pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con gái của liệt sĩ mong một lần được gặp mặt cha trong mơ
Thế hệ trẻ ngày hôm nay thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh minh họa
Khi ông tôi hy sinh, mẹ tôi mới được 7 tháng tuổi trong bụng bà tôi. Mẹ tôi là con út trong gia đình có 3 anh em. Khi bố hy sinh, 2 anh trai của mẹ tôi đều chưa đầy 10 tuổi. Dù vậy, ký ức ít ỏi về hình bóng cha trong 2 bác tôi cũng còn chút mờ tỏ, chỉ có mẹ tôi sinh ra chưa một lần biết mặt cha mình.
Bà tôi kể rằng, ngày ấy ông là cán bộ đi hoạt động cách mạng, nhiều ngày tháng ông chỉ về nhà trong đêm ở căn hầm nhỏ bên trái nhà, mỗi lần về cùng ông còn có nhiều người về theo và bí mật rời đi khi trời chưa kịp sáng. Đến ngay cả bà tôi còn nhiều ngày chưa nhìn rõ mặt ông, bà chỉ nghe tiếng ông bảo bà chuẩn bị đồ ăn, thức uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngần này người và vào lúc nào phải có. Ngoài ra, ông cũng không nói gì về công việc ông đang làm, bà cũng không bao giờ biết ông hôm nay đi thì ngày nào trở về. Nhưng mỗi lần thấy ông về trong đêm, nghe giọng ông dặn dò vợ con vài phút, đó là thêm một lần bà tôi vơi đi những lo âu, phấp phỏng, biết ông vẫn còn sống.
Rồi một ngày nọ, nỗi lo lắng khôn nguôi của bà tôi đã thành sự thật. Ông tôi và vài người rời đi sau đêm hôm ấy, nhiều ngày sau không bao giờ trở lại. Vài tháng chờ đợi mỏi mòn bóng dáng ông quay về, nhưng đó là ngày bà tôi nhận được tin ông đã hy sinh khi bị địch phục kích. Giấy báo tử được gửi đến nhà khi bà tôi vừa sinh hạ mẹ tôi được hơn 1 tháng tuổi. Nỗi đau mất chồng khi bà tôi mới 27 tuổi, để lại 3 con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu, tưởng như bà tôi không thể gượng dậy. Thế nhưng, người vợ liệt sĩ kiên cường như bà tôi vẫn phải gắng gượng dồn tất cả sức lực còn lại để thay chồng chăm nuôi bố mẹ chồng già yếu và 3 đứa con thơ dại nên người.
Bà tôi bảo, ngày ấy thời buổi chiến tranh loạn lạc, ông tôi là cán bộ cách mạng, hoạt động bí mật nên chẳng bao giờ chụp ảnh. Chính vì vậy mà cho đến tận bây giờ, trên ban thờ của gia đình tôi chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ mang tên ông, lặng lẽ đặt ngay ngắn trong khung ảnh, thay cho tấm di ảnh của người quá cố. Ngày cuối cùng ông đi khỏi nhà cũng được lấy làm ngày giỗ của ông.
Tuổi thơ của mẹ tôi lớn lên chưa một ngày có hơi ấm của cha, khiến cho nỗi khao khát được thấy cha trong tưởng tượng, trong giấc mơ vẫn hiển hiện mỗi ngày. "Mẹ chỉ mong được một lần gặp cha trong mơ, mẹ cũng mong mình biết vẽ giỏi để có thể vẽ lại gương mặt cha làm tấm di ảnh trên ban thờ…". "Mẹ nhiều lần mơ thấy cha, nhưng lần nào cũng không thể nhìn rõ mặt ông…", mẹ tôi vẫn lẩm nhẩm như thế, mỗi lần tưởng nhớ cha mình trong cõi hư vô và nỗi nhớ cha vô tận.
Sau này, mẹ tôi đi thoát ly khỏi quê hương huyện Kinh Môn (Hải Dương), đi xây dựng kinh tế ở Hà Giang rồi về Tuyên Quang sinh sống, công tác. Đến lúc nghỉ hưu, mẹ lại vào Sài Gòn sinh sống nhiều năm liền, nên mẹ tôi ít có dịp về quê thắp nén hương cho cha đúng ngày 27/7 ở nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Dẫu ở xa nơi đâu, năm nào cũng vậy, vào ngày này, chính quyền địa phương ở miền Bắc hay miền Nam cũng mời mẹ tôi đi gặp mặt, tri ân thân nhân gia đình liệt sĩ. Mẹ tôi lần nào cũng diện những bộ quần áo đẹp nhất, vì nghĩ rằng, chắc chắn những giây phút thiêng liêng ấy sẽ có linh hồn ông đi theo mẹ để sẻ chia nỗi niềm với đứa con gái út cả đời thiếu thốn tình cha. Ông sẽ vui nhiều và yên tâm an nghỉ khi thấy con gái khoẻ và mãi tự hào vì có người cha là liệt sĩ, được Tổ quốc ghi công, tri ân.
Những dịp mẹ tôi ở xa không thể về viếng nghĩa trang liệt sĩ nơi ông an nghỉ ở quê nhà, lớp con cháu chúng tôi đều thay mẹ tụ tập thắp hương tưởng nhớ ông và tri ân các anh linh liệt sĩ cũng đang nằm cùng ông ở nghĩa trang. Vào mỗi dịp 27/7, nghĩa trang nơi ông nằm đều lung linh, rực sáng trong ánh nến của lớp con cháu chúng tôi và thế hệ trẻ ngày hôm nay của xã nhà đến tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ. Dẫu biết rằng, nỗi đau mất mát người thân có thể nguôi ngoai theo năm tháng nhưng sẽ mãi không thể xoá nhoà, như nỗi nhớ cha của mẹ tôi vẫn đằng đẵng theo mẹ suốt cuộc đời. Chỉ là niềm mong mỏi nhỏ bé được nhìn thấy mặt cha trong mơ, cũng là điều không tưởng, mẹ tôi chỉ biết gửi vào cõi hư vô ấy một nỗi niềm ước ao không bao giờ thành hiện thực.