Lắng nghe con
Khi phát hiện cậu con trai tên Quang đang học lớp 7 trốn tiết đi chơi điện tử, chị Nguyễn Thị Ngân (Tiên Du, Bắc Ninh) đã rất tức giận. Thế nhưng, chị vẫn cố gắng bình tĩnh để ngồi nói chuyện với con. Chị sử dụng những ví dụ về những cậu nhóc khác trong làng vì lười học nên đã không thể thành công. Chị khuyên nhủ đủ điều để mong con hiểu được tác hại của việc chơi điện tử và dừng lại. Một tuần sau đó, chị được cô giáo chủ nhiệm trực tiếp liên hệ với lý do: “Quang lại bỏ hai tiết Toán trong tuần này!”.
Lúc đó, chị đã tự hỏi chính mình liệu cách dạy con của chị có gì không đúng? Chị không hề mắng mỏ mà chỉ khuyên răn con. Chồng chị khi đó vừa đi công tác về. Biết tin, anh đã vào phòng và nói chuyện cùng con. Trong cuộc trao đổi đó, rốt cuộc chỉ có thằng bé nói, chồng chị Ngân ngay từ đầu đã thủ sẵn thế lắng nghe. Thằng bé kể với bố về sự đối xử bất công của cô giáo dạy Toán chỉ sau một lần cậu bé nói chuyện riêng trong giờ khiến cậu bé cảm thấy chán học. Đúng lúc đó, bạn rủ đi chơi game, thế là cậu bỏ giờ.
Nhờ có chồng, chị Ngân mới hiểu ra căn nguyên vấn đề, phối hợp với cô giáo chủ nhiệm để giúp đỡ con. Khi đó, chị biết thêm một cách giao tiếp để “làm việc” với con. “Những đứa trẻ đã nghe đủ rồi. Ai cũng mắng, cũng răn dạy nhưng chẳng ai lắng nghe chúng. Ban đầu chồng tôi nói thế tôi còn bảo dở hơi. Chúng nó trẻ con biết gì đâu mà nói, nói thì sao mình nghe theo được. Nhưng đến khi thấy được hiệu quả của việc lắng nghe con, tôi mới nhận ra mình sai. Nếu đặt mình vào vị trí của con, hiểu cảm giác của con hơn thì mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái sẽ tốt hơn lên rất nhiều” - chị Ngân đúc kết.
Thừa nhận mình sai
Chị Phạm Hương Ly (Nghĩa Hưng, Nam Định) có hai cô con gái. Con gái lớn vừa tốt nghiệp đại học, con gái nhỏ năm nay học lớp 12. “Năm năm trước, con bé lớn nhà tôi muốn thi vào khoa Du lịch, nó thích được đi đây đó. Vợ chồng tôi phản đối vì thấy nghề đó quá vất vả, con gái mà theo cực lắm. Cả nhà chiến tranh lạnh với nhau, chỉ vì con khăng khăng đòi thi theo ý mình, còn vợ chồng tôi muốn con theo học Ngân hàng. Rốt cuộc là nó học Ngân hàng đấy. Nó nhượng bộ vợ chồng tôi đấy!”.
Con nghe theo ý mình nhưng chị Ly lại không cảm thấy vui vẻ. Chị có cảm giác như mình đã tước đi quyền mơ ước và sự lựa chọn của con. Nhưng vì lo lắng con chưa đủ kinh nghiệm để quyết định, nên chị chẳng để tâm đến suy nghĩ của con. “Làm bố làm mẹ nên đành chọn thay con mình chứ biết làm sao!”.
Hiện tại, con gái lớn của chị đang làm... phóng viên theo dõi mảng du lịch, vẫn được đi đây đi đó thay vì ngồi bàn giấy trong ngân hàng.
“Nghĩ lại mới thấy mình sai. Nếu ngày xưa không ép buộc con phải nghe theo ý mình, thì giờ con đã không phải uổng phí bốn năm học mớ kiến thức mà nó không dùng. Giờ con kiếm tiền cũng cực lắm nhưng nhìn con lúc nào cũng vui. Giá mà lúc đó, cả nhà ngồi bàn tính để thống nhất giải pháp nào đó tốt hơn. Hồi ấy chỉ nghĩ hoặc Du lịch hoặc Ngân hàng. Giờ nghĩ lại, nếu lúc đó nghe xem con muốn gì, con nói muốn viết lách và du lịch thì có lẽ cho con học các kỹ năng như ngoại ngữ, viết, vẽ... thì có khi còn nhanh ra “lò” và hiệu quả hơn học đại học”.
Rút kinh nghiệm từ con gái lớn, đối với cô con gái nhỏ, chị Ly không còn quản lý con nữa. Vợ chồng chị đưa ra lời khuyên nhưng cũng lắng nghe quan điểm của con. Không ai đúng hoàn toàn, không ai sai hoàn toàn. Vợ chồng chị Ly đã thừa nhận sai để cùng con tìm ra một hướng đi mới tới một tương lai tốt đẹp hơn cho con.
Chỉ khi bố mẹ đồng cảm và chịu đặt mình vào vị trí của con để nhìn nhận vấn đề, bố mẹ và con cái mới có thể cộng hưởng sức mạnh để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.