Có tiền vẫn trắng tay khi cho vay kiểu "tín dụng đen"

15/09/2015 - 16:25
Nhiều người vì không đủ điều kiện vay ngân hàng nên đã hỏi vay tín dụng đen với lãi suất gấp 5-7 hoặc hàng chục lần so với lãi suất ngân hàng.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, ở Việt Nam ước tính cho vay ngoài hệ thống hay còn gọi là "tín dụng đen" hiện bằng khoảng 30% tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp.

Các chuyên gia nước ngoài gọi đó là “ngân hàng ngầm”, còn TS Thành thì dùng thuật ngữ là “ngân hàng bóng - ngân hàng ẩn”.

Sự tồn tại của các “ngân hàng ngầm” có tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Dễ thấy nhất là việc khiến các cơ quan điều hành không kiểm soát được nguồn cung tiền, cung tín dụng một cách đầy đủ. Hệ lụy đổ vỡ ảnh hưởng tới xã hội rất tiêu cực. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng chính thống chưa đáp ứng được kỳ vọng của một bộ phận người dân thì hệ thống “ngân hàng ngầm” càng có cơ hội tung hoành.

Tín dụng đen có thể là một nguồn thanh khoản khi ngân hàng không hoạt động một cách đầy đủ. Ảnh: Theo Shutter Stock

Những người có nhu cầu tài chính những không đủ điều kiện vay ngân hàng thì có thể hỏi vay từ một số người quen biết với lãi suất gấp 5-7 hoặc hàng chục lần so với lãi suất ngân hàng; những người có tiền nhàn rỗi, muốn đồng tiền sinh lợi lớn hơn mức lãi suất của ngân hàng thì cũng có sẵn những đầu mối tiếp nhận tiền và trả lãi tới vài chục phần trăm mỗi tháng.

Thế nhưng, khi người vay tiền không có tiền trả nợ thì bị xiết tài sản, xiết nhà hoặc bị dùng vũ lực để “xử đẹp”. Người gửi tiền thỉnh thoảng lại phải đối mặt với những vụ vỡ nợ, bao nhiêu công lao tích cóp từ nhiều năm bỗng tan biến thành mây khói...
Vấn đề phải chấn chỉnh thị trường chính thống để tạo lập lại niềm tin cho người dân, chứ không thể bằng biện pháp hành chính để giải quyết.

Cụ thể là ngân hàng phải rút ngắn chi phí, tăng hiệu quả trong hoạt động cho vay và bộ phận giám sát rủi ro của ngân hàng phải hoạt động tích cực.

Còn các chuyên gia quốc tế thì cho rằng: “Cần phải xem xét việc quản lý nó, nếu không, nó có thể là một nguồn thanh khoản khi lĩnh vực ngân hàng không hoạt động một cách đầy đủ”.

Về phía người dân, hết sức cảnh giác với thị trường đầy cám dỗ nhưng cũng quá nhiều rủi ro này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm