pnvnonline@phunuvietnam.vn
Còn nhiều vướng mắc trong chuyển đổi học bạ số
Ảnh minh họa
Minh bạch và hiệu quả trong theo dõi quá trình học tập của học sinh
Là một trong những địa phương triển khai học bạ số quy mô lớn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Kết quả triển khai thí điểm học bạ số các trường Tiểu học tính đến ngày 31/7/2024 đạt 97,6% trên toàn thành phố. Với tỷ lệ đạt được này, ngành giáo dục Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp Tiểu học.
Đánh giá về lợi ích khi thực hiện học bạ số, ông Trần Thế Cương cho biết: Việc triển khai thành công chương trình học bạ số không chỉ giảm bớt khối lượng công việc hành chính cho các thầy cô mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý, theo dõi quá trình học tập của học sinh toàn diện, minh bạch hơn. Các trường học quản lý thông tin học sinh hiệu quả hơn, giúp các phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con em mình. Học bạ số tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các chương trình giáo dục cá nhân hóa, phù hợp năng lực và nhu cầu của từng học sinh.
Là tỉnh triển khai học bạ điện tử được 3 năm, lãnh đạo Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho biết: Học bạ điện tử có nhiều lợi thế, ưu điểm như giúp cải cách, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, tiết kiệm nhiều thời gian cho giáo viên, đổi mới công tác quản lý cho nhà trường... Ngoài ra, học bạ điện tử tiện lợi, có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi.
Hiệu quả việc triển khai học bạ điện tử có thể thấy rõ trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho giáo viên. Ban giám hiệu kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên, tiến độ vào điểm, đánh giá học sinh của giáo viên thuận lợi hơn. Ngoài ra, việc quản lý hồ sơ của nhà trường trở nên dễ dàng và nhanh chóng, sắp xếp thông tin liên quan đến học sinh một cách khoa học.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Phong cho biết: Tỉnh Bình Dương triển khai học bạ điện tử từ năm học 2022-2023 đối với các khối lớp 1, 6 và 10. Ðể việc triển khai học bạ điện tử tại địa phương đạt hiệu quả, Sở GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp dịch vụ hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý nắm được quy trình, cách thức sử dụng. Việc sử dụng học bạ điện tử bước đầu mang lại nhiều thuận lợi, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên và nhà trường; đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Vướng mắc trong chuyển đổi học bạ số
Việc thay thế học bạ giấy truyền thống bằng học bạ số để sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD-ĐT là xu hướng tất yếu hiện nay. Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Thái Văn Tài cho biết: Học bạ điện tử có giá trị pháp lý khi sử dụng học bạ và khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, sử dụng đến học bạ; có cổng tra cứu học bạ số trực tuyến, tổ chức, cá nhân được cấp quyền có thể truy cập để xem, đọc và sử dụng thông tin trên học bạ; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật và được lưu trữ an toàn theo quy định.
Ngoài ra, học bạ điện tử bảo đảm thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD-ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai học bạ số, phản ánh từ một số hiệu trưởng các trường ở Hà Nội cho biết, nhà trường còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc trang cấp chữ ký số cá nhân cho giáo viên, nhân viên, nhất là ở các trường tư thục. Các trường đều phát sinh chi phí về chữ ký số, hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số. Giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số. Một số loại điện thoại chưa tương thích với phần mềm đòi hỏi phải nâng cấp, thay thế thiết bị, một số đơn vị giáo viên vẫn phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số.
Ông Trần Thế Cương kiến nghị cần sửa đổi Điều lệ trường học các cấp học; Quy chế tạo lập, quản lý, sử dụng học bạ số tạo hành lang pháp lý triển khai chính thức học bạ số từ năm học 2024-2025, đồng bộ từ cấp Tiểu học, THCS, THPT; Hướng dẫn giải quyết vấn đề một số học sinh chưa có mã định danh từ cơ sở dữ liệu dân cư do gia đình, phụ huynh chưa thực hiện khai báo, làm thủ tục mặc dù đã được nhà trường và cán bộ phường, xã vận động tích cực; học sinh từ nước ngoài về nước học tập.