Cô đơn và nhớ nhà tiếp thêm sức mạnh cho du học sinh Việt

16/07/2016 - 00:00
Từ chỗ chỉ biết học và chơi, Nguyễn Ngọc Diệp (sinh viên trường Swarthmore College, Mỹ) đã phải tự xoay sở, vượt qua nỗi cô đơn, nhớ nhà, học cách ứng xử với những cú sốc văn hóa.
 Nguyễn Ngọc Diệp trưởng thành hơn sau những khó khăn - Ảnh: NVCC
Thách thức

Sát ngày bay, tôi và bố mẹ vô cùng lo lắng vì trước đó tôi chưa từng đi xa, thậm chí chưa từng đi máy bay. Quả thật, khi đặt chân đến một đất nước xa lạ, không gia đình, không bạn bè, có khá nhiều lo lắng và những vấn đề tôi phải tự mình giải quyết.

Từ khi bước chân qua cửa kiểm soát an ninh, tôi đã ý thức được, từ nay hầu hết mọi việc trong cuộc sống sẽ do mình tự sắp xếp, quản lý và chịu trách nhiệm. Ngay từ việc một mình bê vác hai kiện hành lý cồng kềnh từ sân bay về trường đã là một khó khăn. Rồi khi về đến trường, sắp xếp lại đồ đạc trong phòng, kê lại bàn ghế giường tủ, tự mình đi mua những đồ đạc cần thiết cho cả một học kỳ.

Ở Mỹ, hệ thống phương tiện công cộng khiến tôi và nhiều du học sinh Việt Nam bối rối. Tôi cũng khá lúng túng trước thủ tục giấy tờ phức tạp. Bản thân là người không giỏi quyết định, lần đầu tiên phải tự mình đưa ra mọi quyết định là điều không dễ dàng.

Múi giờ ở Mỹ lệch gần nửa ngày so với múi giờ ở Việt Nam, ngày thành đêm và ngược lại, nên riêng việc đi ngủ được vào buổi đêm và... tỉnh táo được vào ban ngày là thách thức lớn với tôi.

Tuy nhiên, bê vác đồ nhiều rồi cũng... khoẻ lên, mua bán nhiều rồi cũng học được cái gì nên mua, mua ở đâu thì rẻ, điền giấy tờ mãi rồi cũng thạo và đổi lịch sinh hoạt được vài ngày rồi cũng quen với múi giờ mới. Còn những thử thách về tinh thần mới thực sự gây khó khăn.

Sốc văn hóa

Ngày nhập trường, các bạn Mỹ và một số sinh viên quốc tế được bố mẹ “hộ tống” đến tận trường. Nhìn các bạn được cùng gia đình đi sắm sửa đồ đạc, được bố lắp hộ chiếc giá treo quần áo hay đặt hộ chiếc tủ lạnh, được mẹ bày biện giường ngủ, bàn học, gấp quần áo… khiến tôi cảm thấy tủi thân vì cô đơn và nhớ nhà.

Ở trường, tôi có thể chia sẻ, tìm sự đồng cảm với các sinh viên quốc tế, nhưng khi ra ngoài, tôi thấy rất lạc lõng. Mọi người đều giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác. Các biển tên đường, tên phố, cột đèn giao thông, biển số xe ô tô, sự biến mất hoàn toàn của bóng dáng những chiếc xe máy,… tất cả đều khiến tôi ý thức rõ ràng hơn mình đang ở một mình, ở nơi cách xa nhà nửa vòng trái đất.

Tuy nhiên, tôi không suy sụp trước những khó khăn đó. Bởi tôi nhận được vô vàn sự hỗ trợ từ nhà trường, thầy cô, bạn bè, và thậm chí cả những người xa lạ.

Tôi được một người không quen biết ở sân bay dùng xe của họ để chở giúp hàng hóa. Tuy đó là hành động nhỏ, tiền thuê chiếc xe chỉ vài đô nhưng làm tôi cảm thấy yên tâm và ấm áp hơn rất nhiều.

Ở trường, có cố vấn dành riêng cho học sinh quốc tế, có câu lạc bộ học sinh quốc tế, có những sinh viên khoá trên rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc hay mọi sự trợ giúp mà sinh viên quốc tế cần. Dù câu hỏi có hơi ngốc nghếch như cách sử dụng máy sấy quần áo hay phức tạp hơn là cách điền cả xấp giấy tờ để xin việc làm thêm, họ sẽ luôn tìm mọi cách để giải đáp và giúp đỡ bạn một cách rất nhiệt tình.

Ở câu lạc bộ học sinh quốc tế, mọi người được tạo cơ hội và thời gian để giao lưu với nhau, cùng nói về những khó khăn, trở ngại của mình. Để mỗi người nhận ra rằng mình không phải người duy nhất đang phải xoay sở với những khó khăn ấy và thấy đỡ cô đơn, lạc lõng hơn.

Sau tất cả mọi việc phải tự giải quyết, tự thích ứng với môi trường mới, tôi cảm thấy yên tâm và tự hào vì tôi đã trưởng thành hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm