Vượt suối, băng rừng chân không mỏi
Nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Thuận (Hàm Yên), nhiều học sinh và cả phụ huynh đều cảm phục. Trước đây, cô Trang đã có hàng chục năm dạy học ở các điểm trường ở khắp các thôn, bản xa trong xã. Nơi nào cô đi qua cũng đều để lại nhiều sự yêu thương và tình cảm trân quý của các thế hệ học trò.
Dạy học ở các điểm trường xa như Cao Đường, Lục Khang, Hao Bó..., cô Trang thường phải đến tận nhà dân để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Dù chẳng dư dả gì nhưng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô lại gom góp đùm bọc, tặng sách vở, quần áo tiếp sức giúp các em tới trường.
Đến tận bây giờ sau nhiều năm công tác, cô vẫn nhớ như in chuyện cậu học trò dân tộc Dao Lý Văn Quyết ở điểm trường thôn Hao Bó, đi học trở lại sau 2 lần bỏ học và 3 lần được cô vận động. Hôm ấy không thấy học trò đến, cô sốt ruột lắm nên ngay buổi chiều đã lội suối, vượt núi đến tận nhà học sinh để tìm hiểu nguyên nhân. Lần trước, Quyết đã nghỉ học để lên nương nhưng được cô vận động, em đã quay lại trường; còn lần này vì gia đình khó khăn nên em kiên quyết nghỉ học. Biết nếu lại đến một mình sẽ không hiệu quả, cô tìm đến nhờ cán bộ thôn đi cùng để tuyên truyền, vận động. Cô Trang tâm sự, mỗi lần vận động được học trò đến lớp cô vui lắm, đó như là sự đền đáp cho những ngày tháng vất vả, khó khăn bám bản bám trường nơi heo hút núi rừng.
Cậu học trò năm xưa Lý Văn Quyết giờ đã trở thành Xã đội trưởng xã Yên Thuận. Nhắc lại chuyện cũ, Lý Văn Quyết vẫn bùi ngùi xúc động. “Nếu không có cô Trang đỡ đầu thì tôi khó có thể trở thành người có ích cho xã hội, bản làng như hôm nay. Nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn bởi hầu hết học sinh vùng cao lúc bấy giờ có hoàn cảnh khó khăn đều muốn nghỉ học để đỡ đần gia đình chứ không ai nghĩ xa, trông rộng rằng học sẽ cho mang đến tri thức và giúp thắp sáng những ước mơ”.
Chắp cánh những ước mơ
Những năm tháng mới ra trường (1993) đường đến với xã vùng cao Yên Thuận còn khó khăn gấp bội so với hiện nay. Để đến được điểm trường chính từ nhà ở thị trấn Tân Yên (Hàm Yên), cô Trang phải bắt xe khách lên tận thị trấn Vĩnh Tuy (Hà Giang), sau đó đi thuyền ngược sông hơn một tiếng đồng hồ đến đất Yên Thuận. Tiếp đến phải đi bộ hơn 2 km đường rừng nữa. Ngày ấy, điểm trường chính chỉ là dãy nhà tạm lụp sụp, mỗi giáo viên ở một góc bạt với “3 không” (không điện, không nước và không có bàn làm việc), bàn ghế trong lớp học được xếp bằng đá với những thanh tre bắc ngang. Ban ngày, cô Trang dạy trẻ vùng cao học chữ, buổi đêm cô tham gia dạy các lớp xoá mù chữ cho người dân trên địa bàn xã. Ông Đặng Văn Nguyên, Phó trưởng thôn Cao Đường, người từng tham gia lớp “Bình dân học vụ” do cô Trang phụ trách chia sẻ: “Nói đến cô giáo Trang thì dân bản ai chẳng biết. Bao thế hệ người dân chúng tôi biết đọc, biết viết là đều nhờ cô Trang và những giáo viên dạy học trên địa bàn xã. Gắn bó lâu dài với thôn, bản nên các thầy cô được bà con, học sinh quý mến, coi như người nhà”.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn: chồng công tác xa, bản thân cô thường xuyên phải đưa đón con trai thứ 2 bị liệt toàn thân điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, chăm sóc mẹ chồng bị tai biến, con đầu đang học đại học... nhưng chưa bao giờ cô Trang nản chí. Cô bảo, nhìn sự trưởng thành của bao thế hệ học sinh là nguồn động viên, niềm hạnh phúc vô bờ trong cuộc sống của cô.
Từ khi thôi đứng lớp, trên cương vị công tác mới (cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng năm 2012), cô đã kêu gọi và lan tỏa phong trào “lá lành đùm lá rách” trong tập thể giáo viên, học sinh nhà trường. Nhờ các chương trình “Hũ gạo yêu thương”, “Ấm áp mùa đông”, “Tết yêu thương”... do cô Trang phát động mà bao học sinh nghèo vùng cao có thêm cơ hội để nuôi ước mơ đến trường.