con rất biết cách tự lập và giúp mẹ

1 tháng sau khi chồng mất Nhung cố vực dậy bởi cô còn 2 đứa con làm động lực sống. Nhung quay lại dạy Yoga, cô được học viên quý mến nên các khóa học rất đông người tham gia. Cô khuyến khích cho các con học cùng.

Theo những gì Nhung cảm nhận, cô nhận được sự đối xử như thế từ nhà chồng là do rất nhiều xích mích giữa họ và con trai, vợ chồng Nhung lại rất yêu thương, quấn quýt bên nhau.

“Chồng tôi mất nhưng giờ đến cháu nội máu mủ ruột già họ cũng không màng. Cũng may mà từ trước giờ mình có công việc riêng, không bị quá phụ thuộc vào kinh tế của chồng", Nhung chia sẻ.

Hiện tại, mức thu nhập của bà mẹ đơn thân là khoảng 20 triệu. Ngoài ra bố mẹ cô cũng gửi đồ ăn ở quê lên cho Nhung bán kiếm thêm.

Sở dĩ, Nhung không muốn rùm beng mọi thứ vì muốn cho nhà chồng biết cô không phải người chỉ màng đến tài sản sau khi chồng mất. Nhung quan niệm: "Đến giờ tôi chẳng cần gì, cuộc sống của mẹ con tôi vẫn bình ổn. Nhiều người nói đã là quyền lợi của mẹ con tôi thì tôi nên đấu tranh nhưng tôi tin mọi thứ có nhân quả hết. Tiền quan trọng thật nhưng nó không quyết định được nhân cách con người. Sau này lớn lên, tôi tin con trai tôi sẽ hiểu tất cả và tuyệt vời như bố nó".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm