Chuyện ở bệnh viện đặc biệt (bài 1): Giật mình vì những lí do nhiễm HIV

24/05/2019 - 11:55
Tại Hà Nội có một bệnh viện đặc biệt vì chuyên điều trị cho người nhiễm HIV. Nếu một lần đến đây, nghe bệnh nhân trải lòng, bạn không khỏi giật mình vì những lí do khiến họ nhiễm H.

Đó là Bệnh viện 09 (Hà Nội). Nơi đây được mệnh danh là bệnh viện đặc biệt vì chuyên điều trị cho người nhiễm HIV và hầu hết đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

 

20190516_111250_1600x778.jpg
Bệnh viện 09 được xem là một bệnh viện đặc biệt. Nơi đây có rất nhiều người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS

 

Nhiều người khi biết bản thân nhiễm HIV thì đã quá muộn. Họ hối hận, họ trải lòng, họ gửi thông điệp đến cộng đồng, nhưng HIV vẫn như cơn sóng thần bất chấp những lời cảnh báo. Tại sao?
 
Có muôn vàn nguyên nhân nhiễm HIV từ vô tình, tiêm chích ma túy, quan hệ gái mại dâm… thậm chí làm từ thiện bị lây nhiễm cũng có. Dù là lây nhiễm từ đâu thì đối với họ, HIV cũng chặn trước mặt họ một barie đáng sợ, cảnh báo cuộc sống tương lai đảo lộn ngay trước mắt.
 
Từ việc quan hệ với người yêu
 
Chị Thanh Ngọc (sinh năm 1979, Quảng Ninh), đã làm công tác truyền thông can thiệp giảm tải cho các nhóm ma túy, mại dâm hơn 10 năm nay, là một người nhiễm HIV.
 
Chị cho biết, năm chị 29 tuổi, do thấy sức khỏe kém nên chị đi khám và nhận kết quả nhiễm HIV. Chị hiểu rằng mình đã bị nhiễm từ người yêu làm trong ngành hàng hải.
Ngọc vô cùng sốc. Rất lâu sau chị mới cân bằng được cuộc sống. Bao nhiêu chữ “giá như” đã quay cuồng trong đầu chị khi biết mình bị nhiễm HIV: giá như không yêu anh ấy, giá như không quan hệ tình dục, giá như đã dùng biện pháp an toàn, giá như anh ta đừng phản bội chị mà quan hệ với người nhiễm AIDS… Nhưng ngàn vạn lần chị không thay đổi được số phận. Và chị biết cách chấp nhận nó. Ngọc đã phải dứt bỏ tình yêu của mình và đối diện với căn bệnh thế kỷ.
 
Trong khi tinh thần đang giảm sút và mất niềm tin vào tương lai thì Ngọc tìm thông tin từ cộng đồng HIV trên mạng. Chị gặp anh, người trở thành chồng chị bây giờ. Nói chuyện và chia sẻ với nhau qua mạng một thời gian, chị đã lên Hà Nội gặp anh và tìm thấy cả tình yêu lẫn sự đồng cảm. Cơ duyên này đã đưa chị đến với hoạt động vì cộng đồng, tuyên truyền về HIV/AIDS, để chị thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.
 
Vì hai vợ chồng cùng nhiễm HIV nên anh chị đã cùng nghiên cứu cách sinh con không lây nhiễm và kết quả thành công khi con gái chị đến nay 10 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm kết hôn, cả hai vợ chồng đều giấu gia đình, người thân về căn bệnh mình đang mang. Chị muốn giữ cho con cuộc sống yên bình, không bị đảo lộn hay bị kỳ thị.
 
Trong 10 năm làm tuyên truyền viên, chị đã gặp rất nhiều trường hợp nhiễm HIV khác nhau và đã giúp họ có cuộc sống tinh thần, sức khỏe ổn định hơn. Có những ca khó như bệnh nhân chỉ muốn tử tự, luôn nghĩ đến cái chết để sớm giải thoát. Những lúc đó, chị phải bỏ ra khá nhiều thời gian vừa tâm sự, trò chuyện lại vừa khơi gợi về tương lai cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà bản thân Ngọc không thể làm gì được vì họ gặp quá nhiều rủi ro một lúc như mắc nhiễm HIV khi có thai và khi thai chết lưu thì lại có thêm kết quả là không thể sinh con được nữa. Những trường hợp như thế, chị cảm thấy rất buồn và bế tắc.
 
Ngoài công việc là tư vấn cho các đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS, Ngọc còn dạy nấu ăn tại các trung tâm để tăng thu nhập.
 
Chơi với người nghiện…
 
Còn trường hợp của ông Hoàng Lâm (sinh năm 1959) ở Hà Nội, được xác định là nhiễm HIV trong qua trình gần gũi, tuyên truyền với những người tiêm chích ma túy, động viên họ cai nghiện và chữa trị bệnh. Cho đến khi thấy mình bị sốt cao dài ngày, sụt cân, ông đi khám tại Bệnh viện 09 thì biết mình bị nhiễm HIV.
 
img_1996_1600x1075.JPG
Những người mắc bệnh phần lớn đều giấu người thân để giữ cho mình cuộc sống yên bình 

  

Cũng như những người khác bị căn bệnh này “gọi tên”, ông Lâm đã rất sốc. Nhưng được bác sỹ tư vấn, điều trị, hướng dẫn chế độ ăn uống sinh hoạt, cuộc sống của ông dần trở lại cân bằng. Cũng may, người bạn đời của ông Lâm biết nhưng đã quan tâm chăm sóc ông chu đáo. Do không muốn làm đảo lộn cuộc sống của con cái nên hai vợ chồng ông Lâm đều giữ bí mật. Ông cho rằng, công khai danh tính nhiễm HIV vẫn là con dao hai lưỡi trong xã hội ngày nay, khi mà sự kì thị mới chỉ giảm chứ chưa hết hẳn.
 
“Những người nhiễm HIV do tôi giúp đỡ họ đều chết hết cả rồi, nhưng tôi không sợ bởi với tôi nhiễm HIV không phải là kết thúc. Tôi phải sống và làm việc để còn lo cho tương lai của con gái”.
 
Không chỉ biết cách “sống chung với HIV/AIDS”, ông Lâm còn tham gia làm công tác tư tưởng cho những người mới bị bệnh. Nhiều người đã lắng nghe và sắp xếp cuộc sống tinh thần ổn định, chuyên tâm chữa bệnh và sống lành mạnh trở lại.
 
Đến tiêm chích ma túy
 
Hải Đăng (sinh năm 1984) lại là một trường hợp khác, anh nhiễm HIV do dùng chung kim tiêm. Đăng cho biết, từ khi còn trẻ, anh thường tham gia các cuộc ăn chơi và bị bạn bè rủ rê thử ma túy mà không lường trước được hậu quả. Cứ như vậy, anh trở thành nô lệ của ma túy, không sao từ bỏ được. Gia đình đưa anh đi cai nghiện nhiều lần nhưng mỗi lần trở về anh lại tái nghiện. 
 
“Năm 2009, hai vợ chồng ly hôn, vợ nuôi con. Tôi bị ốm dài ngày, lao hạch, trung tâm cai nghiện cho đi viện khám và xét nghiệm mới biết bị HIV. Năm 2011 về Bệnh viện 09 chữa trị, nhưng trong giai đoạn này tôi vẫn nghiện ma túy, càng chơi nhiều hơn, càng nghiện nặng hơn. Những ngày mới biết bị nhiễm HIV, tôi luôn mặc cảm muốn trốn tránh, giấu tất cả mọi người, không muốn tiếp xúc với ai. Nhưng cũng từ đây lại nảy sinh sự buông thả, coi sự sống, cái chết rất nhẹ với suy nghĩ “sống nay chết mai” nên cứ kệ bản thân như vậy. Bạn bè mắc nghiện hồi đó đều chết gần hết, nên tôi cho rằng trước sau rồi mình cũng như họ mà thôi. Cho đến bây giờ, tôi vô cùng hối hận, nếu mình không nghiện ngập và bị HIV thì mình sẽ không đánh mất nhiều thứ như vậy, nhất là gia đình”, Đăng chia sẻ trong sự chua xót và tiếc nuối.
 
Hiện nay, anh còn làm cộng tác viên cho tổ chức y tế phòng chống ma túy HIV, tuyên truyền, chia sẻ với những người nghiện ma túy và mắc HIV để họ đỡ tủi thân, cùng nhau vượt lên hoàn cảnh. “Cũng có người nghe, người không, tùy vào họ là chính, rồi sẽ có lúc họ thức tỉnh”, anh cho biết. Chỉ có điều, trong lòng người cha một thời lầm lỗi như anh luôn có một nỗi buồn mà anh coi đó là sự trả giá, đó là việc lâu lắm rồi anh chưa được gặp mặt con. Mặc dù sống chung trong một thành phố nhưng sợ ảnh hưởng đến con nên anh không dám thăm con. Anh rất sợ mọi người xì xào về anh sẽ khiến con bận lòng.
 
“Tôi không muốn ai phải chịu hậu quả từ việc chơi bời và kém hiểu biết như mình. Nếu được làm lại cuộc đời và biết được những nguồn lây nhiễm thì sẽ không bao giờ để bản thân bị bệnh này. Hiện tại, tôi chỉ mong muốn sống vui vẻ đến giây phút cuối cùng, không bị giày vò vì bệnh tật”, anh Đăng nói.
*Tên và quê quán các nhân vật trong bài đã thay đổi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm