Chuyện tình giai nhân Hà Thành với nhà cách mạng Nguyễn Kim Cương

22/11/2017 - 10:02
Đó là chuyện đời, chuyện tình của bà Phạm Thị Hồng, một trong những giai nhân cuối cùng của đất Hà Thành với nhà lão thành cách mạng Nguyễn Kim Cương.

Bà Phạm Thị Hồng, sinh vào tháng 4/ 1909 trong một gia đình có tới 12 anh chị em. Cụ thân sinh ra bà là cụ Phạm Quang Hưng, một công chức nhỏ làm việc cho Pháp nhưng có tình yêu nước nồng nàn. Tên các chị em gái của bà đều được cụ đặt theo tên của các loài hoa: Hồng, Nga, Lan, Na, Cúc, Thu... Trong đó, bà Hồng vẫn là vẹn toàn cả hương sắc hơn hẳn các em mình.

Năm bà lên 12 tuổi thì mẹ mất, bà phải bắt đầu chuỗi những ngày tháng tự lập lo cho cuộc sống của bản thân mình và bươn chải kiếm sống lo cho các em. Bà phải lo gánh vác việc nội chợ trong gia đình nên không được học hành đàng hoàng. Nhưng bù lại bà có trí thông minh, nhanh nhạy, tiếp thu rất nhanh, ghi nhớ tốt và có biệt tài làm thơ. Có lẽ, tính cách mạnh mẽ, rắn rỏi đã được hình thành trong bà bắt nguộn từ cuộc sống sớm phải tự lập. Nhưng kì lạ thay, những vất vả đó không làm mờ phai đi vẻ đẹp của bà mà càng điểm tô thêm những nét sắc sảo, mặn mà cho người con gái đất kinh kì.

Ngày ấy, khi nền văn hóa phong kiến với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn đè nặng, cả bà và 6 người em gái đều không được đi học đầy đủ. Tuy vậy, trong bà luôn ẩn chứa một niềm đam mê với văn chương. Bà tự đọc sách, lắng nghe những câu chuyện giữa bố và các anh trai để có thêm những tri thức mới về cuộc sống, văn chương.

Khi bà Hồng tới tuổi cập kê, nhiều thanh niên hồi đó là những kĩ sư, bác sĩ tới xin dạm ngõ nhưng bà không đồng ý. Trong suy nghĩ của bà thì mọi chuyện “dựng vợ gả chồng” đều do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thế nhưng, khi cụ Phạm Quang Hưng ngỏ ý muốn bà lấy một anh chàng kĩ sư thì bà nhất quyết chống lệnh cha chỉ vì bà chưa từng quen biết với người đàn ông đó nên không thể có tình cảm. Và sau đó, bà đã gặp, yêu, trọn đời sống bên người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Kim Cương như một định mệnh đã được sắp đặt.

Lần đầu tiên, hai người gặp nhau là ở nhà một người bạn trên phố hàng Mắm. Khi ấy, bà Hồng đã 25 tuổi còn ông Nguyễn Kim Cương thì mới ở nhà tù Côn Đảo về đang bị giam quản thúc tại Vinh. Bà Hồng lúc ấy còn bị bạn bè bêu xấu: “Nó ăn thì chỉ ăn phở bò phố cổ, ngủ dậy từng những lúc 10h sáng”.

Lần gặp ấy đã để lại trong trái tim bà những ấn tượng khó quên về vóc dáng rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị của ông. Về phần mình, ông cũng bị cuốn hút bởi vẻ đạp thanh tú và đài các của cô gái đất kinh kì. Thế nhưng, chiến tranh đã đẩy hai con người ấy về hai miền xa cách. Mối duyên thầm đánh giấu chặt trong tim.

1.jpg Hai vợ chồng nhà lão thành cách mạng Nguyễn Kim Cương và bà Phạm Thị Hồng.

Hơn một năm sau, hai người mới có dịp tương phùng tại Thanh Hóa. Lời tỏ tình của người chiến sĩ cộng sản kiên trung khiến bà xiêu lòng. Bà kể: “Ngày ấy, ông ấy đứng trước mặt tôi. Nhưng không dám nắm tay tôi đâu. Ngày ấy, nó thế mà. Con gái con trai ra đường cầm tay nhau thì là một việc mang tiếng ghê lắm. Ông ấy bảo: “Nếu cô không bằng lòng lấy tôi thì tôi cũng có thể đi lấy người con gái khác nhưng trái tim tôi đã bị án chung thân rồi”. Nhưng phải mất hơn 1 năm thử thách bà mới chấp nhận tình cảm của ông dành cho mình. Vào ngày 27 Tết năm 1937, hai người tổ chức kết hôn trong một đám cưới hết sức đơn giản.

Đến năm 1943, khi tổ chức cách mạng của ta ở Hà Nội bị lộ, ông Nguyễn Kim Cương phải lánh sang Campuchia để hoạt động trong hội Việt kiều yêu nước tại đây. Bà Hồng lại bồng bế con vào Sài Gòn, vượt trùng xa núi hiểm tìm đường sang Campuchia để đoàn viên cùng chồng. Tại đây, bà vừa chăm sóc chồng con vừa cùng chồng tham gia làm nhiệm vụ cách mạng. Trong suốt nhiều năm đất nước chiến tranh, bà cùng ông đi khắp các chiến trường từ Sài Gòn đến miền Đông Nam Bộ, lên chiến khu Tây Bắc hay về lại Thủ đô yêu dấu. Đâu đâu, trên một bước chân hành quân trung kiên của ông cũng có bước chân song hành của bà. Như một người chiến sĩ trung kiên và thân cận nhất của ông.

Sau này, khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Ông Nguyễn Kim Cương được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước. Bà lại lui về làm hậu phương vững chắc, giúp ông cáng đáng chuyện gia đình để ông toàn tâm toàn ý lo cho công việc của mình.

“Cuộc đời tôi đã đi qua như một giấc mơ ngắn vậy, Ở đó những trường đoạn đẹp nhất là ngày tôi với ông ấy gặp nhau, là những lúc cùng nhau băng rừng đi làm nhiệm vụ, là những ngày sống bên ông ấy. Kiếp sau tôi muốn được mơ tiếp những giấc mơ này” – bà Phạm Thị Hồng từng thổ lộ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm