pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái câm điếc bị hiểu lầm trong cửa hàng KFC và câu chuyện phía sau hé lộ sự thật đáng suy ngẫm
Mới mấy ngày trước, tại cửa hàng KFC ở thành phố Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc), một người quay lại đoạn video thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Cô gái câm điếc ở cửa hàng KFC
Một cô gái đeo khẩu trang gọi video với bạn trai, cả quá trình không hề có một tiếng nói, chỉ có ngôn ngữ ký hiệu được thể hiện bằng đôi tay cực nhanh.
Người quay clip còn nghĩ rằng cô gái và người đàn ông bên kia đang thổ lộ tình cảm nên đã đính kèm nội dung khi đăng tải video: “Chỉ có tình yêu là không thể ngăn cách”.
Sau đó, trong phần bình luận có người hiểu được ngôn ngữ ký hiệu và đã dịch lại lời cô gái như sau:
“Tại sao không trả tiền? Rốt cuộc thì anh có trả hay không? Lúc mượn tiền thì nói ngon nói ngọt, hứa 2 tháng sau sẽ trả. Nhưng bây giờ lại nói thêm 2 tháng nữa. Tôi khinh anh”.
Thì ra đây không phải là cặp đôi yêu nhau, mà là câu chuyện của cô gái khiếm thính vì cuộc sống đang khó khăn nên phải hối thúc người đàn ông trả tiền cho mình.
Biết được chân tướng, có người liền cảm thán: “Cuộc cãi vã không hề phát ra tiếng động. Người tức giận chỉ muốn hét lên thật lớn. Qua đó mới thấy cô gái đã phải chịu đựng như thế nào”.
Trên nền tảng Zhihu từng có một câu hỏi: “Trung Quốc có hơn 85 triệu người khuyết tật, tương đương với việc cứ hễ 15 người lại có 1 người khuyết tật, nhưng vì sao tôi ra đường hiếm khi bắt gặp họ?”.
Một người trả lời: “Chúng ta như những con vật trong thế giới hoang dã ngoài kia. Song, có người là sư tử, có người là con dê. Không nếm được vị đắng của khổ cực không phải là lỗi của bạn, chỉ là bạn may mắn mà thôi! Nhưng dùng kiến thức của mình để phủ định nỗi khổ của người khác, hay giúp đỡ mà trên miệng vẫn nói lời cay nghiệt là bạn đang tạo nghiệp”.
Đối với người khuyết tật, họ cần được “nhìn thấy”, thấu hiểu và tôn trọng hơn cả sự đồng tình hay bố thí.
Cách thể hiện ngôn ngữ của người câm điếc khác người bình thường
Trên nền tảng RED (tương tự Instagram) có một bài đăng của cô gái “bóc phốt” shipper câm điếc vì đã nhắn tin thể hiện thái độ vô cùng khó chịu.
Anh shipper đã nhắn tin với loạt câu như: “Vui lòng trả lời”, “Trả cho tôi 27 tệ”, “Đơn số bao nhiêu, nhanh lên”, “Sao tôi không nhận được 27 tệ?”...
Trong phần bình luận, một giáo viên đừng dạy học ở trường dành cho người câm điếc lên tiếng phân trần:
“Cách biểu đạt ngôn ngữ của họ không giống người bình thường. Có thể diễn tả một câu đủ chủ ngữ và vị ngữ như vậy là quá giỏi rồi. Họ không thể sử dụng quá nhiều tính từ, ngữ khí hay kính ngữ. Vậy nên hãy thông cảm cho họ”.
Một người có em gái là người câm điếc cũng đứng ra lý giải: “Em gái tôi là người câm điếc. Cách sắp xếp trình tự câu từ của họ không giống chúng ta. Họ chỉ có thể cố gắng biểu đạt ý tứ, vào tai người nghe thì có lẽ sẽ hiểu khác đi khá nhiều”.
Thật vậy! Đối với người khiếm thính, nếu điều kiện gia đình khá giả thì từ nhỏ đã được sử dụng máy trợ thính, nhờ đó cách biểu đạt ngôn từ có thể giống với người bình thường hơn. Nhưng đây chỉ là thiểu số mà thôi.
Đa số người câm điếc sẽ thể hiện câu nói một cách trực tiếp. Logic của ngôn ngữ ký hiệu và nói chuyện đương nhiên khác nhau rất nhiều.
Với mong muốn hòa nhập vào thế giới, để người xung quanh hiểu được tiếng nói của mình, họ đã phải nỗ lực rất nhiều.
Cái chúng ta cho là chuyện bình thường, nhưng lại là sự khó khăn và tất cả với nhiều người.
Hãy bao dung với những số phận không được may mắn
Điều đáng tiếc là xã hội này có quá nhiều người phiến diện, dễ hiểu lầm, thậm chí là miệt thị với người tàn tật.
Cũng giống như sự việc mới diễn ra gần đây. Một cô gái đăng tải nội dung đánh giá chê bai thậm tệ dành cho shipper vì nghĩ rằng anh ta dùng tấm giấy chứng nhận khuyết tật để cô phải quyên tiền.
Mặc dù cô khẳng định bản thân không hề kỳ thị người câm điếc nhưng giọng điệu và cách hành văn của cô đầy sự miệt thị và phiến diện.
Thật ra, đây hoàn toàn là hiểu lầm. Chàng shipper câm điếc này được công ty làm cho tấm thẻ công việc thể hiện nội dung như sau:
“Xin chào, tôi là nhân viên shipper của Meituan. Vì tôi bị câm điếc nên không thể nói chuyện. Xin bạn vui lòng kiểm tra các món đã đủ chưa, đồng thời tiến hành đánh giá đơn hàng giúp tôi. Cảm ơn!”.
Vì không thể giao tiếp với khách hàng nên công ty đã làm như vậy để giúp công việc của shipper câm điếc được thuận lợi hơn.
Trên ứng dụng thể hiện đầy đủ hình ảnh, nhưng cô gái này không hề xem kỹ càng mà đã phán đoán shipper có ý xin tiền, còn tức giận đánh giá 1 sao rồi đăng tải trên mạng xã hội.
Cô gái này chỉ là một ví dụ trong nhóm người ngoài kia. Họ không thể đồng cảm với người khuyết tật, không biết hạ mình một chút để nhìn vào những số phận thiếu thốn hơn mình.
Cơ thể lành lặn là may mắn của bạn. Người tàn tật cũng cần được thế giới công nhận.
Vậy nên, khi gặp các anh shipper, bác rửa xe, cô lao công, nhân viên bán hàng, thậm chí là nhân viên tiệm cafe bị tàn tật, mong bạn hãy dành cho họ sự nhẫn nại và bao dung hơn một chút.
Không ai là ốc đảo cô đơn. Chúng ta là một quần thể rộng lớn. Chỉ là sự tồn tại này có được tìm thấy hay không mà thôi!
(Nguồn: Zhihu)