Hạnh phúc đến muộn nhưng ấm áp, lan toả mãi với 2 vợ chồng anh Sung. |
Trưa. Làng phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) yên bình, tĩnh lặng. Dọc theo con đường bê tông nhỏ chạy giữa những dãy nhà cũ kỹ, một người đàn ông cắm cúi vá xe đạp với đôi tay bị tật nguyền. “Xe bị thủng ruột, tôi phải vá lại ngay để chiều cô ấy còn đi làm” - anh giải thích. Tên anh là Phạm Văn Sung (44 tuổi), người H’re, quê ở Quảng Ngãi; còn vợ anh là Ka Wẹ, hơn anh 9 tuổi, người dân tộc Châu Mạ, quê ở Lâm Đồng.
Nghe tiếng người lạ đang nói chuyện bên ngoài, một người phụ nữ dáng người khắc khổ, lam lũ bước ra phía trước thềm, anh Sung giới thiệu “Vợ tôi đấy!”. Chị Wẹ sau phút ái ngại cũng cười tươi chào khách: “Sáng giờ tôi đi nhặt ve chai. Vì xe đạp hư nên đi bộ, giờ mới về tới nhà".
Ngắm gương mặt đen sạm vì nắng gió của chị Wẹ, có phảng phất nỗi buồn, nhưng ánh mắt lại lấp lánh niềm hạnh phúc. Nghe anh Sung kể về cuộc đời của vợ mình trước đây, với niềm thương cảm dành cho sự bất hạnh của chị Wẹ, chúng tôi hiểu, niềm tin của chị Wẹ dành cho chồng là chắc chắn.
Trước đây, chị đã có 1 đời chồng và 4 người con. Nhưng năm 30 tuổi, bỗng dưng người chị Wẹ nổi mẩn ngứa khắp người, chạy chữa thuốc thang nhiều mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Hơn thế, những chỗ mụn kia càng vỡ ra, lở loét. 10 năm chạy chữa tốn kém, mà bệnh ngày càng nặng, mùi tanh hôi, ghẻ lở khắp người khiến chị phát hoảng. Rồi ngày nọ chị bị chồng đuổi ra khỏi nhà.
Nhiều năm trời chị lang thang ở các chợ xin ăn, vì muốn làm thuê cũng không ai dám thuê khi thấy người chị lở loét. Đến năm 2011, chị được một người đi đường thương tình đưa vào trại phong Quy Hòa và động viên chị ở đây điều trị.
Dù chẳng biết chính xác mình bị bệnh gì, nhưng có chỗ ăn, ngủ đã tốt lắm rồi, nên chị đồng ý vào trại phong. Ngày đầu vào trại phong Quy Hòa, người ân nhân của chị còn tặng chị chiếc điện thoại đã cũ để tiện hỏi thăm sức khoẻ của chị, nhưng vị ân nhân đó không cho chị xạc pin, chị đành đi mượn các bệnh nhân để giữ liên lạc với người ân nhân của mình. Run rủi thế nào anh Sung cũng dùng loại điện thoại như chị, chị mượn 1 lần, rồi 2 lần, 3 lần và sau rồi đành dùng chung cái xác pin với anh Sung. Vì chị cũng chẳng có tiền để mua cái xạc điện thoại khác. Hai người trao đổi số điện thoại để tiện mượn, trả xạc điện thoại. “Lúc đầu tôi hỏi anh ấy có gia đình chưa, anh ấy bảo chưa. Tôi cũng kể về hoàn cảnh bản thân, anh ấy thông cảm, động viên nhiều lắm” – chị Wẹ bẽn lẽn kể.
Anh Sung là con trai cả trong gia đình nghèo có 4 anh em. Năm 15 tuổi, anh bị tê nhức tay chân, căn bệnh lạ mỗi tháng tái phát một lần. Đến khi bàn tay phải mất đi cảm giác, gia đình phải cất một cái chòi riêng để anh ở, vì sợ lây bệnh cho cả nhà.
“Một ngày năm 2000, tôi lên cơn sốt, đêm đêm phải nhóm lửa để sưởi ấm. Một đêm tôi ngủ quên, tay phải vô tình thò vào bếp lửa nhưng vì mất hết cảm giác nên không hề hay biết. Đến khi thấy nóng, bật dậy thì đã bị cháy mất mấy ngón tay, bàn tay thành trụi lủi. Trong lần đi chữa trị bàn tay, bác sỹ phát hiện tôi mắc bệnh phong và cho uống thuốc cầm chừng. 3 năm sau, bác sĩ mới chuyển tôi xuống trại phong Quy Hòa điều trị. Khi nhập viện, chân phải của tôi đã bị hoại tử nên phải cắt bỏ cẳng chân” - anh Sung kể.
Chưa qua trường lớp nào, nhưng nghề chữa xe đạp, xe máy cũng giúp cho cuộc sống của gia đình nhỏ của anh Sung luôn đủ đầy, ấm áp. |
Sau vài tháng chữa trị ở Quy Hòa, bệnh tình chị Wẹ thuyên giảm trông thấy, và được xuất viện trở về Lâm Đồng. Khi đã cách xa hàng trăm cây số, 2 người mới nhận thấy tình cảm dành cho nhau, nỗi nhớ gì đó cứ da diết, cồn cào. Chị Wẹ ngập ngừng gọi điện cho anh Sung. Anh cũng không dám chắc chị Wẹ sẽ xuống với anh, vì lúc này, chị đã lành lặn, khỏi bệnh, còn anh thì vẫn tàn phế. Nhưng chị đã bất ngờ về lại Quy Hòa để gặp anh Sung.
“Lúc đầu tôi đã mến anh ấy, nhưng nghĩ bản thân đã từng có 1 đời chồng, lại lớn hơn anh ấy 9 tuổi, trong khi anh ấy vẫn độc thân, nên không dám nói ra. Khi về quê rồi, lúc nhớ anh ấy quá, tôi đánh liều gọi điện. Biết anh ấy cũng thương mình, tôi bắt xe xuống lại làng phong này rồi gắn bó với nhau đến bây giờ” – chị Wẹ ngồi kế bên chồng, vừa xoa bàn tay cụt của anh, vừa kể lại.
Từ năm 2012, anh Sung đưa chị Wẹ về ngôi nhà tập thể của bệnh viện cấp để chung sống. Anh bị tàn tật đôi chân nên được bệnh viện tạo điều kiện cho làm công việc chăm sóc vườn cây, tiền công 600 ngàn đồng/tháng. Chị Wẹ thì bị liệt một bàn tay, đôi chân đi khập khiễng, nhưng sớm tối đi nhặt ve chai. Cuộc sống dù vất vả khó khăn nhưng hai vợ chồng đều mãn nguyện.
Lúc chúng tôi ngỏ ý chụp hình hai vợ chồng, chị Wẹ ân cần dìu chồng ngồi lên giường. Hai vợ chồng cùng tươi cười nhìn nhau, vừa tỏ vẻ ái ngại trước ống kính. Trong lúc chụp ảnh, anh Sung đưa bàn tay trụi lủi nhẹ nhàng vén tóc vợ, gương mặt chị Wẹ ánh lên niềm hạnh phúc.
Chứng kiến khoảnh khắc yêu thương của hai vợ chồng anh Sung, 2 con người tàn tật dành yêu thương cho nhau, chúng tôi, những người khách lạ bỗng thấy niềm vui có hương vị rất ngọt ngào đang lan toả và phủ hơi ấm ra khắp khu bệnh viện phong này.