pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái Ninh Bình từng chinh phục cả 3 "ông lớn công nghệ" Microsoft, Facebook và Google tiết lộ bí quyết
Nhắc tới một trong những cộng đồng cung cấp thông tin miễn phí chương trình học bổng, du học ngắn và dài hạn cho học sinh Việt Nam và nước ngoài thu hút thành viên hiện nay, chắc hẳn không thể bỏ qua Scholarship for Vietnamese students.
Đứng sau cộng đồng với gần 400.000 thành viên là cô gái đến từ Ninh Bình, Đinh Thị Thanh Hoa (Hoa Dinh hay Hannah Dinh), một cái tên khá quen thuộc với những câu chuyện thành công truyền cảm hứng. Trong gần 10 năm qua, cô đã đồng hành, hỗ trợ hàng nghìn bạn học sinh vươn tới ước mơ học bổng qua các chương trình Mentor và lớp học bổng của Scholarship for Vietnamese students.
Câu chuyện về hành trình săn học bổng dài hơi, sau đó được 3 ông lớn công nghệ Microsoft, Facebook và Google tuyển dụng của Hoa Dinh từng được chia sẻ và tạo hiệu ứng tích cực. Nhưng con đường đến thành công hiện tại của cô gái này không trải đầy hoa hồng. Hoa Dinh từng trải qua quãng thời gian 2 năm săn học bổng với hơn 10 lần háo hức hy vọng để rồi thất vọng vì... trượt.
Tuy vậy, khát khao chinh phục học bổng của cô gái "con nhà nghèo" này luôn cháy bỏng. Suốt 2 năm săn học bổng, Hoa phải làm thêm đủ nghề để duy trì cuộc sống trong khi bạn bè cùng trang lứa có công việc ổn định, mức lương cao. Sau những nỗ lực bền bỉ, cô chinh phục được suất học bổng toàn phần tại trường Đại học Waikato trị giá gần 2 tỷ đồng.
Khi "con nhà nghèo" muốn đi du học
"Nhà nghèo" được xem là một thiệt thòi, thế nhưng, khó khăn cũng chính là động lực thúc đẩy con người ta đi nhanh hơn, quyết tâm hơn.
Với trường hợp của Hoa Dinh, từ hồi cấp 3, cô cũng giống rất nhiều bạn có ước mơ đi du học. Phấn đấu học hành ngày đêm, điểm GPA của Hoa lúc nào cũng top lớp/trường, có đủ cả giải HSG, các học bổng/giấy khen của tỉnh/các công ty cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Rõ ràng là rất có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn.
"Giàu nghèo đúng là định nghĩa của từng người, không biết các bạn sẽ định nghĩa như thế nào, nhà mình tình hình hồi đó như thế này: Mẹ là người duy nhất lo tài chính cho gia đình, thu nhập chưa đến 15-20triệu đồng/tháng, chi tiêu cho 2 con ăn học, rồi ma chay cưới hỏi đủ thứ phải lo. Chưa tiết kiệm được 100-500triệu đồng/năm như nhiều bạn bây giờ; Không có mảnh đất nào để bán lấy mấy tỷ; Không có cô dì chú bác đang định cư ở nước ngoài hỗ trợ thêm hoặc ở Việt Nam dư dả nhiều đề cho vay đi du học.
Có khi xin tiền học thêm hồi cấp 3 mẹ cứ lần lữa, có tháng lấy đồ từ xe khách mẹ gửi lên Hà Nội hồi Đại học có 2 triệu mẹ vùi tiền trong bao gạo cho cả ăn ở chi tiêu, mình không than vãn, không nằng nặc đòi đi du học vì mình hiểu hoàn cảnh gia đình. Mình luôn tâm niệm "nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống thì không ai bằng mình", được đi học đầy đủ đã là may mắn rồi. Nhà chưa có điều kiện, nhưng ước mơ đi du học của mình không bao giờ tắt", cô gái Ninh Bình chia sẻ.
Và để hiện thực hóa ước mơ "con nhà nghèo du học", Hoa Dinh đã có kế hoạch rõ ràng, từ xác định chiến lược đến apply phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình:
1. Xác định chiến lược xin học bổng
Những năm đầu vào Ngoại thương theo Hoa vô cùng áp lực. "Lớp mình lớp thường thôi không phải CLC gì mà lâu lâu lại có bạn đi học học bổng chính phủ Sing, chính phủ Hàn (bạn thân mình luôn) - đều là học bổng full cho bậc Đại học. Mình thì ú ớ có giấc mơ mà thực ra là chưa hiểu hay chuẩn bị gì hết", Hoa nói.
Vậy chiến lược của cô là:
- Xác định xin các học bổng TOÀN PHẦN bao cả ăn ở, học phí, đi lại, visa. (Sau này học bổng Hoa nhận được còn cho cả tiền ổn định cuộc sống như mua đồ đạc, sách vở, tiền làm luận văn... Hoa tiêu không hết mà còn để dành).
- Hoa cũng không vội đi luôn bậc ĐẠI HỌC mà sẽ tìm kiếm cơ hội đi trao đổi và tập trung xin bậc THẠC SĨ vì có rất nhiều học bổng toàn phần bậc này. (Bậc ĐH cũng có học bổng toàn phần nhưng ít hơn).
- Hoa cũng không giới hạn quốc gia, trường, không nhất thiết cứ phải Mỹ, hay Anh. Thời gian đó, Hoa apply rải khắp châu Âu, các trường ở Hà Lan, Ý fully-funded, châu Úc như New Zealand thì chi phí rẻ hơn một chút.
2. Apply học bổng kiểu... con nhà nghèo
Theo Hoa, ngoài những phần xác định tư tưởng, chiến lược, lúc chạm đến thực tế "phũ phàng" cần tiền để làm hồ sơ các chi phí apply thì làm thế nào?
Kiếm tiền ở đâu ra? Trong suốt 4 năm đại học, Hoa làm gia sư dạy tiếng Anh. "Mình nhớ đợt sát năm cuối có một gia đình học sinh thay vì trả tiền hàng tuần thì trả luôn trước mấy tháng, mình mừng quá và dành số tiền đó để đăng ký học thêm 1 khóa IELTS tầm 6 triệu. Năm cuối mình có đi thực tập ở PwC 3 tháng được trả lương 3 triệu/tháng. Tiền này một phần mình dành đăng ký thi IELTS & GMAT. Mình cũng có học bổng Citibank & 1 số học bổng của trường Ngoại thương", Hoa chia sẻ.
Tiết kiệm khi apply: Với IELTS Hoa đi học thêm còn GMAT cô tự học và học nhóm với các bạn trong công ty. Các học bổng toàn phần hầu như cô đều "nhắm" không có application fee (phí nộp đơn). Với các trường có fee, Hoa hay đi "lân la" gặp văn phòng đại diện tại Việt Nam, và tham gia các event hội thảo du học để xin miễn phí.
Giấy tờ dịch công chứng thì thay vì mang hết ra hàng dịch, cái nào của trường Hoa mang lên trường, cái nào song ngữ cô mang lên phường; cái nào họ cho tự dịch thì Hoa tự dịch rồi xin dấu. Lúc chọn hàng để xin dấu cũng tìm chọn chỗ nào rẻ quanh quanh khu Cầu Giấy. Đúng chất sinh viên nghèo tiết kiệm được 5-10 nghìn 1 trang cũng rất quý.
Sau một năm apply, Hoa đã có học bổng toàn phần đi học, gia đình không phải lo gì. Hơn chục năm qua đồng hành cùng nhiều học sinh, sinh viên, Hoa cũng chứng kiến nhiều bạn chưa có điều kiện tài chính xin được học bổng cao.
Cô nói thêm: "Các bạn mơ đi du học thì cứ mơ, bởi giấc mơ là của chính mình. Nghèo vẫn được, giàu lại đi càng dễ. Tuy nhiên mơ là một chuyện, nghĩ là một chuyện, thậm chí viết ra kế hoạch, chiến lược là một chuyện nhưng các bạn có thực sự bỏ thời gian (có khi là hàng năm trời mới được), công sức, nhiều khi mồ hôi, nước mắt vào việc này không. Tài chính ít, xin học bổng cao cần phải rất nghiêm túc khi apply.
Lựa cơm gắp mắm, xem châu lục nào, nước nào, ngành nào, bậc học nào phù hợp với điều kiện tài chính, năng lực bản thân, định hướng tương lai (ví dụ cùng bậc ĐH Mỹ, UK đắt, Châu Á lại có học bổng toàn phần; cùng đi học nhưng ĐH 4 năm tốn hơn, ít học bổng, Thạc sĩ 1-2 năm nhiều học bổng)".