Những thị trường tạo sức hút với lao động nữ Việt Nam trong năm 2020

PVH
14/01/2020 - 16:13
Những thị trường tạo sức hút với lao động nữ Việt Nam trong năm 2020
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2019 cả nước có tổng số 152.530 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó lao động nữ có 54.700 người. Một số thị trường lao động ngoài nước ở khu vực Đông Á, châu Âu đang có sức hút mạnh ở một số ngành nghề mà lao động nữ Việt Nam có thế mạnh.

Theo thống kê, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2019 tăng vượt kế hoạch 127,1%. Cụ thể, đã có 152.530 lao động trong đó có 54.700 lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650 nghìn người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao. Trong đó, các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tạo được sức hút với lao động nữ của nước ta. Trong những năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản khá cao, lên hơn 82.000 lao động, đứng đầu về số lượng trong số các thị trường có tiếp nhận lao động nước ta.

Riêng với ngành nghề mà lao động nữ Việt Nam có thế mạnh là hộ lý, điều dưỡng tại Nhật Bản cũng tăng lên đáng kể. Đến nay, có khoảng trên 1.100 hộ lý, điều dưỡng viên Việt Nam đã, đang làm việc tại Nhật với mức lương trung bình 35 - 52 triệu đồng/tháng.

Những năm qua, lao động nữ làm việc ở các ngành nghề hộ lý, điều dưỡng tại Nhật luôn được đánh giá là thân thiện, chăm chỉ, tận tình, trách nhiệm nên được lòng các cơ sở tiếp nhận lao động.

Những thị trường nào tạo sức hút với lao động nữ Việt Nam trong năm 2020? - Ảnh 1.

Trong 5 năm tới, Nhật Bản cần khoảng 25.000 hộ lý, điều dưỡng viên

Theo dự báo, số lao động nữ đi làm hộ lý, điều dưỡng sẽ tăng cao khi Nhật Bản đang có những chính sách cởi mở hơn để tiếp nhận lao động Việt Nam. Trong 5 năm tới, Nhật Bản cần khoảng 25.000 hộ lý, điều dưỡng viên; trong khi Việt Nam là một trong 3 nước mà Nhật Bản đang phối hợp để tuyển hộ lý, điều dưỡng viên. Đây chính là cơ hội rất lớn cho lao động nữ Việt Nam đi làm việc với mức lương cao.

Đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao. Đặc biệt, Luật nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài khối EU, trong đó có các lĩnh vực như: nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.

Dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH ký với cơ quan lao động của CHLB Đức Thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức trong 12-13 ngành nghề mà bạn đang có nhu cầu. Đây chính là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh lao động nữ đi làm việc ở Đức với những ngành nghề có mức lương cao.

Những thị trường nào tạo sức hút với lao động nữ Việt Nam trong năm 2020? - Ảnh 2.

Đào tạo hộ lý, điều dưỡng viên người Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản

Ngoài ra, thị trường Đài Loan và Hàn Quốc cũng tạo sức hút không nhỏ với lao động nước ta. Theo thống kê, số lao động ở 2 thị trường này chiếm ở mức cao (lần lượt là Đài Loan 54.480 lao động, Hàn Quốc 7.215 lao động). Lao động nữ sang làm việc tại 2 thị trường này tập trung ở các ngành nghề như khán hộ công (giúp việc gia đình), lắp ráp, nông nghiệp. Trong đó, nghề khán hộ công vẫn được nhiều lao động nữ lựa chọn khi đi làm việc tại Đài Loan, bởi công việc này nước bạn có nhu cầu rất cao; đồng thời phù hợp với phần lớn những lao động nữ xuất thân từ vùng nông thôn.

Theo ông Tống Hải Nam, bên cạnh thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, một số thị trường ở châu Âu đang có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Rumani, CHLB Đức, Ba Lan, Latsvia, Áo...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm