Cô gái xứ Nghệ bỏ thủ đô về quê thực hiện dự án sách giáo khoa tái chế từ... rác

03/12/2018 - 10:59
Đang có một công việc ổn định với mức thu nhập mà nhiều người mơ ước, thế nhưng Lê Thị Khởi quyết định về quê nghèo lập nghiệp từ những phế liệu giấy bỏ đi.
Tuổi thơ nhiều sóng gió
Ngôi nhà cấp 4, nằm sát đường tàu quanh năm ồn ã là nơi khởi nghiệp của Khởi. Trong gian nhà ấy, dường như không có nhiều tiếng cười khi chỉ có những người phụ nữ nương tựa vào nhau. Khởi là con duy nhất trong gia đình.

Lê Thị Khởi bỏ công việc ổn định để về quê khởi nghiệp bằng rác thải.

Trong mớ hỗn độn giấy tờ tái chế ấy, ít ai biết cô gái nhỏ nhắn này mang bệnh tim trong người, bao nhiêu lần phải vượt qua những ca phẫu thuật sinh tử. Khi sinh Khởi, mẹ của Khởi đã 37 tuổi, tật nguyền và là gái lỡ thì nên từ nhỏ đến lớn Khởi chưa từng biết bố mình là ai. Khởi chỉ biết, ngay khi mẹ sinh, cô bị tím tái và rơi vào tình trạng chết lâm sàng.
Lớn lên, Khởi theo học khoa Biên kịch trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Vừa tốt nghiệp, nữ sinh Lê Thị Khởi mang mơ ước được trải nghiệm với nghề, dự định làm nhiều việc và kiếm tiền về phụ giúp người mẹ tật nguyền ở quê nhà thì bất ngờ phải nhập viện để điều trị bệnh tim tái phát.
“Đang khỏe mạnh bình thường, bỗng dưng một ngày chân tay tôi dường như tê liệt, người luôn cảm giác mệt mỏi và mất sức nên quyết định đi khám. Không ngờ các bác sĩ cho hay vì tim của tôi đã suy yếu nên phải nhập viện lập tức, nếu không từ nay sẽ chẳng bao giờ chạy nhảy được nữa”, Khởi nhớ lại những ngày sóng gió.
xng-sn-xut-ca-khi-hin-to-vic-lm-cho-nhng-ngi-khuyt-tt.jpg
Xưởng sản xuất của Khởi hiện đã tạo việc làm cho những người khuyết tật.
Gần 1 năm một mình ra vào và nằm viện điều trị bệnh là quãng thời gian không êm đềm nhất trong cuộc đời của Lê Thị Khởi. Có nhiều lúc sức khỏe yếu đến nỗi chị không thể tự đi vệ sinh mà phải nhờ người thân bệnh nhân hoặc y tá bế vào. Mẹ không đi lại được nên cũng không thể ra chăm sóc, một mình Khởi bơ vơ lạc lõng giữa bệnh viện.
“Có những lúc tưởng chừng như tôi suy sụp hoàn toàn và muốn bỏ cuộc. Tôi đã khóc rất nhiều, lắm lúc nghĩ rằng cũng là một con người nhưng tại sao cuộc đời mình lại bất hạnh đến tột cùng như vậy.
Nhưng rồi nghĩ lại, ngoài kia biết bao mảnh đời còn bất hạnh hơn tôi. Họ không nhà, không cửa, không người thân, có những người còn không tay, không chân… mà họ vẫn cười mỗi ngày với cuộc sống. Còn tôi, dù bất hạnh nhưng vẫn còn rất may mắn, còn có đôi chân, bàn tay, còn có đầu óc minh mẫn, lại được ăn học đàng hoàng thì tại sao phải đầu hàng số phận”, mắt Khởi ánh lên niềm tin.
Ý chí sống mạnh mẽ đó giúp Khởi vượt qua ca phẫu thuật kéo dài hàng chục giờ đồng hồ, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết.
Những cuốn sách được tái chế từ… rác
Được trở lại cuộc sống bình thường, Khởi bắt đầu thay đổi nhận thức và suy nghĩ nhiều hơn về ước mơ của mình.
47384232_2119683251428726_4168163944273281024_n.jpg
Hàng ngày, các anh các chị đến và được Khởi chỉ dẫn để cắt, dán bìa sách.
“Thực ra tôi ấp ủ ý định này từ lâu lắm rồi. Trước đây khi còn bé, tôi thường qua một gia đình cô chú hàng xóm. Nhà cô chú ấy có 4 người bị di chứng chất độc màu da cam. Các anh chị ấy không làm được gì cả, chỉ ngồi cắt giấy, dán rồi vứt đi. Lúc đó tôi suy nghĩ, nếu như cứ làm rồi vứt đi thì thật vô nghĩa, và tôi đã nảy sinh ý tưởng thu gom giấy loại, rác tái chế sử dụng, sản phẩm vừa mang tính giáo dục cao, lại có thể tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng…”, Khởi trầm ngâm.
Khát khao như vậy, nên dù đã có một công việc quản lý khá ổn định ở Hà Nội, Khởi vẫn quyết định làm lại từ đầu bằng dự án “Sản xuất sách giáo dục, sách truyện dành cho thiếu nhi từ 2 đến 10 tuổi từ vật liệu tái chế bằng phương pháp thủ công”.
nhng-cun-sch-gio-dc-dnh-cho-thiu-nhi-c-khi-thc-hin-t-t-ph-liu.jpg
Những cuốn sách giáo dục dành cho thiếu nhi được Khởi thực hiện từ phế liệu.
Đây là ý tưởng được Khởi manh nha từ năm 2013, khi em đang làm việc tại một trường mầm non Quốc tế. Nhưng phải đến năm 2017, em mới bắt tay vào thực hiện sau khi đạt giải Nhất phần thuyết trình tại Hội nghị YSEALY do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.
Chia sẻ về kế hoạch của mình, Khởi hào hứng cho biết: “Hiện, trên thị trường có khá nhiều sản phẩm sách truyện dành cho thiếu nhi, nhưng phần lớn được làm từ vật liệu tái chế công nghiệp. Vì vậy, tôi muốn sản xuất ra một dòng sản phẩm đặc biệt với những cuốn sách được làm bằng phương pháp thủ công”.
Điều Khởi muốn gửi gắm là khi cầm các cuốn sách ấy trên tay, những đứa trẻ ngoài việc học hỏi tiếp thu kiến thức cơ bản, thì có thể nhận thức giá trị nhân văn cao cả được truyền tải trong từng cuốn sách, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
47378586_395867681210793_2369426297769164800_n.jpg
Khởi tại Hội nghị YSEALY do Đại sứ quán Mỹ tổ chức
Khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, trong tay Khởi chỉ có vỏn vẹn gần 100 triệu đồng, là tiền bán một phần đất vườn của gia đình. Số tiền này, Khởi dùng để mua máy in màu, máy xách tay và nguyên vật liệu. Lao động trong cơ sở của Khởi đều là người kém may mắn, trong đó có 2 người đang phải sống bằng tiền trợ cấp tàn tật. Hàng ngày, các anh các chị đến và được Khởi chỉ dẫn để cắt, dán bìa sách. Riêng việc trang trí trong các cuốn sách theo từng chủ đề, chủ điểm do Khởi trực tiếp thiết kế và trình bày.
Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện, Khởi tâm sự: Gần 5 năm ra trường, toàn bộ tiền tiết kiệm em chủ yếu dùng để chữa bệnh cho hai mẹ con. Vì vậy, khi thấy em bán đất để làm sách, nhiều người bảo em khùng, đầu tư cho một kế hoạch không có tương lai. Tuy nhiên, mẹ em  lại đặt trọn niềm tin vào em và đó là động lực để em không cho phép mình thất bại…
Một điều tích cực khác cũng giúp Khởi tự tin vào kế hoạch của mình là sự hỗ trợ từ bà con lối xóm và các tổ chức đoàn thể. Như tại thời điểm này, khi biết Khởi làm sách từ phế liệu nên mỗi khi có sách, báo và bìa cũ mọi người lại tập hợp để đem cho Khởi sử dụng. Nhiều người tự nguyện xin làm cho Khởi dù biết mức lương chả đáng là bao…
Các cuốn sách được trình bày bằng tiếng Anh kèm theo minh họa là những hình ảnh được cắt từ các loại giấy phế liệu. Với cách làm thủ công này thì mỗi cuốn sách đều rất độc đáo và không hề giống nhau.
Qua gần 1 năm đi vào thực hiện ý tưởng dự án tái chế phế liệu thành sách, những cuốn sách đầu tiên được cắt dán từ phế liệu đã hoàn thành với nhiều nội dung khác nhau. Đây cũng là ý tưởng đã được Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp để khởi nghiệp. Khởi dự kiến sau khi hoàn thiện, Khởi sẽ tổ chức các cuộc triển lãm để giới thiệu, quảng bá và dự kiến những năm đầu tiên sẽ thông qua các tổ chức phi chính phủ để quảng bá tại nước ngoài.
“Khó khăn vẫn còn nhiều lắm nhưng tôi tin vào quyết định của chính mình”, Khởi hy vọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm