pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có đúng là đại bàng phải tự đập gãy mỏ, bẻ móng năm 40 tuổi để có thể sống đến 70 tuổi?
Chắc hẳn chúng ta ít nhiều đã từng nghe qua một câu chuyện nói rằng tuổi thọ của đại bàng có thể lên tới 70 năm, nhưng khi đến 40 tuổi nó phải trải qua một quá trình rất đau đớn, đó là tự tái sinh. Bởi vì khi đại bàng 40 tuổi, móng vuốt của nó bắt đầu lão hóa và yếu đi, không còn khả năng tóm lấy con mồi, mỏ cũng trở nên dài và cong, gây trở ngại nghiêm trọng cho việc ăn uống, lông trên cánh mọc quá dày và nặng, khiến chúng khó có thể bay nhanh và bay cao lên không trung. Và chúng phải đứng giữa hai sự lựa chọn, một là chờ chết, hai là lựa chọn "niết bàn trùng sinh".
Lúc này, đại bàng sẽ bay đến một vách đá cao và dùng mỏ đập liên tục vào đá cho đến khi nó rụng đi và mọc mỏ mới, sau đó nó dùng mỏ lần lượt nhổ những chiếc lông và móng vuốt cũ ra và sau một thời gian, những chiếc lông và móng vuốt mới mọc ra, và đại bàng có thể được biến đổi và tái sinh. Sau khi quá trình biến đổi kéo dài 150 ngày này hoàn thành, chúng sẽ có thêm 30 năm tuổi thọ.
Câu chuyện này về loài đại bàng thực tế chỉ là một câu chuyện để truyền cảm hứng, hoàn toàn là do người ta bịa ra.
Trên thực tế, đại bàng là một loài chim săn mồi cỡ lớn thuộc bộ Ưng. Bộ này bao gồm 10 phân họ và khoảng hơn 200 loài chim săn mồi ban ngày, có kích thước từ nhỏ tới lớn, mỏ cong và khỏe, với hình thái thay đổi tùy theo kiểu thức ăn.
Cụ thể là phân họ ưng (60 loài), phân họ Elaninae (8 loài), phân họ Perninae (15 loài), phân họ Milvinae (10 loài), phân họ Buteoninae (53 loài), phân họ Circaetinae (37 loài), phân họ Haliaeetinae (10 loài), phân họ Aegypiinae - kền kền (15 loài), phân họ Circinae (13 loài) và phân họ Circaetinae (15 loài).
Và trong số tất cả những phân họ này, không có loài nào có thể sống đến năm 70 tuổi. Thay vào đó, hầu hết các loài chim lớn trong bộ Ưng chỉ có tuổi thọ khoảng 50 năm và ở môi trường tự nhiên, chúng rất khó để có thể sống đến năm 50 tuổi.
Goshawk là một loài chim ăn thịt cỡ vừa và nhỏ, sải cánh dài khoảng 1,3 mét, nặng 0,5-0,8 kg, thường được tìm thấy ở các khu rừng ôn đới và rừng băng giá ở Bắc bán cầu. Trong tự nhiên,tuổi thọ trung bình của chúng chỉ khoảng 11 năm và nó có thể sống đến 27 tuổi trong điều kiện nuôi nhốt
Kền kền hoang dã thường chỉ sống được 20 năm và một số ít có thể sống tới 39 năm; tuổi thọ trung bình của đại bàng hói hoang dã là khoảng 20 năm và con già nhất từng được ghi nhân là có thể sống 38 năm; đại bàng vàng cũng là một trong những loài chim ăn thịt có tuổi thọ tương đối dài ở môi trường tự nhiên, có những tài liệu ghi chép rõ ràng rằng loài đại bàng vàng hoang dã sống lâu nhất ở Bắc Mỹ, tuổi thọ của nó chỉ hơn 23 năm.
Ngoài ra, loài chim sống lâu nhất trên thế giới từng được ghi nhân là vẹt Kakapo hay còn gọi là vẹt cú, chúng có tuổi thọ trung bình là 60 năm.
Câu chuyện về sự tái sinh của loài đại bàng quả thực rất truyền cảm hứng. Nhưng việc đại bàng tự nhổ móng vuốt cũ và mỏ lão hóa để mọc ra những cái mới khỏe mạnh và sắc nhọn hơn thì lại là điều hoàn toàn phản khoa học.
Lý do chính là sự lão hóa, khi chúng già đi, các cơ quan khác như nội tạng, cơ bắp, và thần kinh hoặc bất cứ bộ phận nào trong cơ thể cũng đều lão hóa. Cũng như con người chúng ta, một ông lão 70 tuổi sẽ không thể thực hiện phẫu thuật căng da mặt.
Lão hóa tế bào là tổng hợp những thay đổi thoái hóa của tế bào theo tuổi của sinh vật. Nói một cách đơn giản, lão hóa tế bào là phổ biến và không thể đảo ngược. Theo thời gian, cơ thể sẽ trải qua những thay đổi lão hóa ở các cấp độ khác nhau, nghĩa là khi móng vuốt và mỏ của đại bàng đã lão hóa, chúng sẽ không thể sử dụng được nữa.
Ngoài ra sự phát triển của lông vũ, mỏ hay móng vuốt về cơ bản là do gen kiểm soát. Ngay cả khi một chiếc lông vũ mới mọc lên, độ dày, chiều dài và các khía cạnh khác của nó sẽ giống như chiếc lông vũ đã bị nhổ đi.
Đa số động vật đều có bản tính tìm cái lợi và tránh cái hại, bản chất tất cả mọi thứ đều là vì sinh tồn, chứ đừng nói đến việc phải tự hành hạ bản thân và không ăn không uống 150 ngày, chỉ cần nghĩ đến cũng không thể nào có chuyện như vậy xảy ra được.
Trong thực tế, cũng có một số con chim trưởng thành thực sự tự nhổ lông của chúng, nhưng hầu hết đều là do chúng bị bệnh. Ví dụ, một số con chim mắc chứng tự kỷ và trầm cảm đôi khi biểu hiện hành vi tự làm hại bản thân. Loại hành vi này tương đối hiếm ở động vật khi sống trong môi trường tự nhiên, nhưng nó lại phổ biến hơn ở những loài chim bị nuôi nhốt và có IQ cao hơn như loài vẹt.
Ngoài ra, lông có thể mọc lại sau khi bị nhổ, nhưng nếu mỏ bị gãy, nó sẽ không mọc lại được. Một số nhà bảo vệ động vật trên thế giới đã giải cứu rất nhiều loài chim, và rất nhiều trong số chúng vì một số lý do mà bị gãy mỏ nên con người đã phải gắn lại mỏ cho chúng bằng kim loại hoặc các chất liệu phù hợp khác.
Ví dụ, vào tháng 7/2016, một con sếu đầu đỏ đã bị vỡ mỏ vì đánh nhau trong sở thú, phần mỏ trên gần như bị gãy hoàn toàn và việc ăn uống trở nên vô cùng khó khăn. Do đó các nhân viên của sở thú đã phải làm một cái mỏ giả bằng hợp kim titan và tiến hành phẫu thuật nối lại mỏ cho nó.
Qua sự việc này, chúng ta có thể hiểu rằng nếu chiếc mỏ bị mất đi thì nó sẽ không còn nữa, nếu mỏ chim có thể tự dài ra và khôi phục hình dáng ban đầu thì loài người sẽ không phải mất công lắp chiếc mỏ giả cho con sếu đầu đỏ này.
Thực ra không chỉ có đại bàng, trong thực tế có rất nhiều câu chuyện được sáng tác dựa trên động vật, hầu hết đều phi lý và phản khoa học.