Chuyện tình vượt thời gian của Karl Marx và người bạn đời Jenny

05/05/2017 - 11:23
Kỷ niệm 199 năm ngày sinh Karl Marx (5/5/1818 - 5/5/2017), vị lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới, cùng nhớ lại chuyện tình cảm động của ông và người bạn đời Jenny. Chưa bao giờ hai cuộc đời lại gắn bó và bổ sung cho nhau hoàn hảo đến vậy.

Là dòng dõi nam tước Von Westphalen, Jenny thuộc tầng lớp quý tộc thần thế bậc nhất nước Phổ. Ông nội là Tổng tư lệnh của quân đội Phổ. Bà nội thuộc tầng lớp quý tộc cao nhất ở nước Scotland. Tuy vậy, cha của Jenny, Ludwig von Westphalen, lại khác với số đông những đại biểu của giai cấp mình, là một người có học vấn uyên thâm và tư tưởng phóng khoáng. Còn mẹ bà lại là một người phụ nữ giản dị, chân thành, dành cả cuộc đời vào việc chăm sóc chồng con.

Ngày 12/2/1814, người con gái yêu quý Jenny của dòng họ Von Westphalen ra đời ở Salzwedel thuộc bang Saxony-Anhalt (Phổ). Lên hai tuổi, gia đình dọn đến Trier. Thời thơ ấu của cô bé Jenny không hề biết đến thiếu thốn, một tuổi thơ đẹp đẽ bao bọc giữa tình thương của gia đình.

Ngôi nhà xinh đẹp có khu vườn rộng sum xuê hoa lá mà cô bé tóc vàng, mắt đen kháu khỉnh, lanh lợi thường nô đùa, nằm giữa khu phố đông đúc của những kẻ giàu sang, chính là tổ ấm của gia đình quan cố vấn chính phủ hoàng gia Phổ. Ludwig von Westphalen là người có uy tín lớn trong giới quý tộc Trier. Ông là bạn thân của quan cố vấn tư pháp Heinrich Marx, thân sinh cậu bé Marx . Bọn trẻ hai gia đình thường nô đùa với nhau trong khu vườn đó. Sau các trò chơi trẻ con, cậu bé Marx tiếp tục là vị khách thường xuyên của gia đình Westphalen.

marx.jpg
 Chân dung Karl Marx.

Năm 12 tuổi, khi Marx bắt đầu cắp sách tới trường trung học, thì Jenny đã là một thiếu nữ 16 tuổi và bắt đầu bước vào giới thượng lưu ở Trier. Cô có nhan sắc lộng lẫy và được mệnh danh là “Nữ hoàng của các vũ hội”. Sau này, trong một bức thư gửi cho cha, Marx đã phải thốt lên: “Nghệ thuật không sao đẹp bằng Jenny”.

Biết bao chàng trai quý tộc vây quanh cô gái kiều diễm ấy nhưng cuộc sống hào nhoáng mà trống rỗng của giới thượng lưu không hề khiến Jenny cảm thấy rung động. Cô thờ ơ trước sự săn đuổi của bọn họ để tìm kiếm một lý tưởng cao cả, một cuộc sống ý nghĩa hơn. Sau này, Jenny đã tìm thấy điều đó ở người bạn thời niên thiếu thường lui tới gia đình mình.

Tuổi thiếu niên dần trôi qua, Jenny và Marx bắt đầu bàn luận với nhau những câu chuyện về nhiều vấn đề của cuộc sống xã hội. Đôi bạn trẻ tỏ ra hâm mộ những nhà tư tưởng lớn đương thời, khao khát những lý tưởng tự do của họ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Karl Marx đã mạnh bạo và dứt khoát tỏ rõ quan điểm chính trị của mình vàJenny rất tâm đắc với những quan điểm tiến bộ của Marx. Cô cảm thấy rất đồng cảm với suy nghĩ, trái tim của người bạn trai và trong lòng tràn ngập một niềm hạnh phúc mới mẻ.

Lúc này Marx phải xa Trier để vào trường Đại học Bon, mang theo bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ về người bạn gái thân yêu của mình. Anh viết cho cha: “Khi con rời nhà ra đi, trước mắt con mở ra một thế giới mới, thế giới của tình yêu - một tình yêu say đắm...”. Năm sau về nghỉ hè, Marx và Jenny đã bí mật hứa hôn.

jenny-nm-1830.jpg
Chân dung Jenny Von Westphalen - người bạn đời, người đồng chí đồng cam cộng khổ của Marx. 

Tuy vậy, con đường dẫn tới hạnh phúc của họ không suôn sẻ. Thiên kiến của dòng họ Von Westphalen và nhất là của xã hội thượng lưu vây quanh Jenny, không dễ dàng chấp nhận một cô gái quý phái bậc nhất có thể trao cuộc đời cho một chàng sinh viên nghèo, lại mang tư tưởng tự do. Vì vậy khi hứa hôn, hai người phải giấu hết mọi người.

Vượt qua chặng đường 7 năm trời đấu tranh gian khổ với những thiên kiến tàn nhẫn đó, cuối cùng tình yêu son sắt và sự kiên trì đã thắng. Ngày 19/6/1843, một lễ cưới giản dị khác với tập tục đã được tổ chức, vĩnh viễn gắn cuộc đời hai con người tuyệt diệu với nhau.

Từ nay Jenny đã có thể hoàn toàn tham gia vào cuộc sống và hoạt động của Marx. Như sau này, Friedrich Engels, người bạn chí thiết của hai người đã viết: “Jenny không những đã cùng chia sẻ số phận, công việc và cuộc đấu tranh của chồng, mà còn dự phần vào đấy với một trí minh mẫn phi thường và một trái tim nồng cháy”.

Sau ngày cưới, một bước ngoặt quan trọng mở ra trước đường đời của hai vợ chồng trẻ. Từ thời sinh viên, Karl Marx đã là một chiến sĩ cách mạng, lãnh tụ của nhóm Hê-ghen trẻ. Giờ đây, là một tiến sĩ triết học, ông nổi tiếng là một trong những đại biểu ưu tú của nền dân chủ Phổ mới hình thành. Ông bị liệt vào số những nhà cách mạng nguy hiểm nhất đối với chế độ phản động Đức.

Trước sự đe dọa thường xuyên của chúng, ông quyết định dứt khoát dời khỏi nước Đức, để từ nước ngoài có điều kiện đấu tranh mạnh hơn cho cách mạng. Với tình yêu tha thiết, không chút ngại ngùng về cuộc sống có phần phiêu lưu sắp tới, Jenny Marx đã dũng cảm cùng chồng sang Pháp. Tháng 10/1843, họ tới Pari, mở đầu cuộc sống lưu vong đầy sóng gió.

Nhưng chỉ ít lâu sau, bị nhà cầm quyền Pháp tiếp tay cho chính phủ Phổ trục xuất, vợ chồng Marx phải chạy sang Bỉ. Khi cuộc cách mạng 1848 bùng nổ ở châu Âu, không chỉ Marx bị bắt mà cảnh sát Bỉ đã vô cớ bỏ tù luôn cả Jenny.

Ra tù, trở về Paris, bị chính phủ Pháp can thiệp lần thứ hai, họ lại phải dời sang London, nước Anh. Từ đó là một cuộc sống lưu vong thật sự với tất cả cảnh khủng khiếp của nó. Vào những năm này, Jenny Marx phải chịu những đòn giáng tới tấp của số phận, tàn nhẫn đến mức tưởng không chịu nổi đối với ngay cả người phụ nữ dũng cảm kiên cường này.

Cảnh thiếu thốn cùng cực đã lần lượt cướp đi của bà 3 đứa con nhỏ. “Tôi đã trải qua nhiều cơn bất hạnh, nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được thế nào là một điều bất hạnh thực sự”, Marx đã viết cho Engels như vậy. Còn Jenny đã ghi vào nhật ký của mình: “Nỗi đau xót của tôi thật vô cùng to lớn!”.

Tuy nhiên, nỗi đau khổ khủng khiếp đó không cản được bước đường đấu tranh cách mạng của Jenny Marx . Cùng với chồng, bà làm việc suốt ngày đêm không mệt mỏi. Dẫu hết sức bận rộn, lo lắng vì cuộc sống khó khăn của một gia đình đông con, bà vẫn đảm đương xuất sắc nhiệm vụ thư ký cho chồng. Bà chép các bản thảo của Marx hoặc ông đọc cho bà viết.

Bà thường đóng góp cho ông những ý kiến sắc sảo. Hầu như Marx không cho công bố một bản thảo nào khi chưa được Jenny xem và góp ý. Bà thường thay mặt chồng giao dịch về bản thảo với các chủ nhà in, nhà xuất bản. Ngoài ra bà đã thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, ngay cả những nhiệm vụ phức tạp nhất đòi hỏi sự thông minh và dũng cảm.

v-chng-karl-marx-nm-1869.jpg
 Vợ chồng Karl Marx năm 1869.

Chính nhờ sự tâm đắc và hỗ trợ lẫn nhau đó, ngay cả trong những năm gian khổ nhất, phải sống giữa cảnh bần cùng cay đắng và bệnh tật, gia đình Marx vẫn cảm thấy hạnh phúc. Marx và Jenny bao giờ cũng là cha mẹ mẫu mực của con cái. Tình yêu và sự vui vẻ vô tư của họ đã in sâu vào ký ức các con.

Cuộc đời sôi nổi, trong sáng của cha mẹ đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành phẩm chất và tương lai con cái họ. Hai vợ chồng sinh hạ được 6 người con, chỉ còn lại 3 người khôn lớn và đều trở thành những người dũng cảm, tiến bộ và hạnh phúc.

Người mẹ cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến cả 3 con gái mình đều đi theo con đường của cha - những chiến sĩ kiên cường của giai cấp vô sản; đồng thời cũng là những người vợ đảm, mẹ hiền theo gương bà. Tiếc rằng, Jenny không được hưởng niềm hạnh phúc đó lâu hơn.

Những năm cuối đời của Jenny Marx luôn bị bệnh tật dày vò. Bệnh ung thư đã hành hạ bà một cách dai dẳng. Bà không sống đến ngày thắng lợi của phong trào công nhân Đức nhưng bà không chút nghi ngờ vào thắng lợi mai sau của nó. Căn bệnh của bà ngày một trầm trọng nhưng toàn bộ tâm trí của bà vẫn hướng về các đồng chí mình đang đấu tranh gian khổ. Điều kỳ diệu là ngay những ngày cuối cùng trong cơn hấp hối, bà vẫn cố giữ thái độ tươi tỉnh để an ủi chồng con. “Cho đến khi chết, mẹ tôi vẫn vui vẻ để xua tan những nỗi lo lắng của chúng tôi.” và “Không có Jenny Von Westphalen thì Karl Marx không bao giờ được như thế”, Eleanor Marx Aveling, người con gái út của vị lãnh tụ giai cấp vô sản đã viết về bố mẹ mình như vậy.

Ngày 2/12/1881, Jenny Marx vĩnh viễn ra đi. Những lời nói cuối cùng của mình, bà dành cho cho người chồng thương yêu. Bản thân ông lúc đó cũng đang ốm nặng, hết sức sửng sốt, bàng hoàng trước phút lâm chung của người bạn đời vô cùng gắn bó. Không đầy 2 năm sau, ngày 14/3/1883, con người vĩ đại ấy cũng theo vợ đi vào cõi vĩnh hằng. Thi hài của Người được đặt cạnh Jenny - người bạn đường, người đồng chí và là người vợ thủy chung, niềm hạnh phúc lớn nhất của đời mình.

Em yêu quí của anh!

Anh lại được viết thư cho em, bởi vì anh đang cô đơn và bởi vì anh cảm thấy khổ sở khi luôn luôn chỉ được trò chuyện cùng em trong tâm tưởng, còn em lại không biết gì về điều đó, lại không nghe thấy anh và không thể trả lời anh. Em hiện lên trước mắt anh thật là sống động, anh bế em trên tay, hôn em từ đầu đến chân, anh quỳ dưới chân em mà thì thầm: “Anh yêu em !”

Xa cách nhau ít hôm là một điều rất có ích, bởi sự giao tiếp thường xuyên sẽ dễ gây cảm giác đơn điệu khiến những khác biệt giữa các sự vật bị xoá nhòa. Ngay cả các ngọn tháp nếu ta đứng gần, cũng có vẻ như không còn cao lắm, trong khi đó, những chuyện vặt vãnh trong đời sống hàng ngày, khi ta đụng chạm sát sạt với chúng, lại tăng lên đáng kể. Cái niềm say mê cũng vậy. Những thói quen thường ngày do ta ở gần nhau nên chiếm lĩnh ta hoàn toàn và có vẻ giống như niềm say mê, sẽ không tồn tại nữa một khi đối tượng trực tiếp của chúng biến mất khỏi tầm nhìn. Những niềm say mê sâu sắc do đối tượng ở kề bên nên có vẻ giống như các thói quen thường ngày, sẽ nổi hẳn lên và lại có được sức mãnh liệt vốn có của chúng dưới tác động diệu kỳ của sự xa cách. Tình yêu của anh đối với em cũng thế.

Hễ có một khoảng không gian phân cách chúng ta là ngay lập tức anh thấý rõ thời gian phục vụ cho tình yêu của anh chỉ nhằm mục đích y hệt mục đích mà nắng và mưa phục vụ cho cây cỏ – tức là dễ phát triển. Tình yêu của anh đối với em, hễ em ở xa anh, hiện lên đúng như tầm cỡ của nó – tầm cỡ của một chàng khổng lồ ở đó tập trung toàn bộ nghị lực tinh thần của anh và toàn bộ sức mạnh các tình cảm của anh. Anh lại cảm thấy mình là là một con người hiểu theo ý nghĩa đầy đủ của từ này, bởi anh được sống trong niềm say mê lớn lao…

Ðương nhiên trong thế gian này có nhiều phụ nữ và có một số người rất đẹp. Nhưng làm sao anh có thể tìm được một gương mặt nữa mà mỗi đường nét, thậm chí cả mỗi nếp nhăn trên đó đều gợi được trong anh những kỷ niệm mãnh liệt và đẹp đẽ nhất của đời anh? Tạm biệt em nhé, em yêu quí của anh, một ngàn lần, một vạn lần hôn em và các con.

Karl của em.

(Thư của Marx gửi cho Jenny sau khi hai người đã lấy nhau đã nhiều năm)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm