Cơ duyên từ nghề giáo viên mầm non
Nhớ về thời điểm bắt đầu công việc này, mọi chuyện như vừa mới hôm qua, anh chị không nghĩ rằng mới đó đã hơn 10 năm rồi. Cho đến tận bây giờ, anh chị vẫn luôn tin rằng nghề này đến với hai vợ chồng là một cái duyên.
Ngày đó, chị Đông là cô giáo mầm non còn anh Quý cũng lăn lộn đủ nghề để mưu sinh, từ công nhân nhà máy giấy, đi buôn rồi lại chuyển sang làm thợ gò hàn, nhôm kính. Mọi chuyện dường như bắt đầu khi mỗi dịp đầu năm học hay trước các cuộc thi thiết kế đồ dùng, giáo cụ ở trường, chị Đông lại về nhờ người chồng “đa-zi-năng” của mình gia công hộ. Khi đó, anh Quý đã có một xưởng sản xuất nho nhỏ trong nhà, lại vốn dĩ khéo tay “gia truyền” (ông nội làm thợ mộc, bố là chủ nhiệm hợp tác xã cắt tóc Đại Đồng ngày trước) nên anh rất sẵn lòng giúp vợ mình. Ban đầu là vợ nhờ gì làm nấy, nhưng sau đó, thỉnh thoảng khi thấy một số phế liệu, vật dụng cũ không sử dụng được thì anh Quý nảy ra ý định tận dụng và sửa sang lại để giúp có thêm giáo cụ giảng dạy tại trường. Từ đó, anh chị bắt đầu mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm đầu tiên. Dẫu vậy, lúc đó anh chị chỉ nghĩ đó là hỗ trợ thêm cho công việc chính chứ chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại trở thành người thiết kế, sản xuất, làm đồ dùng đồ chơi cho học sinh.
Cho đến khi, bộ đồ dùng đồ chơi là những con vật đáng yêu làm bằng gộc tre – nguyên liệu tìm được ở gần nhà của anh chị được chọn đi tham dự cuộc thi đồ dùng đồ chơi cấp tỉnh và xuất sắc dành được giải ba. Ý tưởng không mới nhưng nhờ nguyên liệu thân thiện, an toàn, gần gũi và dễ kiếm cộng với sự sáng tạo, dễ thương nên sản phẩm của anh chị đã chinh phục được ban giám khảo cuộc thi cũng như các bé mầm non. Cuộc thi không những mang đến niềm vui bất ngờ cho anh chị mà sau đó, đã rất nhiều giáo viên các trường cũng tò mò về bộ đồ chơi này và đề nghị được hỗ trợ, giúp đỡ. Khi nhận được đơn đặt hàng của các cô giáo mầm non, vợ chồng anh Quý chị Đông mừng lắm nhưng vì “run” nên chưa dám nhận. Hơn nữa ở thời điểm đó, anh chị đang có công việc riêng lại đang nuôi hai con nhỏ, công việc giáo viên mầm non của chị tuy ổn định nhưng lương lại không cao, nếu bây giờ anh chuyển nghề thì thu nhập bấp bênh, cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Đắn đo, trăn trở là vậy nhưng khi nhìn thấy sản phẩm mình làm ra được sử dụng tại trường mầm non, nhìn ánh mắt thích thú, những nụ cười vui vẻ của con trẻ, vợ chồng anh chị như tìm thấy động lực của mình. Đối với những cô bé, cậu bé ở vùng quê Thanh Chương nghèo đói khi đó, có được một món đồ chơi dường như là điều rất xa xỉ. Bởi vậy, anh chị nghĩ rằng nếu tận dụng được phế liệu thì giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều, sẽ có thêm những đứa trẻ nghèo được chạm tay vào những món đồ chơi mà mình mơ ước. Chính bằng tâm niệm ấy, anh chị đã rẽ sang một lối đi mới mà đến giờ vẫn chưa từng hối hận về quyết định của mình.
Niềm vui từ những nụ cười trẻ thơ
Khi đã quyết định chuyển sang công việc làm đồ dùng đồ chơi, vợ chồng anh chị xác định sẽ phải bắt đầu mọi thứ bằng con số 0. Khi đó, mục tiêu anh chị đặt ra là đồ chơi phải đẹp, rẻ và an toàn và để đáp ứng các tiêu chí này, anh chị chọn các phế liệu làm vật liệu chính để sản xuất. Về mẫu mã, anh chị quyết định sẽ tự thiết kế tất cả các mẫu để vừa phù hợp với lứa tuổi mầm non và đảm bảo được chất lượng.
Mặc dù đã lường trước, nhưng khi bắt đầu công việc mọi thứ thật khó khăn. Trước anh Quý làm thợ nhôm kính, gò hàn mẫu mã thường đơn giản, ít cầu kỳ, nhưng khi chuyển sang làm đồ chơi, anh vừa phải làm ra sản phẩm đẹp mắt, đồng thời phải thể hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Điều này đòi hỏi anh phải học hỏi thêm rất nhiều. Hơn nữa, mỗi giai đoạn, định hướng giáo dục, yêu cầu đối với đồ chơi dành cho trẻ mầm non mỗi khác nên anh chị thường xuyên phải nghiên cứu, cập nhật kịp thời, thậm chị anh Quý cũng thường xuyên phải xem giáo án, chương trình của vợ mình. “Nghề này, nói đơn giản nhưng lại chuyển đổi liên tục. Ví như, trước đây đồ dùng đồ chơi chỉ là giáo cụ trực quan nên chỉ cần làm giống con gà, con chim, giống cái máy bay là ổn rồi. Nhưng giờ yêu cầu mới, đồ dùng đồ chơi cũng phải sáng tạo để làm sao khuyến khích được sự phát triển của trẻ. Vì thế, làm chiếc máy bay thì cũng phải thiết kế thế nào để trẻ có thể tháo lắp, nắm bắt từng bộ phận...”, anh Quý chia sẻ.
Vất vả là vậy, nhưng chính bằng sự cần cù, chăm chỉ và luôn tập trung vào đúng mục tiêu đã đề ra ban đầu, anh chị đã dần vượt qua và đến nay, sau hơn mười năm, anh chị đã có một xưởng sản xuất đồ chơi, đồ dùng cho trẻ mầm non của riêng mình. Cơ sở sản xuất đồ dùng đồ chơi Quý Đông của anh chị nằm ngay thị trấn và vốn là dãy nhà cũ của trường mầm non. Hơn mười năm gắn bó với nghề, đến thời điểm này, anh chị cũng không nhớ đã làm được bao nhiêu mẫu đồ chơi nữa. Chỉ biết, hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đấy, không mẫu nào giống mẫu nào và khách hàng thì càng ngày càng được mở rộng. Hiện tại, xưởng của anh chị có 8 - 10 lao động làm việc liên tục với mức thu nhập từ 3,5 -5 triệu đồng/tháng và chỉ nghỉ khoảng 1 tháng cuối năm.
Ngoài việc sản xuất đồ chơi đồ dùng cho các trường mầm mon, anh chị còn nhận thiết kế trang trí các vườn trường, làm vườn cổ tích tại các khu vui chơi cho thiếu nhi. Khách hàng của anh, hiện không chỉ ở huyện Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông mà còn mở rộng sang các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh...
Tại xưởng sản xuất của anh chị, dù cơ sở vật chất chưa nhiều nhưng không khí làm việc rất vui vẻ. Đến đây, ai cũng có thể bất ngờ vì chỉ một vài tấm bìa các tông cũ, qua bàn tay của người thợ cũng có thể biến thành những ngôi nhà cầu kỳ, các dụng cụ âm nhạc hay chỉ vài con ốc, một mớ rơm, chủi đót... cũng có thể tạo thành những con tôm, làm những chiếc bình hoa. Thậm chí, những chiếc lốp xe thô ráp, xấu xí cũng có thể trở thành những con thú hình mặt cười ngộ nghĩnh, đáng yêu. Có lẽ vì vậy, mà sau giờ tan trường, khu xưởng luôn thu hút rất đông em nhỏ tò mò, háo hức đến xem những sản phẩm vừa mới xuất xưởng. Chị Đông cười bảo: “Đó chính là những khách hàng đầu tiên và khó tính nhất của xưởng. Nhìn nụ cười, ánh mắt của các em là có thể biết được sản phẩm của mình đã tốt chưa, đã đạt yêu cầu chưa. Chúng tôi luôn luôn phải lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện các sản phẩm hơn”.
Đã hơn 10 năm làm công việc này, và có lẽ sẽ là cái nghiệp cả đời của mình, anh chị luôn tâm niệm rằng, dù không đem lại nhiều tiền như các công việc khác, nhưng đây là một công việc từ chính sức lao động của mình, lại tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho những người khác và trên hết chính niềm vui, hạnh phúc của những đứa trẻ mới là thành công lớn nhất của anh chị. Với suy nghĩ đơn giản mà thiện lương ấy, anh Quý chị Đông đã đi được một chặng đường dài và hi vọng, sẽ ngày càng có nhiều đồ chơi, đồ dùng mới, sáng tạo được xuất xưởng để lan tỏa thật nhiều niềm vui, tình yêu thương đến với các em bé mầm non.