pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con trai chết từ 15 năm trước bỗng bị cảnh sát bắt: Câu chuyện khiến mọi cha mẹ phải suy nghĩ
Vào một ngày tháng 8/2019, bà Chu Lan sống ở thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc bỗng nhận được cuộc gọi từ cảnh sát giao thông tỉnh Giang Tô: "Xin lỗi, bà có phải là mẹ của Vương Văn Khánh không? Con trai bà đang bị giam giữ ở Giang Tô vì lái xe khi say rượu. Chúng tôi phải xác nhận lại với bà".
Bà Chu Lan sốc nặng khi nghe tin ấy, bởi con trai bà - Vương Văn Khánh đã chết vào 15 năm trước. Vậy tại sao cảnh sát Giang Tô lại nói đang giam giữ con trai bà? Rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra?
Mọi chuyện phải nói từ nhiều năm trước. Cụ thể vào năm 1983, bà Chu Lan cùng chồng Vương Kiến Minh sinh ra cậu con trai Vương Văn Khánh. Nam thanh niên này dù không học giỏi nhưng lại có tham vọng lớn, muốn khởi nghiệp kinh doanh, kiếm thật nhiều tiền.
Cậu thiếu niên ra đi lập nghiệp và không trở về
Năm 2003, Vương Văn Khánh tạm biệt cha mẹ, tự mình đến Thâm Quyến tìm việc làm trong một nhà máy sản xuất khuôn mẫu. Văn Khánh cũng tìm được bạn gái. Năm đầu tiên xa nhà, anh về quê ăn Tết với cha mẹ nhưng đến năm thứ hai thì tình hình bắt đầu không ổn. Thỉnh thoảng, Văn Khánh mới gọi điện cho cha mẹ được 1, 2 cuộc rồi dần mất liên lạc. Đến dịp Tết Nguyên đán, Vương Văn Khánh đã không trở về.
Anh rể của Vương Văn Khánh cho rằng, chuyện đi làm xa nhà, không về quê ăn Tết được là bình thường nhưng cả năm mới gọi được 2 cuộc điện thoại thì quả thật lạ lùng. Trong tình hình đó, Chu Lan và Vương Kiến Minh quyết định đến Thâm Quyến tìm con trai. Tuy nhiên sau một thời gian dài tìm kiếm, họ không lần ra manh mối nào.
Năm 2004, một tin khủng khiếp ập đến gia đình nhà họ Vương. Vương Văn Khánh khi đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Quảng Đông đã bị đánh chết, rơi xuống cống. Rất nhiều người nhìn thấy chứng minh thư của anh ta. Do công nghệ thời đó chưa phát triển, cộng thêm việc thiếu manh mối đáng tin cậy nên vợ chồng nhà họ Vương không có cách nào xác định được đó có phải là con trai mình không. Tuy nhiên, họ cũng dần tin rằng con trai mình đã chết.
Kể từ đó, bà Chu Lan ngày ngày rửa mặt bằng nước mắt vì nhớ thương con. Bà khóc thương con đến mù cả mắt phải. Còn ông Vương Kiến Minh trở nên lầm lũi, không nói chuyện với ai nữa.
Năm 2016, trong lúc đau buồn tột cùng, bà Chu đến đồn cảnh sát xin giấy chứng tử cho con, đồng thời hủy hộ khẩu của Vương Văn Khánh. Dù biết con trai đã qua đời nhưng cặp đôi vẫn duy trì thói quen, mua cho con một bộ quần áo mới vào mỗi dịp Tết. Mâm cơm giao thừa mỗi năm, trên bàn cũng luôn có thêm một đôi đũa, cái bát. Bằng cách này, họ thể hiện tình yêu bất diệt với con.
Cứ thế họ sống trong đau buồn suốt nhiều năm, cho đến khi nhận được cuộc gọi từ cảnh sát Giang Tô. Phía cảnh sát đặc biệt nhấn mạnh, người bị bắt chính là Vương Văn Khánh, bởi anh này có thể nói rõ ràng hoàn cảnh trong gia đình họ Vương. Đồng thời họ cũng gửi cho vợ chồng họ Vương bức ảnh chụp người đàn ông bị bắt.
Sau khi nhìn ảnh, Chu Lan kiên quyết phủ nhận đó là con mình. Bởi con họ nếu còn sống (vào năm 2019) thì mới 36 tuổi, còn người đàn ông trong ảnh trông phải ngoài 40, 50 tuổi. Ngay sau đó, hai bên đã làm xét nghiệm ADN và kết quả, người đàn ông say rượu bị bắt chính là Vương Văn Khánh.
Vậy tại sao anh ta lại giả chết, không liên lạc gì với cha mẹ suốt 15 năm? Khi được đưa trở về nhà, Vương Văn Khánh đã ôm lấy cha mẹ và kể ra toàn bộ sự thật: Thì ra vào một ngày năm 2004, khi Vương Văn Khánh và bạn gái đi mua sắm, lúc đi ngang qua một con hẻm hẻo lánh thì bị một nhóm côn đồ cướp của.
Để bảo vệ bạn gái, Vương Văn Khánh đã đánh nhau với chúng. Tuy nhiên lũ côn đồ đông hơn nên Vương Văn Khánh bị đánh gục. Túi xách của bạn gái bị giật, còn tay anh cũng gãy xương. Sau đó, Vương Văn Khánh nằm viện 4 tháng, bạn gái cũng nói lời chia tay.
Bị tới 2 cú sốc cùng một lúc nên Vương Văn Khánh không biết phải đối mặt với cha mẹ thế nào. Cuối cùng, anh ta quyết định chọn cách biến mất. Trong khoảng thời gian này, anh về nhà làm lại chứng minh thư, cũng lén quan sát gia đình từ xa nhưng cuối cùng vẫn không có dũng khí đối mặt với cha mẹ.
Sau đó, Vương Văn Khánh hợp tác với một số người mở hàng bia, cá nướng, buôn bán hàng tạp hóa nhưng không kiếm được nhiều tiền.
Là một người tham vọng, từng quyết tâm ra đi, ôm mộng lập nghiệp, kiếm được nhiều tiền nhưng giờ lại liên tiếp thất bại. Không muốn cha mẹ thất vọng về mình nên Vương Văn Khánh đã không về nhà suốt những năm qua. Không phải anh ta không muốn về nhà mà đúng hơn là không dám.
Vào một ngày tháng 8 năm 2019, Vương Văn Khánh điều khiển một chiếc xe máy trong tình trạng say rượu trên đường cao tốc ở Giang Tô, bị cảnh sát bắt. Và cuối cùng mọi chuyện diễn ra như trên.
Cha mẹ nhìn nhận gì từ câu chuyện của nhà họ Vương?
Câu chuyện dở khóc dở cười của gia đình họ Vương sau khi được báo chí đưa tin đã nhận về rất nhiều sự chú ý của dư luận. Không ít người để lại bình luận rằng: Việc cha mẹ trau dồi cho con chỉ số AQ (Adversity Quotient - chỉ số nghịch cảnh) là vô cùng quan trọng.
Nghịch cảnh có thể được hiểu là những tình huống khó khăn, trở ngại hoặc không may mắn. Vì vậy, AQ là thước đo cách con người đương đầu và đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ số AQ còn thường được gọi là khả năng phục hồi, thể hiện cách con người phản ứng khi đối mặt với những thử thách, từ rắc rối nhỏ xảy ra hàng ngày cho đến căng thẳng, áp lực nghiêm trọng hơn.
Có rất nhiều đứa trẻ ra đời với tham vọng, hoài bão nhưng chỉ vì chỉ số AQ quá thấp mà chỉ vì chút khó khăn, thử thách đã gục ngã, không đứng lên được. Điều này có thể thấy rõ từ câu chuyện của Vương Văn Khánh.
Chính vì vậy trong cuộc sống, cha mẹ ngoài trau dồi cho con các chỉ số IQ, EQ thì còn cần quan tâm đến chỉ số AQ, để đứa trẻ trở nên mạnh mẽ về măt tinh thần, có thể vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.