Hỏi: Vợ chồng tôi có gửi trứng và tinh trùng trong bệnh viện để chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm thì chồng tôi không may qua đời. Thưa Luật sư, tôi có được tiếp tục thực hiện thụ tinh không và nếu có thì con sinh ra có phải là con chung không? Hiền Mai (TPHCM)
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định như sau: “Trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi bị chết mà cơ sở lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi nhận được thông báo kèm theo bản sao giấy khai tử hợp pháp từ phía gia đình người gửi, thì phải hủy số tinh trùng, noãn, phôi của người đó, trừ trường hợp vợ hoặc chồng của người đó có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản".
Như vậy, nếu sau khi chồng mất, bạn gửi giấy khai tử hợp pháp kèm theo đơn đề nghị lưu giữ tinh trùng và sau đó vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản thì bệnh viện vẫn sẽ lưu giữ và bảo quản. Sau đó, bạn có quyền đề nghị bệnh viện sử dụng tinh trùng và trứng để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (theo khoản 1 Điều 20 Nghị định này).
Tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân”. Thời điểm chấm dứt hôn nhân là thời điểm vợ hoặc chồng chết (Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình). Do đó, nếu con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày chồng bạn mất thì đương nhiên là con chung. Nếu con được sinh ra sau 300 ngày kể từ ngày chồng bạn mất thì không được coi là con chung. Trong trường hợp này, bạn phải làm thủ tục nhận cha cho con theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình để pháp luật thừa nhận người chồng đã mất là cha của con bạn được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.