Chuyện ở bệnh viện đặc biệt (bài 3): Những chiến sỹ thầm lặng, dũng cảm và bền bỉ với nghề

26/05/2019 - 12:28
Không chỉ có bệnh nhân HIV mới phải chiến đấu với bệnh tật mà những y, bác sỹ chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV cũng luôn luôn phải đối mặt với các nguy cơ phơi nhiễm và rào cản tâm lý từ gia đình, đồng nghiệp.
Vượt lên tất cả, họ vẫn ngày ngày thầm lặng trong chiếc áo blouse trắng như một minh chứng về niềm tin vào cuộc sống, sức khỏe cho những bệnh nhân đang chới với giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
 
Hơn 20 năm trong nghề điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Bệnh viện 09, Ths.BS Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng khoa Nội tổng hợp từng chứng kiến biết bao cái chết của người bệnh và bao lần nộp đơn chuyển viện của nhân viên. Đối với một nơi mà bệnh nhân không muốn đến, bác sỹ không muốn ở, thì chỉ còn lại những người thật sự tâm huyết với nghề, vượt qua được thử thách, có trái tim từ mẫu.
 
“Chọn lĩnh vực gai góc của ngành y tế”
 
Bác sỹ Hưng chia sẻ, nhiều cán bộ y bác sỹ ở đây bị áp lực không chỉ từ bệnh nhân mà còn từ phía gia đình nên phải rời đi nơi khác. Anh may mắn hơn là trong suốt hơn 20 năm gắn bó với Bệnh viện 09, anh được bố mẹ, gia đình và vợ, cũng là một Trưởng khoa của bệnh viện rất cảm thông và chia sẻ với nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, không vì thế mà không có những lúc anh phải đấu tranh với chính mình: “Đi hay ở?”.
 
img_2000_1600x1067.JPG
 Ths.BS Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng khoa Nội tổng hợp bệnh viện 09: Người luôn đem lại tinh thần lạc quan cho bệnh nhân cũng như đồng nghiệp của mình
 
 
Bác sĩ Hưng luôn quan niệm “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng còn gian khổ biết dành phần ai?”. Anh cũng thấy vui vì mình đã chọn một trong những lĩnh vực gai góc nhất của ngành y tế, lĩnh vực mà ít người dám lao vào và đương đầu với nó. Đến bây giờ, anh có thể nói là "an phận" tại ngôi nhà 09 này, dù đôi lúc không tránh khỏi chạnh lòng khi chạm phải sự kì thị của chính đồng nghiệp viện khác, rồi cơ sở vật chất của viện còn nghèo nàn, nguồn thu nhập lại rất thấp, môi trường làm việc phức tạp, căng thẳng, tốn nhiều năng lượng. Nhưng hàng ngày nhìn những con người đang tìm cho mình cơ hội sống và cơ hội hòa nhập lại càng thôi thúc anh cố gắng làm việc vì họ, để giúp họ hiện thực hóa mong ước vô cùng mong manh đó.
 
Năm nào cũng có cán bộ bị phơi nhiễm
 
Mặc dù đã rất cẩn thận nhưng làm việc tại môi trường nguy hiểm và khắc nghiệt như vậy nên năm nào ở Bệnh viện 09 cũng có cán bộ bị kim tiêm hay vật sắc nhọn đâm phải, có trường hợp bị phơi nhiễm lao qua môi trường không khí. Mới đây nhất phải kể đến trường hợp của một bác sỹ bị nhiễm lao, anh là người rất tâm huyết với nghề. Loại bệnh của anh là lao phổi, lao xương đã được điều trị một thời gian. Và đến bây giờ được chẩn đoán là ung thư phổi đã di căn, thời gian sống không biết được đến đâu.
 
Chứng kiến đồng nghiệp "chiến đấu" với bệnh tật, bác sĩ Hưng không khỏi chạnh lòng. Nhưng nhìn thấy những bệnh nhân mà con đường phía trước họ chỉ là hai chữ “chờ chết”, anh và đồng nghiệp lại "lên dây cót" tinh thần.
 
h.jpg
Hầu hết bệnh nhân ở đây đều bị gia đình, người thân bỏ mặc, nhưng vẫn còn những con người luôn sát bên họ trong "cuộc chiến" bệnh tật là những y, bác sĩ nơi đây
 
 
Có cả những trường hợp bệnh nhân đánh thầy thuốc, cầm kim dính máu hay cầm dao, giật kéo đe dọa cán bộ... “Khi nghe thì thấy bình thường, nhưng phải chứng kiến và gặp những số phận khác thì mình mới biết trong đó cũng tiềm ẩn số phận của mình”, bác sĩ Hưng nói.
 
Bác sỹ Hưng cũng chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đáng buồn từ những bệnh nhân và sự kỳ thị của xã hội mang lại. Có rất nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi, đến khi tắt thở rồi nước mắt chảy ròng ròng, luôn miệng kêu "Mẹ ơi! Bố ơi!" nhưng đáp lại chỉ là sự vô vọng. Những lúc đó, chỉ có các thầy thuốc tự khâm liệm, tắm rửa, đưa xuống nghĩa trang Văn Điển với một chiếc xe tang, một cỗ quan tài, một vòng hoa, một quả trứng, một lái xe, không còn một ai đưa tiễn.
 
“Ở đây, chúng tôi gặp rất nhiều kiểu người từ tri thức cho đến tội phạm, có những người là dân anh chị nổi tiếng ngoài xã hội. Nên những người thầy thuốc, ngoài việc điều trị, họ còn là một nhà công tác xã hội, nhà tâm lý y học, tội phạm, thậm chí là giáo dục. Tùy với kỹ năng của mình để đối phó với các trường hợp không ai giống ai và không thể lường trước được với những bệnh nhân có biểu hiện kì quái, hành động trong vô thức…”, bác sỹ Hưng nói.
 
Trong câu chuyện, không khỏi xót xa khi anh chia sẻ, có những đồng nghiệp nữ còn bị từ hôn khi gia đình nhà trai biết đang công tác tại viện của những người nhiễm HIV. Năm nào ở bệnh viện cũng có người chuyển công tác, rồi nhiều cán bộ điều dưỡng làm ở đây không lấy được chồng hoặc phải bỏ việc mới có thể lập gia đình.
 
Bên cạnh những khó khăn về công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân, cán bộ bệnh viện còn gặp khó khăn vì nguồn tài chính eo hẹp, thiết bị phòng chống phơi nhiễm như khẩu trang cũng không thể mua được loại tốt nhất, không đủ hỗ trợ cho y bác sỹ.
 
Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS là môi trường nguy hiểm hơn cả chiến trường. Một mặt trận mà những người thầy thuốc ở đây là chiến sỹ, kẻ thù ở đây là virus, vi trùng, các loại tạp khuẩn với vũ khí chiến đấu là thuốc men, trang thiết bị, công nghệ, trí tuệ. Mong rằng, Ths.BS Nguyễn Ngọc Hưng và các đồng nghiệp của anh đang chiến đấu trên mặt trận này, họ âm thầm mang đến cho người bệnh những hy vọng sống, hy vọng hòa nhập cộng đồng và cả những hy vọng ở phía sau cái chết sẽ được Nhà nước, Bộ Y tế, người thân, đồng nghiệp và cả xã hội đồng hành, hậu thuẫn. Họ là những chiến sỹ thầm lặng nhưng không bao giờ bị cô lập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm