pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện về nàng công chúa triều Nguyễn được mệnh danh “Thị Màu cung đình”
Tiểu thuyết "Công chúa Đồng Xuân" gồm 2 quyển
"Công chúa Đồng Xuân" có thể được xem là phần tiếp theo của "Từ Dụ thái hậu" – tiểu thuyết của nhà văn Trần Thùy Mai đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như giải Sách Hay 2020, giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam (2016-2019)…
Khác với "Từ Dụ thái hậu" đặc tả chuyện "cung đấu", chuyện quân thần thời thịnh trị; "Công chúa Đồng Xuân" theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp dần chiếm nước ta, biến nước ta thành một nước bị đô hộ, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối trong tay quyền thần, Pháp súy.
Vấn đề lịch sử quan trọng và dữ dội đó, qua ngòi bút của nữ nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai, được gói trong câu chuyện về một nàng công chúa. Đó là công chúa Gia Phúc, con gái của vua Thiệu Trị, nàng công chúa xinh đẹp của kinh thành Huế. Đây là nhân vật gắn với tai tiếng "hòa gian" của bà với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình – một trong những nghi án lớn nhất triều Nguyễn.
Trong tiểu thuyết, nhà văn Trần Thùy Mai đưa ra câu chuyện của mình để chiêu tuyết cho nàng công chúa tội nghiệp, với cái nhìn nhân hậu, thấu suốt, đầy thuyết phục. Ngoài ra, tác giả chủ ý đặc tả các nhân vật nữ trong thành nội ở một khía cạnh khác, thật hơn, "đời" hơn, với những trang tả tình táo bạo. Bên cạnh diễn tiến sục sôi của mạch chính trị là câu chuyện về một "Thị Màu cung đình" xinh đẹp, phóng khoáng và đầy sức xuân nơi cung cấm nghiêm cẩn hà khắc, với cuộc đời đầy ắp thăng trầm, giữa bao chính sự rối tung…