Cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục

19/10/2019 - 08:00
“Cưng nựng”, “yêu thương”, “vuốt ve” là những cụm từ mà các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em thường đưa ra để biện minh cho hành động của mình. Một thời gian dài, những cụm từ này đã làm “đau đầu” cơ quan tố tụng trong việc xử lý những đối tượng trên. Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP vừa được thông qua được kỳ vọng như giải pháp hữu hiệu cho các cơ quan tố tụng.

Hôn hít vào tai, gáy của trẻ có thể bị xử lý hình sự

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Thực tế thời gian qua, đã có không ít vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em nhưng không dễ đưa đối tượng ra xét xử bởi việc làm rõ thế nào là dâm ô? Thế nào là hiếp dâm vẫn còn nhiều “lấn cấn”. Như vụ Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy ở TPHCM. Khi bị phát giác, Linh chối cãi và cho rằng mình chỉ “nựng” cháu bé. Hay vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô bé gái ở Vũng Tàu…Với Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán lần này, những khái niệm liên quan đến các tội xâm hại tình dục, về chủ thể phạm tội, hành vi phạm tội, mở rộng nội hàm khái niệm giao cấu, bổ sung trường hợp thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

“Có những hành vi mà trước đây chưa để ý đến như hôn hít vào những vùng nhạy cảm của trẻ em như hôn vào tai, gáy… của trẻ, khiến trẻ bị hoảng loạn, lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống thì từ nay có thể xem xét xử lý về mặt hình sự”, ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao - phân tích.

Theo Nghị quyết này, ai làm những việc sau với người dưới 16 tuổi sẽ bị xác định có hành vi dâm ô theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015: dùng các bộ phận của cơ thể hay dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của nạn nhân; dụ dỗ, ép buộc tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của mình hoặc người khác.

Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi) cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.

Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành (5/11/2019), trong xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em, thẩm phán không cần phải mặc áo choàng đồng phục, hạn chế triệu tập nạn nhân. Trường hợp cần triệu tập, thẩm phán không được hỏi nhiều câu một lúc, không được yêu cầu nạn nhân kể lại chi tiết; không dùng câu hỏi khiến các bé cảm thấy xấu hổ, xúc phạm hoặc bị đe dọa. Đặc biệt, bản án, quyết định liên quan tới vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi cũng không được công khai trên Cổng thông tin điện tử của tòa án.

 

Ảnh minh họa

 

Hy vọng giảm các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị trả hồ sơ

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPNVN, đánh giá, Nghị quyết ra đời rất kịp thời, giúp cho công tác xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em đạt được kết quả tốt hơn.

Có một số điểm mới như giải thích khái niệm, từ ngữ như hành vi quan hệ tình dục khác, hành vi dâm ô. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, mới đây khi bà tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội tới 6 địa phương, họ đều mong muốn có một hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Nghị quyết đã có những quy định rất chi tiết, cụ thể. Ví dụ hành vi dâm ô, Nghị quyết chỉ rõ hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính có tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi thì có thể xem xét xử lý về tội dâm ô.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng hy vọng, với những quy định chi tiết, cụ thể từ Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP, các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị trả hồ sơ sẽ giảm đi nhiều. Khi đó, các cơ quan tố tụng sẽ dễ dàng hơn trong việc điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm về dâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, với việc định nghĩa chi tiết nhiều hình thức hình thức xâm hại tình dục và tình tiết tăng nặng, sử dụng ngôn ngữ trung lập về giới, Nghị quyết tạo nên một cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

 

Ảnh minh họa

 

Là người tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khá nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trường văn phòng Luật Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, Nghị quyết 06/2019/NQ - HĐTP của TAND Tối cao là văn bản giải đáp được một phần các quy định về tội dâm ô và tội hiếp dâm. Cụ thể đã giải thích được thế nào là dâm ô và thế nào là hiếp dâm. Đây sẽ là một căn cứ pháp lý rõ ràng xử lý hành vi hiếp dâm, dâm ô.

“Tuy nhiên cũng còn rất nhiều tranh cãi khi có rất nhiều hành vi dâm ô khác chưa bị coi là tội phạm. Chưa bảo vệ được từ xa các nạn nhân. Ví dụ các hành vi nhìn trộm, hành vi “tự sướng” nơi công cộng... Đặc biệt hành vi sờ soạng, quấy rối người trên 16 tuổi vẫn không bị xử lý hình sự”, luật sư Hùng phân tích thêm.

Những con số báo động

Theo thống kê của TAND Tối cao, trong 5 năm (từ 2013 đến 2017), tòa thụ lý 8.254 vụ án xâm hại tình dục trẻ em, trong đó xét xử 7.586 vụ, 549 vụ phải trả lại hồ sơ.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 cả nước có 1.547 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 82% là xâm hại tình dục với 1.233 đối tượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm