CỰU CHIẾN BINH VIẾT HƠN 40.000 LÁ THƯ BÁO TIN CHO THÂN NHÂN LIỆT SĨ
Sau mỗi chuyến đi, cựu chiến binh Đào Thiện Sính (SN 1947, ngụ trị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) lại cẩn thận ghi chép danh sách các liệt sĩ ở nghĩa trang mà ông từng đến thăm, rồi viết thư gửi về địa chỉ đã khắc trên bia. Đến nay, ông đã viết và gửi hơn 40.000 lá thư cho thân nhân các liệt sĩ.
Đến gần 300 nghĩa trang, viết hơn 40.000 lá thư
Ông Đào Thiện Sính quê ở tỉnh Hải Dương. Năm 1967, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Hơn 1 năm sau, ông nhận tin anh trai mình hy sinh (liệt sĩ Đào Chí Nguyện) nên rất đau buồn. Dù vậy, ông vẫn tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Sau đó, ông chuyển về sinh sống ở thị trấn Khánh Vĩnh và công tác ở ngành bưu điện. Năm 1979, ông tái ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Năm 1982, ông trở về địa phương và tiếp tục làm việc tại Bưu điện huyện Khánh Vĩnh.
Hồi tưởng lại ngày nhận giấy báo tử của anh trai, ông Sính kể: "Giấy báo tử ngày đó chỉ ghi hy sinh tại chiến trường miền Nam nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn, đến giờ vẫn chưa có kết quả. Từ ngày biết anh trai mất, cứ chiều chiều mẹ tôi lại mong thư ai đó, báo tin anh tôi được chôn cất ở đâu".
Thấu hiểu nỗi đau của mẹ mình và đồng cảm với biết bao người đang ngóng trông tin con nên ông Sính đã quyết tâm làm công việc làm thầm lặng mà cao đẹp, ấm tình người. Trong quá trình công tác, tranh thủ thời gian rảnh, ông lại lên đường đến các nghĩa trang ở các tỉnh bạn gần với tỉnh Khánh Hòa để tìm phần mộ của anh trai, đồng thời viết thư báo tin các phần mộ tới thân nhân liệt sĩ.
"Hồi đó đi lại khó khăn mà tôi lại đang công tác ở Bưu điện huyện Khánh Vĩnh nên không có nhiều thời gian rảnh. Mỗi năm được bao nhiêu ngày phép là tôi lại dành cả cho những cuộc kiếm tìm ấy. Hễ mỗi lần đặt chân đến một nghĩa trang liệt sĩ nào đó là lòng tôi lại thắp lên một chút hy vọng mong manh rằng từ một tấm bia bất kỳ trong nghĩa trang sẽ hiện lên dòng chữ "Liệt sĩ Đào Chí Nguyện" nhưng rồi vô vọng. Song, điều hạnh phúc là tôi giúp nhiều thân nhân các liệt sĩ tìm được phần mộ của người thân mình", ông Sính bộc bạch.
Theo ông Sính, ông bắt đầu tìm đi tìm phần mộ liệt sĩ từ năm 1976 nhưng nhiều nhất là từ năm 2007, lúc ông nghỉ hưu. Từ khi nghỉ hưu, ông dành toàn bộ quỹ thời gian để đi xa hơn, ghi chép và chuyển nhiều thư đi nhằm thông báo cho gia đình liệt sĩ ở khắp cả nước về phần mộ liệt sĩ đang yên nghỉ ở các nghĩa trang.
Người cựu binh này đã đến gần 300 nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị tới các tỉnh miền Nam, cẩn thận ghi chép tên, tuổi, quê quán các liệt sĩ. Nhiều trường hợp có đủ thông tin thôn, xã, ông gửi thư đến tận gia đình. Các trường hợp chỉ có tên huyện, tỉnh, ông gửi về Phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh, huyện đó.
Đến nay, ông đã gửi hơn 40.000 lá thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhận được thư ông, gia đình nào có điều kiện và được chính quyền, cơ quan chức năng cho phép, họ liên hệ với ông để cùng đưa hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại quê hương. Hiện đã có hơn 4.000 liệt sĩ về quê hoặc gia đình đã biết nơi yên nghỉ của người thân.
Mỗi lần đưa các anh về quê hương, tôi vui mừng khôn xiết. Ngoài gọi điện, gửi thư cảm ơn, nhiều số thân nhân liệt sĩ còn có nhã ý gửi tiền nhưng tôi từ chối. Tôi khuyên họ dùng số tiền đó để mua ghế đá hay làm các công trình tái tạo cảnh quan ở khu nghĩa trang liệt sĩ", ông Sính chia sẻ.
Còn sống là còn đi
Ở tuổi ngoài 70, ông Sính vẫn "mãi khúc quân hành" đến các nghĩa trang. Ông nói rằng, cũng có người hiểu sai về ông, họ gọi điện thoại hỏi và nhờ tìm mộ liệt sĩ theo kiểu "thị trường". Còn với mình, ông chỉ chú tâm vào việc thiện đã làm 45 năm qua. Ông Sính luôn tự hào về cái việc làm gần bằng với tuổi Đảng của mình.
Ông Sính bộc bạch, ban đầu, ông cứ âm thầm viết tay, rồi bỏ tiền túi ra gửi thư. Về sau, ông chỉ cần viết một bản bằng tay, rồi nhờ người đánh máy lại và in. Ngành bưu điện cũng hỗ trợ ông chuyển thư báo tin liệt sĩ miễn phí. Cứ như vậy, gần 10.000 điểm bưu điện văn hóa cấp xã trên cả nước nhận thư ông gửi đi.
Nhiều người khâm phục trước những nghĩa cử nặng lòng với đồng đội của ông Sính nên đã giúp đỡ kinh phí ông đi lại. Chẳng hạn như ông Phan Văn Phúc (cựu tù Côn Đảo), ông Vũ Chí Bộ, ông Trịnh Minh Sửu (TPHCM), bà Trần Thị Anh Đào (tỉnh Khánh Hòa) và nhiều cựu chiến binh ở Quảng Trị… đã thường xuyên giúp hàng chục triệu đồng để ông làm kinh phí đi tìm phần mộ liệt sĩ báo cho thân nhân của họ.
Theo ông Sính, tất cả 4 người con của ông (2 trai, 2 gái) đều đã trưởng thành, tự lo được nhà ở và việc làm ổn định. Cả nhà ủng hộ việc ông dùng lương hưu đi làm và được cả cộng đồng ủng hộ công việc thầm lặng này nên ông rất vui.
"Tôi chỉ ước có sức khỏe để tiếp tục công việc của mình. Thấy các đồng đội lạnh lẽo, cô quạnh, gia đình không biết để mà hương khói, tôi rất xót. Ngày nào còn sống, còn đi được thì ngày đó tôi vẫn lên đường để đi tìm "lời tri ân" đồng đội. Nếu một ngày không còn sức đi lại, viết thư báo tin được nữa, tôi cũng mong được chia sẻ tất cả các thông tin, kinh nghiệm mình có được cho các cơ quan, tổ chức muốn tìm kiếm thân nhân cho những ngôi mộ vô danh", ông Sính tâm sự.
Theo ông Hà Teng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Khánh Vĩnh - cựu chiến binh Đào Thiện Sính là người rất tâm huyết với các hoạt động nghĩa tình đồng đội, đặc biệt là việc viết thư báo tin cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Ông cũng thường xuyên trao đổi những thuận lợi, khó khăn để các thành viên trong Hội cùng chia sẻ, giúp đỡ.
"Với những việc làm của mình, ông Sính đã được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa nhiều lần tặng bằng khen, giấy khen. Ông là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", ông Teng cho biết.
Ông Trần Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Là những người đồng đội của nhau, chúng tôi rất tự hào về những việc làm đầy ắp nghĩa tình đồng đội của cựu chiến binh Đào Thiện Sính. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn không chịu ngơi nghỉ, vẫn nặng lòng về đồng đội, nhất là đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc, vì tinh thần hòa bình quốc tế… Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, khen thưởng những thành tích đặc biệt của cựu chiến binh Đào Thiện Sính".