Còn 9/20 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

PVH
21/05/2024 - 16:23
Còn 9/20 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới

Đại diện các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia chương trình vì bình đẳng giới. Ảnh minh họa

Tính đến cuối năm 2023, đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 9 chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt được một phần so với mục tiêu đề ra trong các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đến 2025.

Như PNVN đã đưa, ngày mai (22/5), Chính phủ sẽ trình Quốc hội Báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023. Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về nội dung này tại phiên họp tại tổ sáng 23/5.

Có 9 chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt được một phần so với mục tiêu đề ra, cụ thể:

Mục tiêu 1: Trong lĩnh vực chính trị

Chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ

Đến 31/12/2023, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 14/30 cơ quan, đạt 46,67% (tỷ lệ này của năm 2022 là 15/30 đạt 50%) như vậy so với năm 2022 thì năm 2023 giảm 3,33%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18/126 (đạt 14,29%). Trong đó:

Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/22 (đạt 59%) và không thay đổi so với năm 2022. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trên tổng số lãnh đạo chủ chốt của các bộ, cơ quan ngang bộ là 15/98 (đạt 15,31%).

Tỷ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 1/8 cơ quan (đạt 12,5%). Trong đó, số lãnh đạo chủ chốt là nữ trong tổng số lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan thuộc Chính phủ là 3/28 người (đạt 10,71%).

Mục tiêu 3: Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.

Theo kết quả điều tra Lao động việc làm năm 2023, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của nữ giới cao hơn 1,8 lần so với nam giới (nữ làm 16,13 giờ/tuần, nam làm 8,75 giờ/tuần). Năm 2022, mức chênh lệch này là 1,78 lần.

Còn 9/20 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới- Ảnh 1.

Danh mục 9 chỉ tiêu chưa đạt, hoặc chỉ đạt một phần so với mục tiêu đề ra

Mục tiêu 4: Trong lĩnh vực y tế

Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến quý III năm 2023 tỷ số giới tính khi sinh là 113,6 bé trai/100 bé gái (năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái). Tuy nhiên, theo Báo cáo tình hình dân số, lao động và việc làm quý IV và cả năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái (năm 2022 là 111,5 bé trai/100 bé gái). Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên.

- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030.

Theo Kết quả điều tra toàn quốc của Tổng Cục thống kê, chỉ số tử vong mẹ năm 2019 đã giảm rõ rệt từ 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2019. Tuy hằng năm không có số liệu chính thức về tỷ số tử vong mẹ nhưng qua theo dõi số ca tử vong mẹ được báo cáo trong hệ thống thống kê y tế cho thấy xu hướng tử vong mẹ tiếp tục giảm trong những năm vừa qua và ước còn khoảng 42/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2025.

Mục tiêu 5: Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Theo báo cáo năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Năm 2023 tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt 47.778/101.608 (47%) năm 2022 là 43.423/94.501 (46%).

Năm 2023 tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục là 1.631/4.191 (39%), năm 2022 là 1.490/3.968 (38%).

Mục tiêu 6: Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông

Chỉ tiêu 2: Từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.

Năm 2023, theo báo cáo của địa phương, có khoảng 93,3% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới. Như vậy chỉ tiêu này tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

- Chỉ tiêu 3. Từ năm 2025 trở đi 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở.

Năm 2023, theo thống kê từ các địa phương, có khoảng 90,8% các xã phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở. Như vậy chỉ tiêu này cách mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 9,2%. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm