pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con cái thành niên sống dựa vào cha mẹ
Ảnh minh họa
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, việc con cái trưởng thành sẽ sống độc lập với bố mẹ ở Việt Nam không phải là một hiện tượng phổ biến. Thứ nhất, tâm lý của người Việt Nam mặc định một cuộc sống ông bà, bố mẹ mong muốn con cháu quây quần, việc giáo dục cho con tự lập tài chính, sống tách ra khỏi gia đình không được đề cao. Thứ hai là hạn chế về kỹ năng sống cũng như kỹ năng hoạch định tương lai nên giới trẻ cũng chưa thực sự tự tin bước ra khỏi vòng tay của bố mẹ để xây dựng một cuộc sống riêng của mình. Thứ ba, cuộc sống hiện nay nhiều áp lực chi phí, thị trường lao động khó khăn, nhóm người trẻ mà có thể ra kiếm một công việc để tự lập một cách tương đối với bố mẹ khá là vất vả, không hề dễ dàng. Thứ tư, những người trẻ có cuộc sống tách biệt, không dựa dẫm vào cha mẹ không hẳn do họ mong muốn điều đó mà bất đắc dĩ rơi vào hoàn cảnh đó và phải thích nghi, bắt buộc phải chấp nhận như những bạn trẻ ở quê ra thành phố học hoặc lao động kiếm sống, những bạn trẻ phải xa gia đình từ nhỏ...
TS Tuấn Anh phân tích, có 2 kiểu người trẻ khi lớn, trưởng thành vẫn sống dựa vào bố mẹ. Thứ nhất là những người ở cùng nhà với bố mẹ, kể cả lúc đã lập gia đình. Họ vẫn đi làm, kiếm tiền ngay từ lúc còn sinh viên như tìm học bổng, làm gia sư, kiếm việc làm thêm, có một phần cuộc sống độc lập, không phải xin tiền bố mẹ, vẫn lo được cuộc sống của mình. Thứ hai là những người tách ra khỏi bố mẹ, tự thuê nhà hoặc có nhà bố mẹ mua cho. Nhóm đối tượng này thường gia đình có điều kiện tạo cho họ cuộc sống độc lập. Nhưng nó có tính hai mặt ở chỗ, không phải bạn trẻ nào được bố mẹ tạo điều kiện cũng có thể sống độc lập đúng như ý nghĩa ban đầu dự định. Nhiều bạn thiếu kỹ năng hoạch định cuộc sống độc lập, có thể kiếm được nhiều tiền hoặc được bố mẹ cho nhưng không có kỹ năng phân bổ tiêu dùng tài chính. Chi tiêu quá đà nên đang từ thế chủ động lại thành bị động, đến lúc không khắc phục được khó khăn thì quay về cầu cứu bố mẹ.
Đối với nhóm gia đình trẻ, mới tạo lập cuộc sống, họ cần sự trợ giúp của bố mẹ đôi bên, TS Tuấn Anh không coi đó là sự dựa dẫm vào bố mẹ. Khi cuộc sống gia đình ở thành thị, nhất là với những gia đình trẻ, lại từ vùng nông thôn ra thành thị, thu nhập của vợ chồng không đủ để thuê người giúp việc (hay lứa tuổi của con quá nhỏ để bố mẹ yên tâm giao con cho người giúp việc) hoặc có thể tìm một trường học gửi trẻ an toàn. Nhiều gia đình gửi con về quê nhờ bố mẹ chăm giúp thực ra là một sự bất đắc dĩ. Con cái được ở gần bố mẹ thì sự chăm sóc chắc chắn sẽ đầy đủ, bố mẹ yên tâm. Trong trường hợp phải gửi về ông bà thì việc nuôi dạy con cũng như duy trì một tổ ấm có sự tương tác, gắn kết vợ chồng sẽ hạn chế. Việc ông bà dạy dỗ cháu không phải cách một thế hệ mà cách hai thế hệ, ông bà lại có xu hướng chiều cháu nên đôi khi sự nghiêm khắc, quản lý cháu thực sự không thể bằng bố mẹ, nhất là những bạn nhỏ dưới 5 tuổi, ông bà không thể kiểm soát được cháu, nhiều trường hợp đau buồn đã xảy ra.
TS Tuấn Anh chỉ rõ, nhiều bạn trẻ chưa lập gia đình cũng chọn ra ngoài sống độc lập nhiều khi vì đọc về cuộc sống ấy ở nước ngoài và muốn trải nghiệm. Để đáp ứng được yêu cầu đó, trước tiên cha mẹ phải có điều kiện tối thiểu có thể đáp ứng cho con. Từ đó, cha mẹ và con cái cùng ngồi với nhau để phân tích, chỉ ra những ích lợi cũng như bất cập khi người trẻ ra ở riêng để con tưởng tượng, hình dung một cách tương đối cuộc sống khi không có bố mẹ ở bên cạnh, sẽ phải đối mặt với những gì. Bên cạnh việc cha mẹ khuyên răn, giảng giải thì cần trang bị cho người trẻ các kỹ năng của cuộc sống tự lập, từ quản lý chi tiêu, từ kỹ năng tiết kiệm cho đến quản trị cuộc sống, ăn ở, nấu nướng, đi lại, bạn bè, học tập. Phải có sự chia sẻ hoặc cho các bạn trẻ tham gia các khoá học kỹ năng tự lập. Nhất là phải có kỹ năng tìm việc làm, kiếm được tiền để duy trì cuộc sống.
Theo TS Tuấn Anh, ở một mình thì sự quan tâm của bố mẹ không thường xuyên, các bạn trẻ cần có kỹ năng, ý thức tự chăm sóc sức khoẻ bản thân, đảm bảo dinh dưỡng, tập luyện thể thao, giảm sự lo lắng của cha mẹ. Ở một mình có nhiều mối quan hệ bạn bè, đôi khi có thể đi muộn, đi qua đêm, cuộc sống tự do có nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ phải đối mặt.
Ví dụ, với trẻ 2-3 tuổi, khi trẻ ngã, bố mẹ cổ vũ, động viên con nỗ lực tự đứng dậy. Đó chính là cách dạy con không dựa dẫm vào bố mẹ. Ở tuổi cao hơn một chút, bố mẹ lại hướng dẫn con nếu đi chơi ở trung tâm thương mại mà bị lạc bố mẹ thì phải biết chạy ra bốt bảo vệ hoặc tìm các cô chú mặc đồng phục an ninh, cảnh sát để nhờ trợ giúp. Dạy cho trẻ biết tên, số điện thoại của bố mẹ để dùng trong trường hợp cần thiết. Đó chính là dạy con tự giải quyết vấn đề. Lớn hơn nữa, các con bắt đầu sử dụng máy tính, điện thoại, lại dạy con độc lập trong cuộc sống, tự tra cứu thông tin hữu ích trên mạng chứ không cầu cứu bố mẹ tìm cho, hướng dẫn các con cách dùng mạng hiệu quả. Đó chính là dạy con biết vận dụng hiểu biết, biết như thế nào là hiệu quả nhất.
Tiếp theo, khi con được tiêu tiền, tiếp xúc với tài chính, có thể ngay từ lớp một, từ việc quản lý tiền mừng tuổi, tiền người lớn cho, tham gia cuộc thi nào đó được phần thưởng… dạy con có ý thức tiêu tiết kiệm, phân bổ như thế nào, ghi chép đầy đủ… Hướng dẫn các con tiền chia thành nhiều mục, để mua sách, mua quần áo, ăn kem, đi chơi… Rồi giáo dục con cách ứng xử khi nhận tiền mừng tuổi. Đó chính là dạy con tiêu tiền có kế hoạch. Hay khi trẻ đòi mua đồ, bố mẹ không nói là nhà mình nghèo, không có tiền mua món đồ đó hay đó là món đồ đắt mà phải hướng dẫn con làm gì để kiếm tiền mua được, muốn có được thì phải lao động, làm việc, học giỏi... như thế nào. Đó chính là khuyến khích trẻ đạt được điều gì đó từ sự nỗ lực của bản thân chứ không phải nhờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.