Con ngao ngán vì mẹ hễ tặng quà là 'kể công'

29/09/2018 - 18:00
Mẹ rất ít khi từ chối những yêu cầu, đòi hỏi của con. Con rất biết ơn mẹ vì điều đó. Thế nhưng, sau những lần mua đồ cho con, sau những việc mẹ làm cho con, cách mẹ “kể công” với con khiến con cảm thấy rất áp lực, ngao ngán. Món quà con nhận từ mẹ khi đó bỗng trở thành gánh nặng với con.
Con có niềm đam mê với những đôi giày. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình không khá giả nên chỉ vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, Tết... con mới xin được bố mẹ tặng giày. Con rất giữ gìn và nâng niu những đôi giày bố mẹ từng mua cho con.
 
Mới đây, con vào đội bóng rổ của trường nên muốn mua một đôi giày chơi bóng rổ. Con xin bố nhưng bố từ chối vì cho rằng con có thể sử dụng những đôi giày thể thao vẫn đi để chơi cho đỡ lãng phí. Con đề đạt nguyện vọng với mẹ và mẹ đã như một “thiên thần” khi đã đồng ý mua giày cho con.
 
Đến cửa hàng giày, dù đôi giày khá đắt, mẹ vẫn sẵn sàng “móc ví” kèm câu nói vô cùng đáng yêu: “Miễn con thích là được!”. Ngay lúc đấy, con biết ơn mẹ rất nhiều khi chỉ có mẹ mới có thể chiều chuộng những sở thích, đam mê của con.
 
Trên đường về nhà, con đã ôm mẹ thật chặt, con muốn mẹ biết con rất yêu mẹ bởi không phải người mẹ nào cũng dễ dàng đáp ứng những yêu cầu của con cái về vật chất trong khi đồng lương của mẹ ít ỏi. Mẹ đã “thổ lộ”: Mẹ chưa bao giờ dám mua đôi giày nào đắt như thế cho mẹ.
 
qua-tang-20-10.jpg
Ảnh minh họa
 
 
Hôm nay thực sự mẹ không có nhiều tiền. Mua cho con đôi giày này, mẹ phải rút đến đồng tiền cuối cùng. Thậm chí, ngày mai, không có tiền đi chợ, mẹ sẽ phải đi vay. Thế nhưng, vì con thích, mẹ vẫn mua cho con. Mẹ chỉ cần con ngoan, học giỏi thì dù có nhịn đói, mẹ vẫn có thể mua những thứ con cần.
 
Nghe mẹ nói thế, con lại thấy đôi giày của mình trở nên vô duyên. Giá như mẹ nói ngay từ đầu là thời điểm này mẹ không có tiền thì con sẽ không bao giờ đòi mua giày. Con không muốn con là đứa trẻ ích kỷ, vô tâm, không biết suy nghĩ khi đòi hỏi của mình lại khiến mẹ vất vả hơn, khiến bữa cơm trong gia đình bị ảnh hưởng.
 
Hơn nữa, việc con được mua đôi giày đồng nghĩa với con phải học giỏi, phải ngoan khiến áp lực, trách nhiệm trong con nặng nề hơn. Sự “đánh đổi” ấy khiến món quà con nhận từ mẹ bỗng trở thành gánh nặng.
 
Đây không phải lần đầu mẹ tặng quà hay đáp ứng yêu cầu của con mà “ra giá” như vậy. Mẹ không ngần ngại mua cho con bộ quần áo con thích, cho con tiền để đi chơi cùng bạn bè... nhưng lần nào cũng vậy, sau đó mẹ sẽ kể công: “Mua bộ quần áo này cho con là bằng mẹ làm quần quật mấy ngày”, “Cho con tiền đi chơi với bạn, tháng này mẹ lại phải tằn tiện tiền chi tiêu...” khiến con rất mệt mỏi.
 
Mẹ không quên “khuyến mãi” thêm mấy câu dặn dò: Mẹ không bao giờ tiếc con thứ gì, chỉ có điều con hãy cố gắng để mẹ cảm thấy yên tâm và tự hào về con...
 
Dù mẹ không “mặc cả”, “ra giá” thì con vẫn cố gắng học tập chăm chỉ, vẫn cố gắng không làm mẹ buồn. Nhưng con muốn làm mọi thứ trong sự tự nguyện và cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận quà từ mẹ. Ở tuổi teen, con có những lúc mải chơi, có những lúc sao nhãng học tập, có những lúc mê mải theo bạn bè và có những lúc sai lầm.
 
Thế nhưng, món quà “nặng trịch” của mẹ khiến con lúc nào cũng phải cố gắng. Bởi, chỉ cần một lần bị điểm kém, mẹ lại nhắc: Muốn gì mẹ cũng chiều, vậy mà có mỗi việc học cũng không ra làm sao! Mẹ đã không dám tiêu tiền chỉ vì mua đồ cho con, vậy mà con không làm mẹ yên tâm...
 
Những lúc như thế, con có cảm tưởng việc mình nhận quà như thể “há miệng mắc quai”. Mẹ có thể từ chối những yêu cầu của con nếu điều kiện kinh tế của mẹ không cho phép. Nếu biết mẹ phải hy sinh, lòng con nặng trĩu. Chỉ cần mẹ nói: “Miễn con thích, mẹ sẽ mua cho con!”. Con sẽ tự nguyện làm mọi thứ để nhìn thấy mẹ vui...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm