Nhiều bạn trẻ tìm đến cái chết vì buồn chán, vì sự thất vọng của bản thân. Ảnh minh họa internet. |
Hét to lên một tiếng, đến gặp ba mẹ, anh chị, người yêu, chồng/vợ, bạn bè, nói chuyện với họ để được chia sẻ, lắng nghe, hỗ trợ. Nếu vẫn cảm thấy bế tắc, hét to tiếng thứ hai, tìm gặp một bác sĩ tâm lý, tâm thần để được tư vấn, điều trị, và uống thuốc. Bệnh trầm cảm nếu có, không phải là một điều xấu hổ. Đã là bệnh, thì không phải là lỗi của bất kì ai, và chắc chắn không phải là lỗi của bạn. Đã là bệnh, thì cần được theo dõi, được điều trị, được uống thuốc theo toa.
Đừng vì sợ mình là gánh nặng của người này người kia, đừng vì ngại điều tiếng của người ngoài, mà không hét to lên. Nếu bạn ra đi bằng cách tự tử, gánh nặng của sự ra đi đó còn nặng gấp ngàn lần so với “gánh nặng” của việc hỗ trợ bạn đi tiếp trong đời. Điều tiếng của người dưng, lại càng không đáng, vì ngoài bạn ra, có ai sống được cho bạn đâu. Vì vậy, nên bảo vệ mình trước nhất!
2. Đừng quá cưng chiều con cái, cưng như trứng mỏng, đụng một cái hít hà xuýt xoa tội con tui quá, khổ con tui quá, đụng một cái thấy con mình bị bất công quá, bị khổ nhục quá, lúc nào cũng muốn mang gươm, mang giáo lăm lăm bảo vệ con. Con nhỏ, nó sống theo chuẩn mực lời nói và ánh mắt của bạn. Cùng một sự việc, bạn thấy bình thường, nó cũng sẽ thấy bình thường. Bạn thấy bất thường, nó cũng sẽ thấy bất thường. Cùng một hoàn cảnh, bạn thấy khổ đau, bất công, khó chấp nhận, hay là một việc hiển nhiên dĩ nhiên phải thế, cần phải thích nghi, thì con bạn cũng sẽ học mà cảm thấy y như bạn vậy.
Đừng biến con mình thành trứng mỏng, tới khi có va chạm thật trong đời, chỉ như một cái gai nhỏ, người bình thường hay bị va chạm chỉ cần dùng nhíp lấy gai ra, thì con bạn vì là trứng mỏng, nên gai đâm một cái rách toang vỏ trứng, rơi cả lòng trắng lòng đỏ ra ngoài, lúc đó bạn muốn dọn vô cũng mệt!
Áp lực điểm số, áp lực đỗ ĐH cũng khiến nhiều bạn trẻ chọn cách tự tử. Ảnh minh họa internet. |
3. Đừng gây áp lực với con quá, đừng kiểm soát, đòi hỏi quá nhiều! Nhất là vụ bảng điểm và thi đậu hay không! Lúc tôi còn làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi mùa thi cử xong, tới thời gian báo điểm thi, là đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để gặp những ca thanh thiếu niên tự tử, vì ba mẹ la mắng khi thi không đạt. Mà năm nào cũng như năm nào, mùa thi nào cũng y kịch bản như vậy.
Mấy đứa trẻ mười mấy tuổi, lớn phổng phao, đẹp trai đẹp gái, vì buồn tủi thất vọng bản thân, ra sau nhà lấy chai thuốc trừ sâu uống có mấy giây, mà mất mấy tháng trời sống lay lắt trong bệnh viện, ruột gan phèo phổi bị cái chất độc đó thấm dần dần, ăn mòn dần dần, cho đến khi không còn sinh khí. Thật sự đúng nghĩa chết dần chết mòn, một cái chết ám ảnh tinh thần của người ở lại, và họ sẽ không thể nào quên.
Là người ngoài nhìn vào cũng còn đau thắt ruột gan, chứ đừng nói chi là ba mẹ sinh thành ra con trẻ! Vì vậy, nên quên cái bảng điểm đi. Con thi được tốt thì mừng cho nó. Con không thi đậu được, thì thôi, an ủi, ôm ấp nó một cái, nói chắc con thất vọng lắm, nhưng không sao đâu, chỉ là một kì thi mắc dịch thôi mà, mình thi mấy lần mà không được. Con có còn muốn thi nữa không, hay con muốn làm việc gì khác, con có thật sự thích vô đại học không, hay con muốn học nghề, nói đi, ba mẹ suy nghĩ với con!
Có phải đứa nào thi đại học đậu xong cũng thành công đâu? Có phải đứa nào học nghề đều là thất bại? Mình là người lớn rồi, biết rõ ràng, điểm số không làm nên con người, bằng cấp không làm nên hạnh phúc. Miễn con mình thấy phù hợp, hạnh phúc, vui vẻ, khỏe mạnh, thì mình cũng vui khỏe lây, chưa kể nó thương mình hơn nhiều nữa, có mất gì đâu?!!!!
Khi con nói buồn chán, cha mẹ cần bỏ ngang mọi việc để dành thời gian cho con. Ảnh minh họa internet. |
4. Đừng bao giờ bỏ qua khi người thân của mình nói buồn chán cần giúp đỡ! Đó không phải là dở hơi, đó là tiếng kêu cứu của một con người! Vậy cho nên, khi con nói, ba mẹ ơi con buồn quá, thì nhớ, đang làm gì cũng phải bỏ ngang, dành thời gian ngay và luôn cho con. Hỏi con buồn gì vậy, nói ba mẹ nghe đi, ba mẹ ở đây nè!!! Chứ đừng nói, vậy hả, ba mẹ đang bận việc này việc kia, để bữa khác nói đi nha - coi chừng, đó là lần cuối cùng mà bạn trò chuyện cùng con đó! Điều này cũng đúng với cả vợ chồng!
5. Nếu là người dưng, nên giữ mồm giữ miệng cho mình. Đừng độc địa với người khác. Chuyện của mình, mình lo, chuyện của người ta, người ta tự lo. Con của mình mình lo, con của người ta người ta tự quyết, chuyện gia đình người ta cũng vậy.
Nếu không nói được những câu tích cực vui vẻ ra hồn, thì im lặng đi. Đừng phê bình, bình phẩm, dè bỉu cho quen miệng sướng mồm. Chẳng được lợi gì, mà chưa biết chừng lại gây sầu chuốc oán, có mấy con chữ mà đẩy người khác xuống bờ vực thẳm tinh thần, lúc đó không biết sao mà hoàn lại được!