Con tôi lấy tiền để mua tình bạn

05/08/2015 - 09:44
Bị bạn bè xa lánh, Hào buộc phải bỏ tiền ra mua nhiều quà bánh để dụ các bạn chơi với mình. Mà ngặt nỗi, những đứa trẻ chơi với Hào đều học lớp lớn hơn và có bản chất vụ lợi.

Do sung túc nên chị Hồng, vợ anh Quang, rộng rãi trong việc chi tiêu, đặc biệt trong khoản cho tiền cậu con trai cưng đi học.

Từ nhỏ, Hào - con anh chị đã nổi trội hơn so với bạn bè về mặt vật chất. Những bà mẹ khác chỉ cho tiền con từ 5 đến 10 ngàn đồng tiêu vặt thì chị Hồng đã cho Hào từ 30 đến 50 ngàn đồng. Đã vậy, chị còn mua sẵn rất nhiều đồ ăn để con mang vào lớp vì chị sợ thức ăn ở trường không hợp vệ sinh.

Có đồng nghiệp hỏi: “Chị không cho thằng bé mua quà bánh ở trường thì cho tiền nó nhiều làm gì? Con nít để tiền trong túi nhiều không tốt đâu”. Chị cười, bảo:“Cho tiền để cu cậu dắt túi không thua bạn bè thôi!”.

Tuy nhiên, lạ một điều là lâu nay anh chị không còn nhìn thấy Hào bỏ ống nuôi heo đồng nào.Trước đây, nếu không mua quà bánh, Hào thường đem tiền bỏ ống heo tiết kiệm để cuối năm đập ra mua những món đồ cậu thích. Chị Hồng hỏi thì thằng bé vẽ ra đủ thứ chuyện, nào là cho người ăn xin, mua nước khoáng, nước ngọt, hủ tíu ở căng-tin… Đến khi anh Quang bắt gặp Hào mua bánh cho bạn ăn thì mọi chuyện mới vỡ lẽ.

Thằng bé bị ba truy hỏi, cuối cùng cũng khai thật: “Không ai chơi với con nhưng nếu con mua bánh cho bạn thì các bạn lại chơi với con”. Thì ra lâu nay, bạn bè trong lớp luôn giữ khoảng cách với Hào vì gia đình Hào giàu có.

Chẳng ai từ chối kết bạn với những người có tình cảm chân thành, kể cả khi đó là người... nghèo khó. Ảnh minh họa: PNVN

Các bạn sợ chơi chung lỡ hư đồ thì không có tiền đền vì những dụng cụ học tập của Hào luôn là đồ xịn. Đã vậy, chị Hồng cấm con lại gần những bạn nghèo vì sợ bị mất cắp. Trong những lần ra chơi, các bạn rủ Hào chơi cùng thì Hào từ chối vì sợ lấm lem, nhiễm khuẩn.

Chính vì thế mà tình bạn bắt đầu có khoảng cách lớn rồi dần dần chẳng ai chịu chơi với Hào. Hào buộc lòng phải bỏ tiền ra mua nhiều quà bánh để dụ các bạn chơi với mình. Mà ngặt nỗi, những đứa trẻ chơi chung với Hào đều học khác lớp, lớn hơn Hào vài tuổi và có bản chất vụ lợi.

Nắm được điểm yếu của Hào nên mấy cô cậu học trên lớp đã lợi dụng việc chơi chung để Hào mua quà bánh, thậm chí còn cho tiền chúng tiêu xài. Vì muốn có bạn mà Hào trở nên lệ thuộc, như chú robot bị điều khiển.

Để sự việc này không lặp lại, anh Quang đã liên lạc với nhà trường. Anh bày tỏ trường hợp của con mình và nhờ phía hiệu trưởng, giám thị, giáo viên chủ nhiệm có hướng giải quyết để học sinh đoàn kết, bỏ thói xấu vụ lợi với bạn bè.

Đồng thời, anh khuyên vợ không nên tỏ thái độ giàu có với những trẻ khác; phải dạy con sống hòa đồng, giản dị và hạn chế việc cho con quá nhiều tiền tiêu vặt. Cần cho con thấy việc vui chơi là để khám phá, năng động hơn, dù lấm lem cũng không hề gì. Bao bọc con thái quá là hại con, vì trẻ sẽ luôn ỉ lại.

Với con trai, anh khuyên con nên tránh lệ thuộc tiền bạc. Tiền không thể mua được tình bạn. Thay vì dùng tiền mua bạn, có thể chứng tỏ cho bạn bè thấy họ cần con ở những khả năng khác, ngoài sự giàu có. Chẳng hạn như học giỏi, chơi bóng hay, giao tiếp tốt hoặc giàu lòng nhân ái … Chẳng ai từ chối kết bạn với những người có tình cảm chân thành, kể cả khi đó là người... nghèo khó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm