pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con trai mắc bệnh tâm thần vì bố mẹ bỏ bê suốt thời thơ ấu
Phan Kiệt (sinh năm 1986) sống ở thị trấn Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Thời điểm Phan Kiệt 35 tuổi - trong khi bạn bè cùng trang lứa đều đang bận bịu lo cho gia đình và sự nghiệp thì anh ta sống ngược lại.
Phan Kiệt không ra ngoài làm việc, lúc nào cũng nhốt mình trong phòng chơi game, 3 bữa ăn đều dựa vào cha mẹ. Gia đình thúc giục Phan Kiệt đi xem mắt nhưng anh ta khiến 59 đối tượng hẹn hò hoảng hốt bỏ chạy. Lý do là gặp ai, anh ta cũng yêu cầu người phụ nữ đó phải ra ngoài làm việc để nuôi sống mình.
Câu chuyện kỳ lạ của Phan Kiệt khiến anh ta trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Ai cũng tò mò, rốt cuộc điều gì đã khiến thanh niên này trở thành một con người như thế?
Đứa trẻ ngoan ngoãn, thiếu thốn sự quan tâm của cha mẹ
Phan Kiệt sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hồ Nam. Cha của Phan Kiệt dạy ở một trường tiểu học địa phương còn mẹ làm trong một công ty. Dù gia đình không quá giàu có nhưng kinh tế cũng cơ bản, đủ lo cho con.
Từ nhỏ Phan Kiệt đã có ngoại hình sáng sủa, ăn nói lại lưu loát, lễ phép nên ai cũng yêu quý, khen ngợi. Có thể nói tuổi thơ của Phan Kiệt tràn ngập sự tung hô, khen ngợi của người khác. Tuy nhiên, Phan Kiệt lại luôn thiếu thốn sự quan tâm của cha mẹ.
Ông bà Phan vì bận rộn sự nghiệp để lo tài chính cho gia đình nên không có nhiều thời gian dành cho con. Để tiện việc dạy học, ông Phan thuê một căn nhà ở gần trường và rất ít khi về nhà. Ngay cả khi Phan Kiệt học ở ngôi trường mà bố dạy thì cả 2 bố con vẫn không tiếp xúc, giao tiếp nhiều. Sự giao tiếp thậm chí còn không thể so bằng thầy trò bình thường trong trường.
Mẹ của Phan Kiệt cũng bận rộn không kém. Khi Phan Kiệt còn nhỏ, mẹ anh phải đưa con đến công ty để vừa làm vừa trông. Khi ấy, Phan Kiệt ngoan ngoãn, hiểu chuyện, chỉ lẳng lặng ngồi bên bàn làm việc của mẹ cả ngày.
Cuộc sống như vậy đã kéo dài suốt thời thơ ấu của Phan Kiệt. Trong mắt người lớn, đứa trẻ Phan Kiệt thật là hiểu chuyện nhưng chỉ anh mới biết, bản thân ghen tị với những đứa trẻ được bố mẹ kèm cặp đến nhường nào.
Ở độ tuổi cần tình yêu và sự đồng hành, thứ mà Phan Kiệt có được là vật chất. Tuy nhiên, sự thiếu thốn tình cảm giống như một "hố đen" trong trái tim Phan Kiệt, càng ngày càng lớn.
Hết bậc tiểu học, Phan Kiệt có thành tích học tập xuất sắc, quan hệ với bạn bè, giáo viên cũng rất tốt. Tuy nhiên lên cấp 2, Phan Kiệt đã trở thành một con người khác.
Đóng cửa trái tim, nghiện game vì sự thiếu quan tâm của cha mẹ
Giai đoạn này, ông bà Phan gửi con đến trường nội trú. Thứ nhất là bởi họ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con. Thứ hai, họ hy vọng điều này có thể giúp Phan Kiệt học được kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Một cậu thiếu niên đột nhiên phải thay đổi môi trường sống mà hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước. So với những đứa trẻ khác, Phan Kiệt rõ ràng phải đối mặt với nhiều khó khăn, hoang mang hơn hẳn.
Không còn là cậu học sinh giỏi được yêu mến ở trường tiểu học, khi bắt đầu cuộc sống ở ký túc xá, Phan Kiệt bị bạn cùng phòng chế giễu vì khả năng tự chăm sóc bản thân yếu. Những công việc như thu dọn giường, làm việc nhà trở thành vấn đề lớn đầu tiên mà Phan Kiệt phải đối mặt.
Sau nhiều lần thất bại, bị bạn cùng phòng chế giễu, khinh thường, Phan Kiệt đã bị tổn thương lòng tự trọng. Lần đầu tiên, anh tranh cãi với cha mẹ về chuyện đi học. Tuy nhiên ông Phan người vẫn nuông chiều con, chẳng những không hỏi lý do, hay an ủi, động viên con mà chỉ mắng mỏ. Còn bà Phan vẫn chiều chuộng, yêu thương, cố bù đắp thêm cho con bằng tiền tiêu vặt và yêu cầu con phải hòa đồng với bạn cùng lớp, cố gắng học tập chăm chỉ.
Trước tình thương yêu của mẹ, Phan Kiệt đã nói hết những gì mình cảm nhận, mong muốn được cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Lúc này, ông bà Phan mới nhận ra con trai mình không còn là một đứa trẻ mà đã cao lớn gần bằng bố mẹ.
Bà Phan cuối cùng đã gác lại công việc, dành thời gian cho con trai nhưng điều này chỉ kéo dài được khoảng 1 tháng.
Có thể nói, Phan Kiệt đã mở lòng với cha mẹ nhưng họ lại bỏ lỡ cơ hội dạy dỗ, đồng hành cùng con. Phan Kiệt sau đó hoàn toàn đóng cửa trái tim với cha mẹ, không cho họ thêm bất kỳ cơ hội nào và để "hố đen" trong tim nuốt chửng cuộc đời mình.
Sau năm thứ hai trung học cơ sở, điểm số của Phan Kiệt giảm mạnh. Bạn học xa lánh, bố mẹ không quan tâm, Phan Kiệt dần tiếp xúc với những học sinh hư rồi mê game. Với số tiền tiêu vặt mà cha mẹ cho, Phan Kiệt sa đà vào các quán game rồi dần trở thành cao thủ game. Anh ta có một nhóm người theo dõi, ngưỡng mộ trên mạng.
Phan Kiệt dần chán học, tính tình thất thường, hay mắng mỏ bố mẹ. Tuy nhiên ông Phan lại không mấy quan tâm đến điều này. Trong mắt ông, đứa trẻ nào cũng có một thời nổi loạn như vậy, chỉ cần điểm số không sa sút thì sau này, khi lớn lên, chúng sẽ lại đi đúng hướng.
Lúc này, cha mẹ của Phan Kiệt không còn chỉ đơn giản là cưng chiều nữa mà gần như nuông chiều con. Sự tin tưởng của họ đối với Phan Kiệt đến từ sự thông minh và ngoan ngoãn của anh từ khi còn nhỏ. Nhưng khi họ bận rộn với sự nghiệp của mình, họ không biết rằng, Phan Kiệt đã không còn là cậu bé ngoan ngày nào.
Càng ngày, Phan Kiệt càng xa rời thế giới thực mà đắm chìm vào game. Cuối cùng, anh ta thi trượt đại học và phải vật lộn lắm mới trúng tuyển được vào một trường cao đẳng. Đến lúc này, ông bà Phan vẫn chưa tỉnh ngộ. Họ nghĩ rằng, chỉ cần từ giờ Phan Kiệt học hành chăm chỉ thì sau khi tốt nghiệp, họ sẽ tận dụng các mối quan hệ của mình để xin việc cho con.
Thế nhưng Phan Kiệt không quan tâm đến kỳ vọng của cha mẹ, vẫn tiếp tục lang thang, đắm chìm trong game. Phan Kiệt gần như không lấy được bằng tốt nghiệp và khi sắp phải bước vào xã hội, anh ta chọn lựa việc trốn trong nhà, dựa dẫm vào cha mẹ. Ngày ngày, Phan Kiệt đối mặt với màn hình máy tính, tận hưởng vinh quang ở không gian ảo.
Khi cha mẹ có thời gian, nhưng con cái đã không còn cần...
Khi đó, ông bà Phan mới cảm nhận được những thay đổi của con trai. Sau khi thuyết phục, trách móc thậm chí đánh đập mắng mỏ đều không có tác dụng, ông bà Phan chỉ còn cách chấp nhận thực tế. Lúc này ông bà Phan đều đã nghỉ hưu, họ có đủ thời gian để đồng hành cùng con. Nhưng hiện tại, thứ Phan Kiệt muốn ở bố mẹ không phải tình cảm nữa mà là tiền.
Sau nhiều trận cãi vã, la hét, khi bà Phan hỏi: "Sau này con sẽ làm gì? Con định không ra ngoài tìm việc?", Phan Kiệt đã đẩy mẹ ngã, lao vào đánh mẹ túi bụi và hét lên như người mất trí: "Tại sao lại quan tâm đến tôi? Tại sao bây giờ ông bà lại quan tâm đến tôi?". Lần bị con đánh này đã khiến bà Phan bị thương tật ở tay vĩnh viễn.
Bi kịch của nhà họ Phan khiến hàng xóm không khỏi thở dài. Không một ai nghĩ, gia đình từng khiến họ ghen tị lại kết thúc trong mớ hỗn độn như vậy...
Dù con trai bất hiếu nhưng ông bà Phan không thể bỏ mặc con. Họ mua cho con một chiếc xe hơi và một ngôi nhà, điên cuồng sắp xếp cho con những cuộc gặp gỡ, xem mắt để mong con có thể lập gia đình. Tuy nhiên kết cục của các buổi xem mắt như đã nói ở bên trên.
Sau khi câu chuyện về Phan Kiệt trở nên nổi tiếng, các chuyên gia tâm lý đã quyết định can thiệp. Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ kết luận, Phan Kiệt không còn nghiện game đơn thuần mà đã mắc chứng bệnh tâm thần mang tên "rối loạn nhân cách hoang tưởng".
Căn bệnh này giống như nỗi bất bình gắn liền với xương tủy của Phan Kiệt, sau nhiều năm trốn chạy thực tại và đắm chìm trong Internet. Những hành vi hiện tại của Phan Kiệt nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Sau đó Phan Kiệt được đưa vào bệnh viện tâm thần để điều trị.
Câu chuyện của Phan Kiệt khiến các bậc cha mẹ không khỏi suy nghĩ, đặc biệt là những người luôn lấy cái cớ bận rộn để bỏ bê, không dành thời gian cho con cái. Phải chăng năm ấy, ông bà Phan dành thời gian quan tâm đến con nhiều hơn thì cuộc đời của Phan Kiệt đã không đi đến bước đường như này.
Phan Kiệt chưa tới 40 tuổi, vẫn còn một cuộc đời dài phía trước. Liệu anh có thể hồi phục và làm lại cuộc đời? Điều này chúng ta chưa thể biết, nhưng chắc chắn cuộc đời của Phan Kiệt là một bài học lớn cho các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái...