Kêu gọi "học sinh toàn thế giới bãi khóa"
Phong trào học sinh và những người trẻ tuổi xuống đường yêu cầu chính phủ các nước phải có trách nhiệm trong vấn đề môi trường bị hủy hoại đang lên cao. Các cuộc tuần hành là một phần trong phong trào toàn cầu có tên là "Thứ Sáu vì tương lai" do nhà bảo vệ môi trường, đối phó biến đổi khí hậu trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg phát động từ tháng 8/2018. Kể từ đó, cô gái trẻ người Thụy Điển đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, được mời phát biểu trước Liên hợp quốc và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos tháng 1 vừa qua.
Tiếng nói của Greta Thunberg gây chấn động Thượng đỉnh Khí hậu quốc tế lần thứ 24 tại Ba Lan (COP 24) vào giữa tháng 12/2018. "Các vị không đủ trưởng thành để nói đúng về các sự việc như nó vốn có. Các vị đã để mặc cho trẻ em phải đảm đương cái gánh nặng ấy. Các vị thường nói các vị yêu quý trẻ em hơn hết, vậy mà các vị lại đánh cắp tương lai của chúng ngay trước mắt chúng", Greta Thunberg đã nói như vậy trong bài phát biểu mang tiêu đề "Các vị đang đánh cắp tương lai của chúng tôi”. Thất vọng trước cảnh đàm phán giữa các quốc gia tại Hội nghị Khí hậu toàn cầu lần thứ 24 lâm vào bế tắc, Greta Thunberg kêu gọi "học sinh toàn thế giới bãi khóa" để gây áp lực buộc giới chính trị phải nỗ lực tham gia chống biến đổi khí hậu.
Nhiều tháng nay, cái tên Greta Thunberg, cô gái 16 tuổi, và biến đổi khí hậu không chỉ là chủ đề hàng ngày trong mỗi gia đình, ngoài xã hội, trên các phương tiện truyền thông ở Thụy Điển mà còn được những người quan tâm đến môi trường ở Bắc Âu và Bắc Mỹ nói đến. Khi năm học mới 2018 bắt đầu, thay vì đi học, Greta Thunberg đã đến ngồi lỳ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Thụy Điển từ sáng đến chiều. Em căng biểu ngữ đòi các chính trị gia quan tâm hơn đến việc ban hành những chính sách bảo vệ môi trường. Mục đích của Greta là sẽ ngồi trước Nghị viện Thụy Điển cho đến khi chính phủ có những hành động thiết thực để nhiệt độ trái đất hiện nay giảm bớt đi 2 độ C.
Một vài chính trị gia trong tòa nhà quốc hội đã đến gặp và trò chuyện với Greta, trong đó có bà Janine Alm Ericson là thành viên Đảng Xanh. Bà Janine cho rằng, bà rất ấn tượng khi thấy sự quyết tâm và lòng can đảm của Greta. Tuy nhiên, bà cũng cảm thấy rất buồn khi người dân đi biểu tình. Điều đó có nghĩa là những chính trị gia như bà chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của họ.
Các cuộc biểu tình của Greta nhanh chóng được giới truyền thông Thụy Điển và quốc tế chú ý. Đặc biệt, nhiều bài báo ca ngợi Greta là “Malala của Thụy Điển”. Sau đó, cô bé còn được tham gia các chương trình talkshow và phát biểu trước hội nghị, trong đó có cả hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Ngoài ra, em còn tham gia viết báo cho các hãng truyền thông quốc tế để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Thông điệp của Greta không chỉ truyền cảm hứng cho phong trào bảo vệ môi trường ở Thụy Điển mà còn ở cả các nước trên khắp thế giới, bao gồm cả nước Mỹ. Đó cũng là lý do vì sao tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Greta Thunberg là một trong những thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới của năm 2018.
Sáng kiến của cô bé Thụy Điển đã được hàng nghìn trẻ em trên thế giới hưởng ứng. Hàng nghìn bạn trẻ đã bãi khóa, biểu tình trước các nhà Quốc hội, hay các cơ quan dân cử địa phương ở Đức, ở Úc. Greta Thunberg đang trở thành một biểu tượng mới của cuộc chiến vì Khí hậu, vì các cam kết quốc tế trong Thỏa thuận Paris 2015. Phát biểu bên cạnh Thunberg tại Brussels - Bỉ hồi tuần rồi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định trong giai đoạn tài chính tới từ năm 2021 tới 2027, 1/4 ngân sách của EU sẽ hướng tới các hành động để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất ngân sách của EU vào khoảng 1.000 tỉ euro (tương đương 1.130 tỉ USD) trong khoảng thời gian 7 năm nói trên.
Phong trào “Đồng hành cùng Greta” lan rộng toàn cầu
Việc làm của Greta đã gây tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ của những người chống biến đổi khí hậu ở các nước châu Âu và một số nước châu Mỹ. “Noi gương” Greta, một nhóm bạn trẻ Phần Lan cùng chung quan điểm đã phát động một ngày mang tên “Đồng hành cùng Greta” bằng cách tập trung trước tòa nhà Nghị viện Phần Lan mỗi trưa thứ 6 hàng tuần để gây sức ép với các nhà chính trị Phần Lan, đòi họ có những hành động hiệu quả hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Không chỉ ở Thụy Điển, Greta còn tham dự các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu ở nước ngoài. Ngày 20/10/2018, Greta đã đi tàu biển sang Helsinki để tham gia tuần hành cùng với người Phần Lan.
Ngày 1/3 mới đây, hàng nghìn học sinh, sinh viên tại thành phố cảng Hamburg (Đức) đã xuống đường tuần hành, kêu gọi chính giới và người dân cùng hành động để đối phó với biến đổi khí hậu. Khoảng 3.000 học sinh, sinh viên đã đi qua những khu phố chính trong thành phố Hamburg, giương cao các khẩu hiệu hối thúc bảo vệ môi trường. Họ cho rằng, giới trẻ có thể thay đổi toàn bộ xã hội nếu họ thay đổi nhận thức. Vì vậy, ưu tiên hiện nay là cần nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường.
Trước đó, ngày 15/2, hàng nghìn học sinh trung học đã nghỉ học tập trung ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London. Đây là lần đầu tiên ở Anh diễn ra cuộc biểu tình của học sinh được tổ chức đồng bộ tại khoảng 60 thành phố và thị trấn trên toàn nước Anh từ Cornwall cho tới cao nguyên Scotland, yêu cầu các chính trị gia nước này cần có những hành động để đối phó với những vấn đề môi trường đang ngày một xấu đi tại nước này. Học sinh Anh đã kêu gọi chính phủ tuyên bố tình trạng khí hậu khẩn cấp, công khai tình trạng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sinh thái, trong khi đảm bảo những thay đổi nội dung giảng dạy về vấn đề môi trường cần được coi là ưu tiến hàng đầu trong giáo dục.
Phát biểu tại cuộc tuần hành ở London, bà Christiana Figueres, người từng là quan chức chống biến đổi khí hậu tại Liên hợp quốc và cũng là người đã dẫn dắt Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lịch sử, cho biết giới trẻ đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai của mình và họ tiến hành biểu tình để yêu cầu người lớn phải đưa ra những hành động nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Bà Figueres cho rằng cuộc biểu tình đã cho thấy người lớn đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước những tác động ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu.
Khoảng 11.000 thanh niên đã tham gia cuộc biểu tình lần này ở thủ đô Brussels. Cuộc tuần hành vì khí hậu bắt đầu cách đây 6 tuần với gần 1.000 người tham gia và đã tăng lên khoảng 35.000 người cách đây 2 tuần. Họ xuống đường để yêu cầu các giải pháp thay thế giúp ngăn chặn "hệ thống hủy hoại thiên nhiên" và hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức độ tiền công nghiệp. Các cuộc tuần hành đã tập trung vào biến đổi khí hậu như một điểm gây áp lực chính trị trước cuộc bầu cử tại các quốc gia và Liên minh châu Âu (EU).
Một cuộc tuần hành tương tự cũng đã được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp) trong nhiều ngày thứ 6 các tuần qua nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng biến đổi khí hậu và chống lãng phí thực phẩm. Đến nay, đã có tới 70.000 học sinh mỗi tuần tham gia tuần hành gửi đi cùng một thông điệp tại 270 thành phố, thị trấn trên toàn thế giới.