pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con trai mất, vợ chồng Thái Bình cố 22 năm mới có bầu lại, đập luôn nhà xây căn mới 400m2
Video: Bé Trần Vũ Đăng Nguyên giờ đây đã hơn 1 tuổi.
52 tuổi, ít ai nghĩ sẽ còn khả năng mang thai và sinh con nhưng chị Quách Thị Oanh và anh Trần Vũ Chính ở xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã tìm đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với hy vọng có thể mang thai và làm mẹ. Sau rất nhiều nỗ lực từ chính bản thân anh chị và những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chị Oanh đã thành công, mang thai và hạ sinh một bé trai khỏe mạnh.
Sau 22 năm mòn mỏi chờ đợi, chị Oanh đã mang thai và hạ sinh một bé trai khỏe mạnh.
Cũng như bao người phụ nữ khác, trải qua một thời gian tìm hiểu, chị Oanh đã kết hôn với người mình yêu. Sau ngày cưới hai vợ chồng chị nhanh chóng có với nhau một bé trai. Tổ ấm nhỏ những tưởng sẽ hạnh phúc vẹn tròn, đầm ấm. Thế nhưng, năm 1991, con trai đầu lòng của anh chị khi đó được hơn 1 tuổi đột nhiên đi ngoài liên tục, người lả đi nhưng ở quê chỉ tập trung chữa rối loạn tiêu hóa. Khi bé trở nặng, bác sĩ tuyến trên chẩn đoán bé bị viêm amidan, chảy dịch xuống đường tiêu hóa gây đi ngoài không cầm.
Dù được cấp cứu tích cực nhưng bé đã không qua khỏi. Sáu năm sau, chị sinh cô con gái thứ 2 và dự định sinh thêm một bé nữa nhưng dù đã rất cố gắng chị vẫn không có bầu. Vợ chồng chị đã đi nhiều bệnh viện, gặp nhiều thầy lang để bốc thuốc chữa hiếm muộn nhưng đều không có kết quả.
Bé Đăng Nguyên chào đời là niềm hạnh phúc của gia đình chị Oanh.
Biến cố theo thời gian cũng trôi đi nhưng nỗi đau quá lớn khiến chị mãi vẫn chẳng thể nguôi ngoai. Thương chồng vì bao năm khao khát muốn có thêm con để bố mẹ có thêm chỗ dựa khi về già, chị lại dằn vặt bản thân. Ở tuổi ngoài 50, chị Oanh định buông xuôi vì thấy không còn hy vọng. Nhưng cũng thời điểm này, có đến 4 cặp vợ chồng trong xã đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để điều trị và đều đã sinh con thành công. Vợ chồng chị lập tức khăn gói lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để thăm khám, khấp khởi hy vọng.
Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, chị Oanh tâm sự: “29 năm về trước khi ấy tôi rất đau khổ bởi vì bệnh tật mà con trai bỏ bố mẹ ra đi mãi mãi. Tôi hụt hẫng và mong muốn sau bé gái thứ hai sẽ có thêm một người con để bù đắp lại khoảng trống trong lòng. Tôi chỉ nghĩ đến việc mình phải làm sao để sinh được con, có được con vì tôi biết ở tuổi này, muốn có thai và sinh con là việc vô cùng khó khăn khi đã ở tuổi mãn kinh”.
Tiếp nhận trường hợp khá đặc biệt, các bác sĩ nhận định đây là một ca khó bởi người mẹ đã lớn tuổi và có nhiều nguy cơ khi mang thai, sinh nở. Sau thăm khám, bác sĩ thông báo, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của chị Oanh chỉ còn 0,3 ng/ml, số lượng và chất lượng trứng đều rất kém. Lần đầu kích trứng, chị chỉ thu được 1 trứng. Trong 8 tháng tiếp theo, chị tích cực uống và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kích thêm được 3 trứng. Bác sĩ tư vấn vợ chồng chị nên làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tạo được 3 phôi. May mắn ở lần chuyển phôi đông lạnh thứ 2, chị đã đậu thai.
Chị Oanh cùng cậu con trai út Trần Vũ Đăng Nguyên
Chị bộc bạch: “Nhận kết quả có thai, hạnh phúc gấp đôi nhưng những lo lắng cũng tăng lên gấp bội. Tôi nghĩ đến sức khỏe thai kỳ, liệu ở độ tuổi này có đủ sức lực để giữ cho con khỏe mạnh suốt 9 tháng trong bụng hay không? Tuy nhiên tôi được các bác sĩ tư vấn chế độ sinh hoạt và ăn uống bình thường, chỉ đến kỳ thăm khám là đến bệnh viện để được kiểm tra. Bác sĩ dặn tôi phải đi lại nhẹ nhàng, hạn chế leo cầu thang và tuân thủ đặt thuốc nội tiết suốt chu kỳ”.
Lần mang thai này tuy có những lo ngại nguy cơ có thể xảy ra như mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, băng huyết… May mắn trong suốt quá trình mang bầu, chị không nghén mà thấy người khoẻ ra, liên tục thèm ăn. Cả thai kỳ, chị tăng tổng cộng 15 kg. Khi thai được hơn 38 tuần, tháng 8/2019 bác sĩ tại Bệnh viện phụ sản Thái Bình khuyên chị nên mổ đẻ luôn để tránh những tai biến đáng tiếc, bé nặng 3kg được bố mẹ đặt tên là Trần Vũ Đăng Nguyên. Vậy là, sau 22 năm chờ đợi, chị Oanh hạnh phúc sinh con ở tuổi 52.
Một vài ngày đầu sau sinh, chị Oanh phải cho con ăn tạm sữa ngoài do vết mổ còn đau, chưa có sữa. Nhưng từ ngày thứ 5 đến nay, chị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và dự định cai sữa khi con được 1,5 tuổi. Ngày chị ở viện về, người thân tấp nập đến chúc mừng, ai cũng nói: “Vợ chồng chị Oanh như trúng số độc đắc”.
Hình ảnh bụ bẫm của bé Đăng Nguyên hiện tại với cân nặng hơn 10 kg
Quá hạnh phúc vì có thêm con ở tuổi xưa nay hiếm, vợ chồng chị quyết định đập căn nhà mái bằng 1 tầng cũ để xây nhà mới 3 tầng rộng 400m2. Căn nhà đang hoàn thiện những khâu cuối cùng, hơn 1 tháng nữa sẽ được vào ở.
Chị Oanh tiết lộ, khi về nhà chỉ có 2 vợ chồng chăm con nhưng may mắn bé rất ngoan, hơn 1 năm qua, chưa đêm nào chị mất ngủ. Con bú mẹ xong là lăn ra ngủ. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cô con gái của chị sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính cũng vừa lấy chồng ngay gần nhà và đang mang bầu bé đầu lòng.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ có thai khi làm thụ tinh trong ống nghiệm tại trung tâm đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, phụ nữ càng cao tuổi, tỷ lệ này càng thấp.
PGS.TS Nguyễn Khang Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, để nâng tỷ lệ thành công khi làm IVF, bác sĩ cần chọn được tinh trùng tốt, nuôi noãn tốt và nuôi phôi tốt. Trong đó noãn phải được hoạt hóa tốt, tiêm tinh trùng vào noãn đúng thời điểm. Khi nuôi cấy phôi, phải sử dụng môi trường ấm có khí trộn nồng độ oxy thấp giúp chất lượng phôi luôn ổn định. Khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ chọn 1-2 phôi tốt nhất, tránh trường hợp chuyển cùng lúc 3-4 phôi để hạn chế mang đa thai.