Cơ thể con gái có dấu hiệu lạ, mẹ ngỡ ngàng khi bác sĩ nói dậy thì sớm

Bình An - Ảnh: NVCC
21/05/2020 - 09:34
Cơ thể con gái có dấu hiệu lạ, mẹ ngỡ ngàng khi bác sĩ nói dậy thì sớm
Câu chuyện về cô con gái 10 tuổi được chẩn đoán dậy thì sớm, suy tuyến yên của chị Dung đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ câu chuyện của một bà mẹ có tên tài khoản cá nhân Dung Tran (Hà Nội) thông tin về chuyện dậy thì sớm của cô con gái T.L (10 tuổi). Chỉ vài giờ sau khi đăng bài, câu chuyện của chị đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác và quan tâm của dân mạng.

Không ít mẹ có con nhỏ cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe cũng như sự phát triển của bé yêu nhà mình. Nhiều mẹ trong số đó đặt ra nhiều vấn đề về dinh dưỡng cho con, môi trường sống và cả quá trình tập luyện thể dục thể thao giúp bé khỏe mạnh.

Liên hệ với chị Dung Tran để tìm hiểu rõ câu chuyện, chị kể, năm bé T.L. lên 9 tuổi, chị nhận thấy con có những dấu hiệu phát triển bất thường (đau ngực, sờ thấy cục cứng ở ngực, hôi nách...) nên đã chủ động đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Tuy nhiên, các bác sĩ tại bệnh viện cho rằng bé phát triển bình thường nên không cần điều trị mà chỉ cần về nhà theo dõi.

Chia sẻ nỗi lo lắng về sự phát triển không bình thường của con lên mạng xã hội, chị được người quen giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thăm khám. Ngày 12/5, qua quá trình thăm khám tại bệnh viện, chị Dung ngỡ ngàng khi con gái được chẩn đoán dậy thì sớm, suy tuyến yên. Hiện tại, bé đang được điều trị tại bệnh viện.

Cơ thể con gái có dấu hiệu lạ, mẹ ngỡ ngàng khi bác sĩ nói dậy thì sớm - Ảnh 1.

Để có kết quả xét nghiệm chính xác, em bé 10 tuổi đã phải lấy máu 5 lần để kiểm tra.

Theo chia sẻ của chị Dung, để có kết quả xét nghiệm chính xác, con gái 10 tuổi đã phải lấy máu 5 lần để kiểm tra. Cả chị và con gái đã cùng nhau trải qua một buổi chiều vất vả mới có thể hoàn tất thủ tục thăm khám.

Đưa tâm sự của mình chia sẻ cùng nhiều mẹ, chị Dung nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ. Phần lớn đều bày tỏ quan điểm chung về thực trạng môi trường nuôi dạy con trẻ, cụ thể nhất là dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao.

Tài khoản mạng xã hội H.T.Q. động viên: “Hai mẹ con cố lên, sẽ ổn thôi. Cho con thể thao một số môn bơi, bóng rổ nếu có điều kiện. Không thì uống canxi tăng chiều cao, bé nhà mình uống được vài tháng thấy có hiệu quả”.

Mẹ bỉm sữa M.N.N. bình luận: “Thương con, thương cả mẹ con nữa. Nhờ bài viết của mẹ mà các mẹ bắt đầu nhìn kỹ lại con mình hơn, để ý hơn. Cảm ơn mẹ Dung Tran, cố lên nhé con”.

Một người khác viết: “Mình không biết bé nhà bạn sinh năm bao nhiêu nhưng con gái mình sinh 1/1/2009 đã dậy thì (có kinh) 1 năm nay và thời điểm bắt đầu có kinh con cao 1m50 và hiện nay con cao 1m62. Thời điểm con bắt đầu dậy thì cũng có người mách đi tiêm làm giảm sự phát triển của dậy thì sớm, mình cứ băn khoăn và bận nên không đi được đến khi con bị rồi thì quyết định không đi nữa.

Và thực sự đến giờ mình thấy con vẫn phát triển bình thường. Trong thời kỳ con dậy thì này mình vẫn bổ sung canxi cho con vì thi thoảng con kêu đau xương và mình nhớ đến thời điểm mình ngày xưa khi lớn cũng đau xương như thế do cao lên và xương giãn ra. Thời điểm như thế cần bổ sung canxi nên mình cho con uống canxi 1 năm 2 lần”.

Cơ thể con gái có dấu hiệu lạ, mẹ ngỡ ngàng khi bác sĩ nói dậy thì sớm - Ảnh 2.

Những bình luận về câu chuyện chị Dung và cô con gái đến từ cộng đồng mạng.

Kế tiếp đó là hàng loạt chia sẻ và bình luận bày tỏ quan điểm về yếu tố nguy cơ dẫn đến sự phát triển chiều cao của con trẻ.

Nick name Đ.T.D chia sẻ: “Ôi, Sợ quá. Phải làm sao đây, sinh con đã khó, nuôi con càng khó. Nhà mình mẹ 1m5, bố 1m8 mà con 5 tuổi mới đc 1m. Rất là lo lắng chiều cao, giờ lại thêm vấn đề này nữa. Không biết sai ở đâu để mà sửa”.

Bên cạnh đó cũng có không ít các mẹ lo lắng chuyện cho con uống sữa công thức sẽ khiến trẻ dậy thì sớm và có thể kìm hãm chiều cao tự nhiên của trẻ. Phản hồi lại nhiều ý kiến trái chiều khi chưa có nghiên cứu cụ thể, chị Dung viết: “Từ câu chuyện dậy thì sớm của con nhà mình các mẹ lại bẻ lái đổ lỗi cho sữa công thức. Tuy nhiên mình nói luôn không hoàn toàn như vậy, sữa công thức vẫn rất cần thiết cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi, nếu các mẹ đổ lỗi cho nó làm con các mẹ dậy thì sớm rồi tẩy chay nó thì mẹ nào mất sữa lấy gì cho con ăn?”.

Cơ thể con gái có dấu hiệu lạ, mẹ ngỡ ngàng khi bác sĩ nói dậy thì sớm - Ảnh 3.

Kết luận cho thấy con chị Dung dậy thì sớm, suy tuyến yên.

Theo chia sẻ của chị Dung, việc để con trẻ phát triển bất thường cha mẹ cần phải nhìn lại chính bản thân mình. Chị nhấn mạnh, “Để con đương đầu với bệnh tật, không đạt đúng chỉ số phát triển trẻ nhỏ là lỗi tại cha mẹ, hầu hết người lớn hiện nay nuôi những đứa trẻ theo “công nghiệp”, “nuôi nhốt”, "không vận động”, “không thể dục nhưng lại thích bồi bổ”, “ỷ lại sữa tăng trưởng chiều cao”.

Mình cho rằng đó là suy nghĩ lệch lạc vô cùng. Thay vì đổ lỗi cho sữa công thức thì các mẹ hãy thay đổi tư duy, để cho con vận động tối đa, bỏ hết điện thoại, máy tính bảng ra và đẩy chúng xuống đường chạy bộ, đạp xe có như vậy mới hy vọng con khôn lớn theo đúng nghĩa của phát triển toàn diện”.

Đồng tình với những phân tích của chị Dung, một bà mẹ có tên Đ.T.B.T nói: “Phân tích của em chuẩn không cần chỉnh. Lúc bé con tầm 3,4 tuổi con chị và nhiều trẻ em khác bên này đều có thể đi 4-6 km mỗi ngày, biết đi xe đạp và chơi rất nhiều trò vận động.

Ngày nắng hay mưa cũng cho vận động cả, rất chú trọng vấn đề thể thao. Dù dân Nhật tiêu thụ sữa tươi sữa bột cũng khủng nhưng trẻ hiếm dậy thì sớm và nói chung là chiều cao phát triển rất tốt”.

Trải qua một hành trình đáng nhớ khi con gái được chẩn đoán dậy thì sớm, suy tuyến yên, chị Dung nhận được khá nhiều những thắc mắc, băn khoăn của các mẹ có con nhỏ đang tuổi dậy thì. Chị cũng không quên nhắn nhủ đến các mẹ, cần quan sát và nói chuyện với con nhiều hơn để thấy được những thay đổi bất thường trong cơ thể con trẻ, từ đó đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên môn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Dấu hiệu của dậy thì sớm ở trẻ


Căn cứ vào những biểu hiện bất thường ở trẻ, trong đó bé trai trước 10 tuổi và 9 tuổi ở trẻ gái thì được coi là dậy thì sớm. Cũng theo BS. Vương Thị Minh Nguyệt, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, với những trẻ dậy thì sớm thường có dấu hiệu tăng trưởng rất nhanh, chiều cao phát triển từ 7-15 cm/năm. Dậy thì sớm được coi là giai đoạn phát triển sinh lý của cơ thể, thường kéo dài trong vòng từ 3-5 năm. Ở trẻ gái có tuyến vú to bất thường, có thể to một bên, âm đạo tăng tiết nhày. Kinh nguyệt có trước 8 tuổi, xuất hiện lông mu và lông nách trước hoặc sau khi tuyến vú to ra.  Đối với trẻ trai giọng trầm, trứng cá, cơ bắp vạm vỡ, mọc lông mu, mọc ria mép, thể tích tinh hoàn tăng trên 4ml, cơ thể tiết mùi mồ hôi.


“Dậy thì sớm có 2 thể là dậy thì sớm thật (thể trung ương) và dậy thì giả (thể ngoại biên). Trong đó, dậy thì thể trung ương chiếm tới 90%, nguyên nhân do có sự kích hoạt của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục, gây tăng tiết hormone hướng sinh dục từ tuyến yên.


Tuyến yên được ví như "nhạc trưởng” báo hiệu hoạt động của tuyến sinh dục. Với trẻ gái, 80% thường không rõ lý do; Với trẻ trai, 70% thường là khối u, tổn thương thần kinh. Còn dậy thì thể ngoại biên nguyên nhân là do bệnh lý, như u nang buồn trứng, u tinh hoàn, u não, tăng sản thượng thận bẩm sinh…


“Đối với những trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Rất nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện dậy thì sớm nhưng vẫn khỏe mạnh, thậm chí còn tự hào khi thấy con mình có thân hình vạm vỡ hơn chúng bạn”. BS. Nguyệt chia sẻ.


BS. Nguyệt cũng cảnh báo, những trường hợp  dậy thì sớm  đến tuổi trưởng thành chắc chắn trẻ sẽ lùn hơn so với chiều cao tiêu chuẩn vì hormone sinh dục kích thích sự phát triển của xương làm các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không thể phát triển chiều cao.


Theo đó, đối với những trẻ dậy thì sớm, trẻ sẽ có ít hơn 3 năm phát triển chiều cao so với các bạn. Thường trẻ gái thấp hơn 12cm và trẻ trai thấp hơn các bạn tới 20cm khi trưởng thành.


Ngoài ra, một việc cũng đáng quan tâm là dậy thì sớm khiến trẻ bị khủng hoảng cảm xúc, khủng hoảng tâm lý. Trẻ lúc nào cũng hoang mang, lo lắng và tự ti về thân hình của mình.Trẻ gái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Mặt khác, những đứa trẻ dậy thì sớm còn nhiều nguy cơ khác như nhiễm trùng sinh dục, bất lực do thủ dâm sớm và kéo dài lúc nhỏ tuổi…


Hãy đồng hành cùng trẻ khi trẻ được phát hiện dậy thì sớm


Nhiều người cho rằng, nhiều trẻ có biểu hiện dậy thì sớm hơn ngày xưa nhiều là do môi trường sống, do thực phẩm chăn nuôi còn tồn dư  chất kích thích tăng trưởng. Về vấn đề này, BS. Nguyệt cho biết, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định  ý kiến này.  Vì vậy, theo Bs. Nguyệt,  nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, những tiến bộ của y học cho phép việc điều trị dậy thì sớm cho kết quả khả quan.Thường những bệnh nhân bị dậy thì sớm, các bác sĩ phải tiêm thuốc ức chế trục đồi tuyến yên để ngừng những dấu hiệu phát triển dậy thì sớm của trẻ.


BS cũng lo lắng, hiện nay công nghệ thông tin phát triển nên nhiều cha mẹ tự lên mạng tìm hiểu và sau đó  đưa con đi tiêm hormon để kìm hãm dậy thì sớm với mong muốn con phát triển đúng tuổi.  Việc các ông bố bà mẹ lo lắng con dậy thì sớm là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo việc dùng hormone ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ khiến trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ.


Ví như, với trường hợp nữ dưới 6 tuổi đã dậy thì, khi tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt, từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, tránh bị xâm hại tình dục. Về lâu dài sẽ phát triển chiều cao?


Tuy nhiên, các trường hợp từ 8 tuổi trở lên dậy thì sẽ không cần phải tiêm hormone. Nếu điều trị thì chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có. Các chuyên gia cũng khẳng định, thuốc nội tiết dành cho trẻ cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Với trẻ nhỏ, việc ăn uống điều độ, tập luyện thể thao là điều quan trọng hơn cả và nên sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc.


Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ dậy thì sớm, điều quan trọng  các bậc phụ huynh cần giải thích cho con hiểu vì sao bé lại phát triển sớm hơn các bạn và trang bị cho con những kiến thức cần thiết để ứng xử phù hợp với tình trạng này. Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên tâm sự, chia sẻ với trẻ để tránh nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng.

Theo Sức khỏe đời sống


Được sự đồng ý của chị Dung Tran, chúng tôi xin đăng tải bài chia sẻ của chị đang rất được các mẹ quan tâm:


HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CHIỀU CAO CHO CON GÁI!


Khi sự việc này đến với con gái T.L của mình và cũng nhờ mình chia sẻ nỗi lo lắng về sự phát triển không bình thường của con lên facebook thì rất may gặp được 1 chị có cháu từng điều trị dậy thì sớm nên chị mách mình đến Bệnh viện Xanh Pôn. Ở đây mình đã gặp bác sĩ Hương, người hiện đang điều trị cho nhiều ca dậy thì sớm cũng như rối loạn chuyển hoá của nhiều trẻ nhi độ tuổi dậy thì.


Mình bắt đầu đưa con đi khám vào thứ 3 ngày 12/5... 1h30 chiều, 2 mẹ con có mặt ở bệnh viện. Sau khi thăm khám, 1 bác sĩ tên Hà (bác sĩ này còn rất trẻ) đã được nghe 1 tràng rằng con mình đã dậy thì rồi, mình đưa con đến bây giờ là muộn rồi vì nếu can thiệp phải từ 8 tuổi. Mình cho con lấy máu xét nghiệm và chụp tuổi xương, siêu âm buồng trứng... sau khi có kết quả đã chuyển đến cho bác sĩ Hương khoa tiêu hoá nhi đọc và điều trị...


Trong 1 năm qua dù đi xa nhiều nhưng mình vẫn chú ý và nhắc nhở con tự để ý cơ thể xem con có tiến triển mới không thì báo mẹ ngay (nhắc con chú ý vùng kín có mọc lông không). Vừa tròn 1 năm kể từ ngày phát hiện con nhú ngực thì cũng đúng tầm này con đã có dấu hiệu mọc lông ở vùng kín.


Bản thân là 1 người mẹ cũng là phụ nữ, cũng từng trải qua giai đoạn dậy thì, mình đã đối chiếu bản thân, đồng thời quan sát đối chiếu sự phát triển của các bạn cùng lớp của con để có thể suy ra được sự phát triển bất thường về chiều cao của con....


Ở lớp con đã có quá nửa các bạn nữ đã hoàn thành quá trình dậy thì nhưng đa phần khi bắt đầu có kinh bạn thấp còi nhất cũng cao 1m40... và từ bản thân từng dậy thì ở thời điểm hè lớp 7 lên 8 khi đó mình cũng đã cao được 1m50. Chiều cao của mình bị khoá lại ở ngưỡng 1m55 sau khi bị kinh 2 năm thì từ đó trở đi chiều cao không tăng nữa...


Vậy theo đối chiếu bản thân và suy diễn với sự phát triển không bình thường này chỉ 2,3 tháng nữa T.L sẽ có kinh, cứ cho lúc ý con cao thêm được 5cm nữa là 1m38 thì 2 năm sau khi có kinh con cao kịch kim được 1m46 , như vậy là quá thấp lùn... Việc thấp lùn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, tâm lý và cả tương lai của con sau này. Thực sự là 1 người mẹ, mình không đành lòng nhìn con như vậy.


Hành trình của ngày hôm nay vô cùng vất vả: 2 mẹ con vật lộn từ 1h30 đến 6h15 mới bước chân ra khỏi bệnh viện. Con gái liên tục bị lấy máu 5 lần để làm xét nghiệm, cách 1 tiếng lấy máu 1 lần... Đặc biệt, lần lấy máu để kiểm tra nồng độ GH động con gái phải chạy 6 vòng cầu thang từ tầng 1 lên tầng 3 (lên và xuống mới được tính là 1 vòng) tương đương với chạy thang bộ lên tầng 18... con gào khóc khóc không chịu chạy than mệt.


Nhìn con xót ruột vừa lấy máu 4 lần chưa hoàn hồn giờ lại phải chạy hồng hộc. Nhưng không biết làm thế nào ... chỉ ước nếu mẹ lấy máu thay con được mẹ sẵn sàng. Thấy con không chịu chạy mẹ phải chạy cùng con 2 mẹ con đốc thúc nhau chạy, hồng hộc, mẹ chạy sau thúc con, con vừa chạy vừa khóc, dỗ dành không được mẹ lại phải dở giọng chợ búa chửi bới doạ nạt (khổ thân con nhưng không biết làm cách nào).


Cuối cùng thì cũng hoàn thành, nhịp tim của con phải tăng lên 132 nhịp thì mới lấy máu để xét nghiệm được. Mọi xét nghiệm đã hoàn thành trong ngày hôm nay kết quả chờ đến thứ 2 mới được trả.


2 mẹ con đã có hành trình đội nắng đội mưa (hôm kia trên đường trở về từ bệnh viện 2 mẹ con đã mắc mưa). Con cũng đã cố gắng hết sức vì biết bệnh tình của mình và không muốn mình bị lùn mãi mãi... mẹ thì như thế này cũng không nhằm nhò gì, dù có phải gian khổ hơn nữa nhưng nếu mang lại kết quả điều trị tốt cho con thì mẹ cũng sẵn sàng!


Cầu mong con thích ứng tốt với điều trị, cho con gái được phát triển bình thường cao được 1m55 thôi, chứ không mong gì hơn!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm