pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cơ hội với lao động nữ Việt Nam trước “làn sóng” tuyển dụng của Apple
Lao động nữ trong một nhà máy của Apple tại Trung Quốc ảnh: theverge.com
Chuyên gia nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực, nhận định, nhiều tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, Anh quốc, Mỹ, Đức... đang có sự dịch chuyển nhà máy đến Việt Nam. Các tập đoàn sẽ tạo ra nhiều việc làm, đặc biệt là các ngành công nghệ thông tin, điện – điện tử, các lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho biết, điều này đòi hỏi lao động trong nước phải có sự thay đổi, nâng cao tay nghề để hội nhập quốc tế. Tập đoàn đa quốc gia tuyển dụng lao động sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ giao tiếp. Lao động chưa có tay nghề sẽ được các tập đoàn đa quốc gia đào tạo nhưng kỹ năng làm việc mới là vấn đề tiên quyết để lao động có thể gắn bó được trong các tập đoàn. Trong thời đại công nghiệp 4.0, lao động trẻ sẽ có lợi thế do ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Ông Trần Anh Tuấn đánh giá, lực lượng lao động trẻ của Việt Nam dồi dào nhưng cần cải thiện hơn tính kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp.
Trong hệ thống lắp ráp linh kiện của Apple, lực lượng lao động nữ chiếm ưu thế. Các hệ thống kinh doanh, dịch vụ lại càng không thể vắng bóng lực lượng lao động nữ. Tuy nhiên, có một thực tế là các tập đoàn đa quốc gia ngày càng tiến đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot để thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, lao động phổ thông, lao động chân tay sẽ không còn chỗ đứng. Điều này đòi hỏi lao động nữ Việt Nam phải nhận thức được vấn đề học nghề, giỏi nghề, không ngừng nâng cao trình độ tay nghề cũng như tác phong, thái độ với nghề nghiệp.
"Đừng nhìn lao động nữ bằng đôi mắt như trước"
Đó là quan điểm của chuyên gia nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn. Ông cho rằng, lao động nữ trẻ đã tham gia học nghề tích cực ở các hệ đại học và cao đẳng trong lĩnh vực công nghệ cũng như nhiều lĩnh vực khác. Chỉ vài năm nữa, lực lượng lao động nữ sẽ trở thành nguồn lực cạnh tranh trực tiếp trong thị trường lao động với lao động nam ngay trên "sân nhà". Đã qua rồi thời lao động nữ chỉ biết làm những nghề như: Thợ may, uốn tóc, giúp việc nhà...
Dưới góc nhìn của ông Tuấn, nguồn lao động nữ chiếm gần 40% có tay nghề trong lĩnh vực công nghệ và có đến 60% lao động nữ khao khát được học nghề, tham gia học nghề ở các lĩnh vực ứng dụng công nghệ. Ở một góc khuất nào đó, nhiều người sử dụng lao động trong nước vẫn có tư tưởng "gạt" lao động nữ ra khỏi các cuộc tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia tuyển dụng lao động không phân biệt giới tính. Những lao động có tư duy năng động, sáng tạo, có trách nhiệm sẽ được đề cao thay vì giới tính của họ. Cách tiếp cận này được đánh giá là một cơ hội lớn đối với lao động nữ.
Thông tin về việc Apple chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang báo quốc tế. Theo The Information, Apple đã liên hệ với các đối tác sản xuất tai nghe của mình, có nhà máy tại Việt Nam, để chuẩn bị sản xuất mẫu tai nghe AirPods Studio. Trước đó thông tin Apple sẽ sản xuất mẫu tai nghe true wireless (không dây hoàn toàn) Airpods tại Việt Nam cũng được Nikkei đăng tải.
Từ đầu năm đến nay, Apple đã đăng tin tuyển dụng lao động Việt Nam ở nhiều vị trí như: Kỹ sư cơ khí màn hình, Kỹ sư kiểm soát chất lượng, Quản lý chất lượng màn hình, Kỹ sư phần mềm cùng nhân sự cho khâu đóng gói, kiểm thử cuối cùng trước khi xuất xưởng; Giám đốc điều hành khu vực sản phẩm mới; Trưởng phòng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam...