Con gái bụi đời khi bố đi bước nữa

07/10/2015 - 09:13
Con cái rồi cũng có cuộc sống riêng, không thể kề cận mãi bên bố mẹ, chỉ có người bạn đời là luôn bên cạnh và đồng hành cùng ta trên suốt chặng đường đời.

Sau tiếng khóc nức nở, con gái anh vụt chạy ra đường. Từ đó đến nay, cả tuần lễ rồi. Điện thoại luôn khóa máy, không thể liên lạc được. Tìm kiếm ở nhà bạn bè, người thân nhưng vẫn bật âm vô tín. Anh thẫn thờ như người mất hồn. Anh vẫn nhớ như in giây phút do không kiềm chế được mà đã bạt tai đứa con gái, vốn cả chục năm nay anh không hề một câu nặng nhẹ. “Giọt nước tràn ly” đã đẩy mâu thuẫn đến đỉnh điểm.

 Không đồng ý bố đi bước nữa, con gái anh bỏ nhà đi bụi (Ảnh minh họa)

Từ ngày vợ mất, sống cảnh “gà trống nuôi con”, anh chăm sóc đứa con gái chu đáo, không hề tơ tưởng đến “bóng hồng” nào. Mãi đến khi con tốt nghiệp đại học, anh mới dám mở lòng với người nữ đồng nghiệp đặng chia sẻ lúc “tối lửa tắt đèn”. Nghe anh tâm sự xa gần, từ họ hàng đến bạn bè đều ủng hộ.

Oái ăm, khi hay chuyện thì con gái anh phản đối kịch liệt. Cô bé không muốn bất kỳ người phụ nữ lạ mặt nào đặt chân vào trong ngôi nhà mình. Đó là lý do khiến nó bỏ nhà “đi bụi”. Anh ân hận, tìm cách giãn dần khỏi mối quan hệ đã gắn bó sâu đậm. Sau khi biết chắc người tình của bố không còn lui tới nữa, con gái anh mới chịu quay về nhà.

Trường hợp đó không phải cá biệt. Nhiều người vì quá thương bố/mẹ đã mất (hoặc ly hôn) nên không muốn người còn lại “đi bước nữa”. Họ không muốn một ai khác thay thế hình bóng cũ đã hằn sâu trong tâm tưởng. Bởi một khi điều đó xảy ra, có nghĩa là lòng yêu thương phải san sẻ chứ không còn trọn vẹn như trước. Mấu chốt vấn đề là ở đó.

Chị bạn tôi vốn tinh tế, ý tứ nên khi có mối quan hệ mới, chị bàn với với “người kia” là không ai về ở hẳn nhà ai. Hằng ngày, qua lại chăm sóc từ miếng cơm manh áo đến hỏi han chuyện trò; còn lúc cần không gian riêng biệt, họ tìm đến một nơi khác. Cách xử lý khéo léo này nhằm giúp con cái đôi bên thấy rằng, cả 2 không “chung đụng” gì về tài chánh, kinh tế.

Nhưng vẫn có những người không được “xuôi chèo mái mái”. Bởi không chỉ lo sợ bị mất tài sản, mà tâm lý phổ biến ở nhiều người con là “độc quyền” tình yêu thương, không muốn bố/mẹ dành cho một ai khác.

Nhiều trường hợp khác cũng éo le không kém, chẳng hạn, có người còn xuân sắc nhưng sớm rơi vào cảnh góa bụa. Do đó, họ “đi bước nữa” cũng là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, không dễ. Phía gia đình chồng lấy lý do cháu nội còn bé quá, đang cần sự chăm sóc của người mẹ nên khuyên con dâu hãy nấn ná thêm một thời gian nữa, vội gì. Có điều, sự nấn ná ấy chẳng mấy chốc kéo tuột tuổi thanh xuân. Ngược lại, có bố mẹ chồng không ép buộc con dâu mà cho được quyền lựa chọn; thậm chí còn khuyến khích “đi bước nữa”.

Hoặc phía nhà vợ sợ cháu ngoại rơi vào cảnh ngộ “mẹ ghẻ con chồng” nên chẳng muốn con rể sớm “lên xe hoa” lần nữa. Cuộc sống muôn hình vạn trạng. Ở đây là tùy quan niệm sống của mỗi người nên khó có thể nói đúng, sai một cách rạch ròi. Thế nhưng xử lý thế nào vẫn là bài toán khó.

Anh bạn tôi, vốn là doanh nhân thành đạt, sau khi ly hôn, ngôi nhà đang ở phải chia đôi. Anh ở một bên, chị ở một bên. 2 nhà nhưng vẫn cùng chung 1 cổng. 2 cô con gái vẫn thường chạy qua chạy lại, lúc học ở nhà bố, khi ngủ nhà mẹ và ngược lại. Lúc hay tin vợ cũ sắp “chắp nối” với người khác, anh thương lượng, thậm chí xin chị không đưa người thứ 3 về ở chung nhà. Nếu cần, anh sẵn sàng cung cấp tài chánh để họ ở chỗ khác. Nhiều người bảo rằng anh… ghen! Không phải, sở dĩ anh đau đầu tính toán vì 2 đứa con gái của anh đang tuổi lớn, nếu chồng mới của mẹ chúng đạo đức kém thì ai có thể lường trước chuyện gì sẽ xảy ra? 

Trở lại với câu chuyện ban đầu, cô con gái ấy đã lập gia đình và lên thành phố ở nhà chồng. Hằng ngày, cô vẫn gọi điện thoại về hỏi thăm bố. Lần nọ, cô gọi liên tục nhưng không ai nghe máy. Linh tính có chuyện không hay xảy ra, vợ chồng cô vội vàng phóng xe về quê. Thì ra, ông bố đang cấp cứu tại bệnh viện nhưng không có người thân bên cạnh. Bấy giờ cô mới hiểu ra rằng, mỗi người rồi ai cũng có một cuộc sống riêng mà đôi khi bố mẹ hoặc con cái dù yêu thương cách mấy cũng khó có thể chăm lo chu toàn. Lựa lúc bố khỏe khoắn tỉnh táo, cô mới hỏi dò về người tình của bố. Từ thông tin đó, cô đã chủ động đến gặp và làm mọi cách để gắn kết lại mối quan hệ cũ của 2 người, bởi “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm