Cô gái viết bằng 1 ngón tay tặng sách cho các trại giam

22/07/2019 - 14:42
Trần Trà My đang có hành trình tuyệt vời: mang cuốn sách "Tin vào điều tử tế" của cô tới các trại giam trên toàn quốc. Nữ nhà văn khuyết tật mong muốn chia sẻ những điều tốt đẹp đến với nhiều cảnh đời!

Tin vào điều tử tế

Cụm từ “Tin vào điều tử tế” mà Trần Trà My tin rằng, qua sự nỗ lực của cô, sẽ đến được với nhiều người. Trần Trà My sinh năm 1986 tại Quảng Trị. Sau 1 lần bị sốt cao co giật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương khớp của cô bé. Chân của My bị liệt, các ngón tay cũng không hoạt động được, chỉ có duy nhất 1 ngón tay nhanh nhẹn bình thường, việc khó phát âm khiến giọng nói của My cũng không được tròn trịa. Tuổi thơ của cô bé My là những ngày ngập nước mắt vì không được vui chơi như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng càng lớn, Trần Trà My càng hiểu hơn chuyện đời. Cô sống lạc quan, vui vẻ và xinh đẹp. “Tin vào điều tử tế” là cuốn sách thứ 4 của nữ nhà văn có số phận đặc biệt này.

 

my-1.jpg
Trần Trà My - cô gái viết văn bằng 1 ngón tay. Ảnh: Minh Tuấn

 

Để có chất liệu viết “Tin vào điều tử tế”, My di chuyển nhiều nơi trên khắp đất nước, cùng với sự trợ giúp của chiếc xe dành cho người khuyết tật mà cô đã đặt mua ở nước ngoài. Với người có đôi chân lành lặn, việc di chuyển như vậy còn vô cùng khó khăn, huống chi là My. Cô gái đi tới đâu, gặp gỡ và ghi chép nhiều tư liệu, My quan tâm tới các vấn đề xã hội, chắt lọc và viết lại. Sau nhiều lần sửa chữa bản thảo, Trần Trà My đã có dữ liệu như ý, nhưng cô lại phải đối mặt với chuyện khốc liệt của “cơm áo không đùa với khách thơ”. Đầu tiên là việc in ấn và nhuận bút. Nghề viết, nhuận bút là việc… đau đầu. Sự khiêm tốn của số tiền nhận được không đủ chi phí đã bỏ ra cho việc đi lại, khiến Trần Trà My phải suy nghĩ. Cô quyết định tự bỏ tiền in sách và tự phát hành. Nhưng kinh phí ở đâu ra và thực hiện ra sao khi My đang tay trắng, sống xa gia đình, 1 mình tự nuôi thân tại Sài Gòn?!

Những “chuyện thường tình” ấy không dễ gì vượt qua, khiến nữ nhà văn trẻ bị áp lực tinh thần lớn. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và cách bán sách trước qua trang cá nhân, Trần Trà My có được đủ tiền in sách. Năm 2018, My liều in số lượng 5 ngàn cuốn và nghĩ, chắc phải bán dài dài mới hết được số sách này. Nhưng không ngờ, “Tin vào điều tử tế” với cách chọn loại giấy màu sẫm, hình thức nổi bật khi đưa lên kệ sách, đã trở thành cuốn sách được nhiều bạn đọc chọn lựa. “Điều quan trọng, tôi muốn tác phẩm tồn tại lâu dài theo thời gian, vì điều tử tế thì ở bất kỳ thời đại nào cũng cần được gìn giữ và trân trọng”, Trần Trà My chia sẻ.

 

my-3.jpg
Cuốn sách "Tin vào điều tử tế" của Trần Trà My
 

Không mỏi mệt!

Nói về cuộc sống hiện tại, nữ nhà văn khuyết tật cho biết, cô vẫn di chuyển không ngừng khắp các tỉnh thành trên cả nước để giao lưu tại các trường học, trại giam, bạn đọc. Công việc chính của cô là đi tìm người kết nối để sách tới được các trại giam. My nói: “Đưa sách vào trại giam và tới đây giao lưu, là ước mơ từ lâu của tôi. Trong trại giam là các đối tượng đặc biệt và luôn bị xã hội lên án. Thay vì hỏi xem lý do gì khiến họ trở thành kẻ phạm tội, thì chúng ta lại chỉ lên án họ. Khi viết “Tin vào điều tử tế, tôi có chia sẻ dự định đem sách vào trại giam và bị phản đối nhiều. Ai cũng bảo khó lắm. Mà quả thật khó thật khi gặp vài anh chị quản lý trại giam tư duy chưa cởi mở thì đành chào thua ra về. Còn lại đa số các trại giam trên cả nước đều rất hoan nghênh. Có nhiều trại giam họ mừng lắm, vì họ rất cần cho phạm nhân đọc sách, để giúp phạm nhân cải tạo tốt”.

 

my-2.jpg
 

Hiện, Trần Trà My đã tặng được 13 tủ sách cho 13 trại giam trên cả nước. Trong thời gian sắp tới, cô cho biết sẽ tập trung viết cho xong cuốn tự truyện về 1 nhân vật đặc biệt, người được giới truyền thông Việt Nam gọi là “giáo sư quần đùi”. Bên cạnh đó, My luôn ấp ủ cơ hội được làm người mẫu ảnh. Cô có nhiều bộ hình được bạn bè hỗ trợ chụp để thể hiện thần thái tự tin, truyền cảm hứng của người khuyết tật. Ngoài ra, Trần Trà My còn đi học các khóa học tâm lý để phát triển bản thân. Hàng ngày, nếu không có việc rời khỏi nhà, My sẽ đọc sách để bổ sung thêm nhiều kiến thức. “Phụ nữ ngoài 30 tuổi thì ngoài việc chăm sóc hình thức, vẫn cần lo đầu tư tâm hồn. Tôi đã ở giai đoạn hết muốn làm tóc xanh, tóc đỏ rồi. Tôi chỉ mong được học và được trải nghiệm cuộc sống”, nữ nhà văn viết bằng 1 ngón tay cho biết.

Nhà văn Trần Trà My là 1 trong số những nhân vật được L'Oréal vinh danh là người đẹp có câu chuyện đẹp và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng qua chương trình tôn vinh nét đẹp phụ nữ "L'Oréal - Tỏa sáng nét đẹp riêng".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm