Con là đứa dở hơi

21/09/2015 - 23:19
Lúc buồn vui sướng khổ, người đầu tiên con nghĩ đến là mẹ.

Hôm bữa mẹ vào chơi, có nói gì đó đến đất đai. Con buột miệng: 'Thôi, của bố mẹ, bố mẹ cứ giữ, sau này hẵng hay. Chứ chia rồi, mất công chị em xào xáo...'.

Mẹ im lặng, thoáng buồn.

Mẹ không biết, mỗi ngày con đọc bao bài báo, bao thông tin nói về anh chị em trong nhà bất hòa, kiện cáo, đưa nhau ra tòa, không chừng còn chém giết nhau về tài sản nên con sợ, có một ngày mình cũng như thế. Bởi con đâu biết ngày mai mình sẽ như thế nào?

Nhưng con biết, con không thể nào như mẹ được.


18 tuổi, nhân lúc ông ngoại đi vắng, mẹ trốn nhà đi khám sức khỏe để gia nhập thanh niên xung phong vì không muốn bị ép lấy chồng. Cả huyện có mẹ và một người nữa là nữ được đi đợt đó. Ông bà giận, tính từ mặt, sau lại nghĩ con gái ra chiến trường, đối mặt sống chết, lại nguôi giận, bàn tính lên tận đơn vị thăm.

Ra quân, mẹ chuyển sang làm công nhân, gặp rồi lấy bố, sinh 3 đứa con. Hoàn cảnh nhà nội cũng khó khăn, ông nội không ở cùng nhà, bà nội bị điếc. Từ ngày mẹ sinh em út, bà nội ở luôn cùng với gia đình.

Bà nội khó khăn, khắc nghiệt, cộng thêm tai không nghe thấy khiến bà luôn dằn hắt, chửi bới. Từ chuyện cháu bị đứt dép đến chuyện Tết mà bố không chịu đưa bà về quê. Bố mẹ là công nhân, nuôi ba đứa con cùng mẹ già, đủ ăn là may mắn lắm rồi, lấy đâu ra tiền về quê như người ta. Nhưng bà không hiểu, mỗi năm một lần, bà làm mình làm mẩy bỏ cơm, cứ nằm trong giường hờ. Chẳng năm nào nhà có được cái Tết vui vẻ.

Em út năm nay cũng gần 30, bà nội cũng sắp đến tuổi trăm. 30 năm, bố đi công trình xa, một mình mẹ chịu biết bao khổ cực. Cũng may, bố là người có nghĩa có tình, mẹ chăm sóc, chịu đựng bà nội nên bố cũng hết lòng lo cho bên ngoại như muốn bù đắp phần nào. Nhờ đó, mấy dì, cậu cũng đâu vào đấy.

3 năm trước, bà nói mệt, cho bà về quê để bà yên nghỉ bên bà con làng xóm. Về đến làng, bà khỏe như trẻ lên 5, đi hết nhà này nhà kia. Bà nhất định không chịu ở với con cháu nữa, đòi bố mẹ cất cho căn nhà ở tạm. Làng xóm can ngăn, dựng một căn nhà đâu phải chuyện đơn giản, có cậu em họ bố nói để bà ở tạm nhà cậu, vì cậu tin bà chẳng ở lâu được.

Sau những ngày mới về, hàng xóm đến chơi chật nhà. Những ngày sau, chẳng còn ai đến vì người ta phải lo chuyện nhà chuyện ngõ, bà buồn, lại bắt cậu gọi điện bảo bố mẹ về đón với lý do 'cho tao chết cạnh con tao'. Một lần nữa, bố mẹ lại chiều ý bà.

Có người xúi, sao mẹ không để bà luôn ở quê, đưa vào làm gì vì ở quê bà còn một người con gái. Mẹ cười, với trình độ lớp 3 trường làng, làm sao mẹ nói được những câu văn vẻ như 'lấy chồng lấy cả giang san nhà chồng', mẹ chỉ đơn giản nói: 'Tôi không lo thì ai lo'. Bổn phận, trách nhiệm, cái tình, cái nghĩa... được mẹ gói trọn trong một từ 'lo'.

Bà bị tai biến mạch máu não liệt toàn thân phải nằm viện gần một tháng trước Tết. Ngày 3 lần mẹ bưng vào bê ra, con ở xa, tính về nhưng mẹ không cho, nói lo chuyện nhà Tết nhất đi, về cũng chẳng giúp được gì. Hai đứa em ngày cách ngày chạy ra với mẹ nhưng chẳng đứa nào thay mẹ chuyện bưng bê cho bà. Hằng ngày, nghe bà chửi từ cây tăm bó đũa, ai cũng ngán ngẩm, bây giờ bảo phải chịu đựng nghe chừng khó. Những ngày bà nằm viện, mẹ vừa là người nhà, vừa là bệnh nhân. Mùi bệnh viện làm huyết áp mẹ tăng cao, mấy lần phải 'chiếm' giường bên cạnh, đến nỗi cô ý tá ngày hai lần khám cho bà, khám luôn cho mẹ.

Còn năm ngày nữa là Tết, bác sĩ cho bà về. Hàng xóm đến thăm, ai cũng khen bà có da có thịt hơn trước khi ốm trong khi mẹ thì hốc hác, thâm quầng. Còn 5 ngày, nghe tin con cái về ăn Tết, mẹ tay năm chân mười sắm sắm sửa sửa mà vẫn không quên bổn phận mình với mẹ chồng.

Cuối cùng, cả nhà cũng có một cái Tết tươm tất. Bà nội đã khá hơn, có thể nhúc nhích được thân mình nhưng lại không nói được. Con gái khen mẹ giỏi chịu đựng, mẹ lặng người một lát, bảo: 'Có lẽ số mẹ thế, làm dâu gần 40 năm, chưa khi nào được bà nói một câu ngon ngọt, nhưng lúc giao thừa, bà lại nắm tay mẹ, rất lâu'. Cái nắm tay ấy, như sự ghi nhận những gì mẹ đã làm vì bà. Đáng tiếc là khi bà không nói được, bà mới nhận ra điều đó.

Con đã sắp 40, bao lần bố ốm mẹ đau, thế mà chưa một lần được gũi gần chăm sóc, chưa một lần mua cho mẹ viên thuốc, bóp cho mẹ cái chân đau. Thương con ở xa, mẹ cứ âm thầm giấu dù đôi lần con thấy xót lòng, gọi điện về thăm chừng, mẹ lại nói mẹ vẫn khỏe chứ có ốm đau gì. Mẹ còn đùa 'mày muốn mẹ ốm hay sao?'. Con nào biết, lúc đó mẹ đang nằm trên giường bệnh nhưng vẫn nói thế, vì không muốn con đường xá xa xôi.

Có một lần đọc mấy dòng con viết, mẹ mắng 'lắm chuyện' khi đưa mẹ vào trong đó. Mẹ đâu biết, lúc buồn vui sướng khổ, người đầu tiên con nghĩ đến là mẹ, nhìn con con đi đâu về là gọi 'mẹ ơi', con cũng muốn được như chúng, gọi mẹ ơi, dù lại nghe mẹ mắng yêu 'hâm, gọi mãi không mỏi mồm à?'

Làm sao con mỏi khi gọi mẹ, hả mẹ? Bởi khi gọi mẹ, con cảm giác mình được yêu thương, che chở. Con biết mình không thể bao dung, chịu thương chịu khó như mẹ, bởi những điều đó xuất phát từ tấm lòng, chứ không phải cố gắng mà có được.

Con ước mình đừng quá khô khan, để có thể nói: 'Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều!' dù sau đó, mẹ sẽ nói: 'Bé lắm đấy, còn... dở hơi!'

Vâng, con xin mãi là đứa con dở hơi của mẹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm