Cô gái dân tộc Hà Nhì tiên phong xóa mù chữ và tập tục lạc hậu

28/08/2019 - 10:50
Là người phụ nữ đầu tiên của xã Nậm Pung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) có bằng đại học, đảng viên trẻ Cao Xê Mẩy (dân tộc Hà Nhì) đã tiên phong trong các phong trào phụ nữ, xóa mù chữ ở vùng cao và giữ gìn bản sắc dân tộc.

Quyết học đại học để thay đổi cuộc sống 

Nhà nghèo, bố mất sớm, Mẩy chỉ có mẹ là nơi nương tựa, cuộc sống hai mẹ con quanh quẩn với nương rẫy. Năm lên lớp 4, Mẩy được theo học tại trường nội trú của huyện Bát Xát, rồi Mẩy chuyển đến trường THPT nội trú tỉnh Lào Cai. Tốt nghiệp cấp 3, Mẩy mong muốn được học đại học. Nhưng gia đình nghèo, nhà chỉ có 2 mẹ con, mà quan niệm của người dân tộc Hà Nhì là phụ nữ không có quyền đi học, chỉ ở nhà làm nương, lấy chồng, sinh con. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng, tiếng gọi của tương lai vẫn thôi thúc Mẩy. Cô gái Hà Nhì quyết định làm hồ sơ dự tuyển vào trường Đại học Văn hóa.

 

may-copy.jpg
Đảng viên trẻ Cao Xê Mẩy đã tiên phong trong các phong trào phụ nữ, xóa mù chữ ở vùng cao và giữ gìn bản sắc dân tộc.

 

Trúng tuyển nhưng Mẩy lại phải đối mặt với nỗi lo không có tiền đi học. Cô kể: “Hồi đó mình rất hoang mang vì là người dân tộc vùng cao, xuống thành phố chẳng biết có thích nghi được không. Nhưng cũng thật may khi mình thuộc diện được miễn học phí tại trường. Còn tiền sinh hoạt để sống ở Hà Nội thì mình đánh liều, nhờ một chị người quen ở Hà Nội nhận làm giúp việc”.

 

Nhưng làm giúp việc với mức lương thấp, phải di chuyển bằng xe bus mà Mẩy lại bị say xe nên cô không trụ được lâu. Cô xin nghỉ và đi tìm việc mới. Sau đó, Mẩy xin được việc làm thêm ở quán cơm gần trường với mức lương 800 ngàn đồng/tháng để tiếp tục tằn tiện học ở Hà Nội.

 

“Nhớ mẹ, nhớ rừng nhưng một năm mình mới dám về thăm mẹ một lần vào dịp Tết, vì không có tiền. Dù biết mẹ ở nhà một mình, già yếu không ai chăm sóc nhưng vì tương lai nên mình quyết tâm không bỏ cuộc”, Mẩy nhớ lại những tháng ngày khốn khó.

 

Tốt nghiệp đại học năm 2015, Mẩy về quê và được chính quyền xã tin tưởng, giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Pung. Cùng năm đó, Mẩy được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã cho đến nay. Năm 2017, Mẩy được kết nạp Đảng. “Là một phụ nữ dân tộc Hà Nhì được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mình rất tự hào và hứa sẽ luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đối với người dân, với xã và Chi bộ”, Mẩy xúc động chia sẻ.

 

Xóa mù chữ, bài trừ các tập tục lạc hậu 

Là người nhiệt huyết trong công tác phụ nữ, Mẩy luôn mong muốn giúp những chị em phụ nữ ở địa phương biết chữ, nâng cao kiến thức, để có cơ hội tiếp xúc sâu rộng hơn với xã hội, đặc biệt là giao lưu văn hóa đối với những người dân từ nơi khác đến. Hiểu được giá trị của việc có kiến thức, Mẩy vận động để ngày càng có nhiều phụ nữ Hà Nhì biết đọc, biết viết.

 

Trong những năm qua, cô đã góp sức với địa phương mở các lớp xóa mù chữ cho các chị em bản địa. Mỗi năm mở 1-2 lớp, hiện nay đã có 5 lớp xóa mù với khoảng hơn 40 học viên từ 18 đến 50 tuổi. Việc vận động những người 40-50 tuổi đi học không phải dễ dàng, song Mẩy đã thuyết phục được họ đến lớp để cầm cây bút và đọc những chữ cái đầu tiên - đó là niềm vui cũng là sự tự hào của Mẩy.

 

“Ở Nậm Pung vẫn còn những nơi không có đường bê tông nên người dân không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, nhận thức cũng còn hạn chế. Vì vậy, việc học chữ vô cùng quan trọng, vì không biết chữ cũng đồng nghĩa với việc mù thông tin”, Mẩy cho biết.

 

Không chỉ giúp xóa mù, phát triển văn hóa cho xã, cô còn tích cực vận động người dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như trường hợp những cô gái có thai ngoài ý muốn khi chưa kết hôn thì phải vào rừng đẻ con, bất kể mưa gió, việc đó rất nguy hiểm. Ngoài ra, Mẩy đã vận động được nhiều hộ gia đình không sinh con tại nhà theo tục của người dân tộc thiểu số mà đến trạm xá hoặc bệnh viện.

 

Mẩy chia sẻ: “Trước kia, người dân thường tính giờ, ngày, tháng để làm đám ma cho nên nhiều người thân để người chết đến vài tuần mới đem chôn. Nhưng hiện nay, sau khi được vận động, người dân đã không để thi thể quá 48 tiếng trong nhà. Cách làm lễ cũng hợp lý, khoa học, không rườm rà như trước nữa”.

 

Còn một tục nữa mà cô cũng quyết tâm vận động đẩy lùi, đó là việc coi nhẹ phụ nữ. Ví dụ trong gia đình, con dâu không được ăn cơm chung với bố chồng và anh chồng. Việc nặng do phụ nữ gánh vác như đi lấy củi, làm nương, làm ruộng, trồng rau, làm việc nhà, sinh con đẻ cái, chăm con... “Phụ nữ cần được bình đẳng, có như vậy cuộc sống mới hạnh phúc, mới thoát khỏi đói nghèo”, Mẩy khẳng định.

 

Động lực của Mẩy chính là 2 cậu con trai và người chồng cũng là cán bộ xã, rất thấu hiểu và cảm thông với công việc vất vả của vợ. Anh luôn ủng hộ, động viên vợ hoàn thành nhiệm vụ.

 

Không chỉ tích cực trong các công tác của Hội LHPN xã Nậm Pung, Cao Xê Mẩy còn phối hợp với Ban Văn hóa xã quảng bá, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc người Hà Nhì cũng như các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Cô đã cùng các cấp ngành văn hóa huyện Bát Xát thực hiện các chương trình văn hóa, lễ hội, tái hiện những bản sắc đặc trưng như thổi sáo, nhị, nhảy vòng trong dịp Tết của người Hà Nhì hay Tết Khu già già, Tết mổ trâu...

 

“Hy vọng rằng các chương trình sẽ giúp cho thế hệ sau biết lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc”, Mẩy chia sẻ.

 

Vất vả là thế nhưng nhiệt huyết với phong trào phụ nữ, với cộng đồng của cô chưa bao giờ vơi cạn. Gia đình, người thân, đặc biệt là người mẹ già luôn tự hào về cô - người con Hà Nhì vững gan, bền chí, quyết tâm bài trừ hủ tục, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm