Có một nỗi buồn mang tên Hà Nội: Những câu chuyện cổ tích về Hà thành

06/10/2019 - 11:41
Hà Nội đẹp, Hà Nội lãng mạn, Hà Nội thanh lịch… dường như chỉ còn trong ký ức. Hà Nội thời đô thị hóa có biết bao mặt trái như ô nhiễm, tắc đường, quan hệ gia đình và xã hội phức tạp… Điều đó khiến những người yêu Hà Nội càng thêm nặng lòng, nhớ thương quá khứ.

Năm 1995, tôi xuất bản tập thơ Những người đàn bà gánh nước sông, trong đó có bài thơ Lời cầu nguyện viết về Hà Nội, thành phố tôi sống ở đó. Bài thơ có đoạn:

 

Mùa thu Hà Nội đẹp như tranh vẽ. Ảnh minh họa

 

Họ chạy trong thành phố: Những ngõ sâu hốc hác, những lề đường ê chề, những công việc mắc bệnh... Thành phố không chốn an toàn cho họ giấu đủ một ngón tay

 

Ngoài kia, những cánh đồng đắng cay vì bệnh tật kéo dài. Hoàng hôn xấu xí

 

Ngũ cốc đang gập mình bởi cơn ho hóa chất sặc mùi

 

Chạy trốn những khách sạn cửa đóng mở không lý do, không ký ức và không thổn thức

 

Chạy trốn những tã lót, quần áo cũ phơi rợp trên những nóc nhà thành phố.

 

Vừa chạy họ vừa ngước lên những vòm cây chật vật đâm chồi

 

Ngước lên bầy chim cánh chập choạng, rũ rượi bay, hát bài ca kiên nhẫn

 

Ngước lên những đám mây trĩu ngực vì bụi cố bò qua cơn dị ứng của thời tiết vô luân.

 

Ngước lên những ngôi sao mới bóc vỏ, hăng nhựa - đôi mắt trẻ sơ sinh, giọt rượu vang của thần hy vọng

 

Ngước lên dòng sông gió chảy giữa hai bờ cổ họng khản đặc của đêm

 

Ngước lên linh hồn những hồ nước bị giết đang bay lượn tìm nơi hạ cánh.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - tác giả bài viết

 

Đã có người nổi giận với tôi với lý do vì sao tôi lại nói về thủ đô của cả nước với những câu thơ như vậy. Nhưng đó chính là sự dự báo về Hà Nội những năm tháng sau này và đặc biệt bây giờ.

 

Tôi luôn mang cảm giác linh hồn Hà Nội đang rời bỏ chúng ta và chỉ để lại thân xác của thành phố vốn thanh bình và huyền ảo này. Trong trí tưởng tượng hay nói đúng hơn là sự ám ảnh, có những đêm mùa hạ ngột ngạt, bức bối, tôi cảm như nhìn thấy linh hồn những hồ nước của Hà Nội đã bị “giết chết” đang bay lượn tìm nơi hạ cánh. Một trong những thứ làm nên lịch sử, văn hóa, huyền thoại và sự thơ mộng của Hà Nội chính là những hồ nước. Nhưng chúng ta đã không bao giờ biết đến điều đó hoặc biết đến nhưng sự tham lam của chúng ta đã lấn át tất cả. Có bao nhiêu hồ nước ở Hà Nội bị san lấp, lấn chiếm? Những công trình xây dựng quanh các hồ nước nếu nhìn từ trên cao xuống nó giống như một chiếc dây thòng lọng đang xiết cổ những hồ nước.

 

Cách đây hơn 10 năm, người ta đã ký cho phép một tập đoàn xây khách sạn 5 sao trong công viên Thống Nhất. Nhưng vì dư luận và báo chí lên tiếng quá mạnh mẽ, họ đã phải hủy bản hợp đồng chết người ấy. Và mới mấy năm gần đây thôi, người ta đã đề xuất san lấp một phần của một trong những hồ nước lớn nhất của Hà Nội với cái tên gọi đầy “nhân đạo”: Xây dựng nhà giá rẻ cho những hộ gia đình tái định cư. Nhưng một lần nữa, dư luận đã chặn được “vụ ám sát thiên nhiên” này.

 

Những hồ nước không chỉ là một “lá phổi”, “chiếc máy điều hòa” của Hà Nội mà là một vùng văn hóa của đất Thăng Long này. Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch... đều chứa trong nó những câu chuyện của lịch sử, của văn hóa, của huyền thoại, của nghệ thuật. Khi nước Úc xây dựng thủ đô mới của họ là Canbera, họ quyết định xây một hồ nước lớn ở trung tâm. Và họ đã biến không gian quanh hồ nước ấy thành một vùng thiên nhiên và một vùng văn hóa thực sự kỳ vĩ. Tôi đã lang thang bên hồ nước ấy và lòng buồn bã thương nhớ những hồ nước ở thủ đô của mình.

 

Chúng ta đã có một thiên nhiên huyền ảo, những vẻ đẹp văn hóa huyền ảo, những câu chuyện kỳ vĩ và nhân văn ở nơi chốn kinh kỳ này. Thế mà giờ đây, chúng ta đã và đang đánh mất. Chúng ta đang rời bỏ những vẻ đẹp ấy, thậm chí chúng ta trực tiếp giết chết những vẻ đẹp ấy. Giờ đây, những vẻ đẹp đã từng có thực ấy chứ không phải trong mộng chỉ còn lại trong những giai điệu, những gam màu, những câu thơ và trong nỗi buồn nhớ của những người thấu hiểu giá trị lớn lao vô bờ của những vẻ đẹp cho đời sống thực sự của con người.

 

Người dân Hà Nội đang phải sống trong môi trường không khí ô nhiễm hàng đầu thế giới

 

Có một điều buồn hơn là cho đến lúc này, thông điệp về những cái chết của những vùng thiên nhiên và vùng văn hóa đặc trưng của Hà Nội và của mọi nơi khác trên đất nước ta không thức tỉnh được nhiều người, đặc biệt là những người có trách nhiệm quản lý các đô thị. Nếu bây giờ, người ta cho phép mở nhà hàng nổi trên mặt Hồ Gươm thì họ sẽ tranh nhau mở, nếu bây giờ người ta cho phép lấp một phần Hồ Tây để xây chung cư hiện đại thì họ sẽ đạp lên nhau để có được quyền xây...

 

Càng ngày, người dân Hà Nội càng nhận ra họ đang bị một thế giới bê tông bao vây và giam cầm họ. Thiên nhiên đang bị đuổi về “trời”. Tôi thường xuyên chứng kiến những người dân Hà Nội vừa đeo khẩu trang vừa tập dưỡng sinh trên hè phố vào những buổi chiều. Một cảnh vừa đau lòng, bi hài vừa nổi giận.

 

Đêm đêm, tôi như nghe tiếng chuyển động nặng nề của những con thú “bê tông hóa” đang chà đạp lên những vẻ đẹp thẳm sâu và huyền ảo của Thăng Long.

 

Những công trình xây dựng cao tầng mọc lên như nấm sau mưa ở Hà Nội. Ảnh minh họa

 

Rồi đến một ngày, những thế hệ tương lai dẫn con cháu họ đến bên những ngôi nhà chọc trời và kể “ngày xửa ngày xưa, ở chốn này là một hồ nước mênh mông thẳm xanh với những đàn sâm cầm đập cánh như một cơn mưa chiều mùa hạ...”, hay “nơi này thuở trước là một rừng đào bất tận với những làn mưa ấm đầu xuân...”.

 

Lúc đó, cho dù những đứa trẻ mở hết biên độ của trí tưởng tượng cũng không bao giờ chạm vào thế giới ấy. Và có thể có những đứa trẻ sẽ nói với bạn chúng rằng: “Hôm qua, ông bà/cha mẹ tớ kể cho tớ một câu chuyện cổ tích”.

Bài sau: Thương Hà Nội quá!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm