Còn ai mặn mà với thơ…

17/09/2015 - 16:52
Không hiếm khi, nếu ai trót mở miệng đọc một câu thơ, sẽ bị coi là gàn dở…

Có rất nhiều người hỏi tôi: Tại sao viết nhiều và đăng cũng nhiều rồi mà chưa xuất bản tập thơ nào? Có người là nhà thơ thực sự nổi tiếng trong làng văn rồi cũng bảo: Em nên xuất bản tập thơ trước tháng 9 này rồi dự thi, biết đâu may mắn lại được giải gì đấy!

Ban đầu tôi cũng hào hứng lắm, giải thì chưa từng dám nghĩ đến nhưng cũng muốn xuất bản một tập thơ cho riêng mình xem như đó cũng là việc lưu giữ những tinh túy của tâm hồn trong suốt thời gian qua. Việc xuất bản thơ giờ không khó chỉ cần có thơ và kinh phí thì sẽ xuất bản được...

Đang háo hức thì một một lần trong thang máy, nhân lúc cả nhóm nói chuyện vui vẻ thì có một bạn nào đó lên tiếng dẫn 2 câu thơ. Cả đám đông (ngoại trừ tôi) xúm lại mai mỉa bạn ấy: "Thôi.. thôi... xin đi, thơ với chả văn", rồi tất cả cùng he hé cười... Tôi thấy chợt buồn nhưng đành tự thầm an ủi, mỗi người có một sở thích và đam mê riêng, những người đó họ không có cùng niềm đam mê với mình, cũng giống như mình không có cùng niềm đam mê buôn chuyện và soi mói người khác như họ, vậy thôi!

 

Lần khác, tôi đến nhà một cô bạn, người thường luôn miệng nói yêu thơ văn, vô tình nhìn xuống gầm ghế nhà bạn ấy, thấy một quyển thơ. Cầm lên thấy bụi bám, đoán chắc nó nằm ở đó cũng lâu rồi. Mở ra ngay trang đầu là dòng đề tặng của một tác giả cũng khá có tiếng trong làng thơ, tự nhiên thấy tủi cho thơ và cho chính tác giả đề tặng quá! Giá như cô ấy đừng luôn tỏ ra mình là người yêu thơ văn và trọng câu chữ thì có lẽ tác giả cuốn thơ đã không phải tặng nhầm người.

Thêm việc cách đây mấy bữa, trong buổi tiệc liên hoan nhỏ tại nhà một người bạn, trong câu chuyện của một cô giáo dạy văn, cũng nghe tiếng là giỏi, nói với một anh cũng khá thành đạt trong cuộc sống nhưng làm bên kinh tế, khi anh ấy khoe bố của mình rất có tài thơ văn, thường xuyên được đăng bài trên các báo trung ương và địa phương, tiếc là anh ấy không thừa hưởng được tài hoa ấy mà chỉ có thể đọc và cảm nhận về một tác phẩm nào đó thôi. Nghe xong, cô giáo dạy văn liền phán: "Anh may đấy! Viết thơ nhiều khéo thành hâm chứ làm sao được như bây giờ ".

Tôi ngồi bàn bên nghe xong hơi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng thứ nhất là với cách cư xử của một cô giáo với người nói chuyện bởi người đó đang nói về chính bố của họ. Ngỡ ngàng thứ hai, với người không gắn với nghiệp câu chữ, không nhờ văn thơ mà có nghề, có miếng ăn, thì họ khinh khi xem thường nghiệp thơ văn, xem thường người viết tôi còn có thể hiểu, nhưng là cô giáo dạy văn - kẻ bám vào câu chữ để mưu sinh - mà còn ngoảnh mặt với thơ văn, với người viết thơ, viết văn thế thì còn biết nói gì hơn! Thiết nghĩ nếu cô ấy dạy bộ môn khác và đừng được công nhận danh giáo viên văn giỏi, có lẽ tôi đã không ngỡ ngàng nhiều đến thế!

Sau những lần chứng kiến cái cách mà người ta ruồng rẫy thơ như vậy, ý định ban đầu muốn xuất bản ra mắt tập thơ vào thời điểm này của tôi gần như tiêu tán. Tôi sợ đứa con mình sinh ra gặp phải sự vô tình của lòng người, sẽ trở nên cô độc lạc lõng, sẽ bị vứt bỏ dưới gầm ghế, thậm chí còn tệ hơn thế.

 

Chợt nhớ đến bài phân tích của nhà văn Nguyễn Quang Thiều mà thấy thấm thía! Có lẽ khi xưa người ta sống ngập trong ca dao, hò vè , vì thế mà lòng người thuần lương, hướng thiện và bao dung. Giờ đây, ai mở miệng ra đọc một câu ca dao ví von, đọc một câu thơ hay một lời trích dẫn tâm đắc thì bị bịt miệng ngay bởi đám đông cùng sự mỉa mai, thậm chí đó không còn được xem là sự hiểu biết nữa mà có khi lại bị ghép cho tiếng gàn dở cũng nên.

Và phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ, lòng dạ càng ngày càng vô tâm, thực dụng và ngoảnh mặt với chữ nghĩa?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm